Không chỉ đòi hỏi về mặt thể lực mà còn cần cả trí lực, làm vệ sĩ riêng là một công việc khó khăn, nhất là với những cô gái thường được xem là chân yếu tay mềm.
Ronda Rousey được gạ đóng phim cấp 3 với cát-sê “khủng”
Chuyện đời một võ sĩ Muay đồng tính ở Thái
Những năm gần đây, số lượng người giàu có tại Trung Quốc gia tăng nhanh chóng, kéo theo sự phát triển của ngành vệ sĩ ở nước này. Trong mắt nhiều người, khái niệm vệ sĩ chỉ là những người giỏi võ luôn xông pha bảo vệ chủ nhân trong những tình huống nguy hiểm. Thế nhưng, trên thực tế, vai trò chủ yếu của những người làm công việc vệ sĩ là đảm đương trọng trách làm cố vấn an ninh, họ phải có chuyên môn để đưa ra được những phán đoán chính xác nhằm bảo vệ an toàn cho khổ chủ của mình.
Tại trung tâm đào tạo vệ sĩ, có thể dễ dàng bắt gặp những cô gái khỏe mạnh, dũng cảm đang luyện tập. Một học viên của trung tâm tên Ngô Diễm Thanh, năm nay 26 tuổi, đang tập luyện hăng say trên sàn tập. Giờ nghỉ giải lao, hai chân của Ngô Diễm Thanh đã trở nên sưng đỏ. Lúc được hỏi: “Có đau không?”, cô gái mỉm cười thản nhiên: “Đã quen rồi”. Cô cho biết, khi còn chưa tốt nghiệp tiểu học, bố mẹ đã gửi cô vào trường thể dục thể thao để theo đuổi nghiệp võ thuật. Với vóc dáng khỏe mạnh, lại thêm kinh nghiệm nhiều năm tập võ, cô nhanh chóng gia nhập trung tâm đào tạo vệ sĩ và trở thành một học viên xuất sắc của trung tâm.


Cô Tôn Tuyết Kiều, 28 tuổi, từng theo học bộ môn tán thủ chuyên nghiệp, hiện là giám đốc một trung tâm vệ sĩ ở Bắc Kinh, đồng thời cũng là huấn luyện viên đào tạo nữ vệ sĩ, cô là người đầu tiên thành lập công ty nữ vệ sĩ và cả đội bóng kungfu nữ đầu tiên ở Trung Quốc. Vị nữ giám đốc trẻ tuổi tiết lộ, ngoài một số ít những nữ binh xuất ngũ ra, đa số các nữ vệ sĩ đều xuất thân từ vận động viên hoặc võ sư. Khi được hỏi về sự khác biệt giữa nữ vệ sĩ và nam vệ sĩ, cô Tôn cho biết, bởi vì sự chênh lệch thể lực giữa nam giới và nữ giới, những cô gái lựa chọn công việc vệ sĩ sẽ phải vất vả hơn cánh đàn ông rất nhiều. Yêu cầu dành cho các nữ vệ sĩ không khác gì đối với các nam vệ sĩ, cường độ luyện tập của nữ cũng không hề nhẹ nhàng hơn của nam. Mỗi ngày, các nữ vệ sĩ đều phải bỏ ra rất nhiều thời gian và công sức để luyện tập, không được phép lười biếng hay mất cảnh giác.

Ngoài những yếu tố về thể chất, các vệ sĩ riêng còn phải có kỹ năng sống đa dạng và cần biết xử trí khéo léo. Xét về mặt tâm lý, nữ giới thường không mạnh mẽ như đàn ông, nhưng công việc vệ sĩ lại không cho phép các cô gái sợ hãi hay yếu đuối, vì vậy, họ luôn phải rèn luyện ý chí kiên cường và khả năng xử lý mọi tình huống bất ngờ một cách nhanh nhạy, hợp lý.
Trước khi thực hiện nhiệm vụ, nữ vệ sĩ không chỉ luyện tập về thể lực hay trí lực, mà họ còn phải cất công tìm hiểu về khách hàng và nơi mà mình sẽ đến cùng khách hàng để lựa chọn ra những trang phục và phong cách phù hợp. Tùy theo yêu cầu của khách hàng mà các nữ vệ sĩ sẽ mặc đồng phục hoặc thường phục hay những trang phục khác phù hợp hơn. Quan trọng hơn cả, họ không bao giờ được bỏ qua phần lễ nghi ở những nơi mà mình sẽ đến.




