Nỗi buồn Boxing Việt

Người ta tính rằng, gần 1 tiếng đồng hồ thi đấu của huyền thoại Boxing Manny Pacquiao trị giá 80 triệu USD, tính ra VNĐ là 1.600 tỉ đồng, tương đương với tổng thu nhập mỗi năm của… 15.000 các võ sĩ Boxing Việt Nam.

Võ sĩ Trương Đình Hoàng: “Từ tán thủ Wushu đến võ sĩ Boxing ”
Mỗi ngày một tuyệt kĩ – Countering Jab – phản đòn đấm thẳng

Boxing Việt Nam cũng có những giai đoạn khá rực rỡ, nhiều tài năng. Nhưng ngay trong thời gian ấy cũng có những sự cố đáng buồn. Một trong những “tên tuổi” trong làng quyền Anh Việt Nam những năm 80 là Dương Tử Anh – một võ sĩ con nhà nòi từng đánh 50 trận chỉ thua 3, đoạt HCB toàn quốc và gây chấn động với trận thắng kiện tướng quyền Anh của Liên Xô, nhưng cái tên Dương Tử Anh lại được biết đến nhiều hơn khi băng nhóm Phúc “bồ” bị triệt phá.

Huyền thoại quyền Anh Muhammad Ali từng có chuyên thăm bí mật đến Việt Nam

Cuối những năm 80, việc võ sĩ Tạ Quang đoạt HCĐ SEA Games ngay trong lần hội nhập đầu tiên với thể thao khu vực đã khiến những sàn đấu boxing trở nên đặc biệt sôi động: Khán giả vây kín, không khí rất phấn khích. Niềm phấn khích ấy cộng với công tác tổ chức không tốt đã dẫn đến sự kiện tại giải VĐQG boxing năm 1994 tại Hải Phòng. Do quá máu me ăn thua, cộng sự chứng kiến quá đông của khán giả Hải Phòng, sàn đấu boxing – nơi diễn ra trận đấu căng thẳng nhất giữa Tiến Tuấn – có biệt danh Mike Tison đất Cảng – và Anh Tuấn từ Hà Nội. Hai võ sĩ đã không kiềm chế được, tấn công lẫn nhau, tấn công trọng tài và nghiêm trọng hơn là hiện tượng “vỡ sới”. Khán giả quá khích quay sang tấn công lẫn nhau.

Một cuộc họp khẩn của ngành thể thao đã diễn ra ngay sau đó, môn boxing bị cấm vô thời hạn. Các địa phương cũng cho giải tán bộ môn và các đội tuyển giải tán. Mấy trăm HLV, VĐV phải đối diện với sự thật phũ phàng, giải nghệ hoặc chuyển sang môn thể thao khác. Thực tế, phần lớn các võ sĩ đều chia tay sự nghiệp để tìm hướng mưu sinh. Chỉ một số ít quá đam mê hay có khả năng tiếp tục làm lại ở các môn võ khác như võ thuật cổ truyền, wushu.

Phải 8 năm sau, phong trào boxing mới được khôi phục nhưng không xóa được ác cảm của người hâm mộ từ sự cố năm 1994 ấy.

Đã lại có thành tích nhưng vẫn… nghèo

Trở lại đấu trường khu vực, quyền Anh Việt Nam có ngay thành tích với những tấm HCĐ của cặp song sinh Trung Kiên, Kiên Cường tại SEA Games 22 năm 2003. Thế nhưng, phía sau boxing Việt là những câu chuyện buồn: Trước SEA Games 23, anh em Kiên Cường lên đường tập huấn mà bố ung thư nằm nhà. Hai anh em cuối cùng cũng phải gạt nước mắt ở Cuba khi bố qua đời. Rồi đến SEA Games, Cường bị một võ sĩ Thái Lan hạ đo ván chỉ sau 40 giây. Cú đấm khiến Cường vỡ xương quai hàm bất tỉnh vào viện cấp cứu.

Nếu ở nước ngoài, võ sĩ quyền Anh thi đấu chuyên nghiệp thì ở Việt Nam vẫn là môn nghiệp dư, các võ sĩ chỉ được trả một chế độ thấp. Võ sĩ Tạ Quang người mang về huy chương SEA Games đầu tiên cho boxing Việt Nam đang sống trong cảnh nghèo khó. Thế hệ võ sĩ trẻ sau này cũng theo boxing vì đam mê hơn là hy vọng trở thành một… tỉ phú. Thế mới có chuyện ở SEA Games 26 cách đây 4 năm, các võ sĩ quyền anh Việt Nam buộc phải dùng chung thiết bị bảo vệ răng do không có kinh phí trang bị bởi loại rẻ nhất cũng lên tới vài trăm đôla/chiếc.

Thể thao Việt Nam, trừ bóng đá và một vài VĐV đặc biệt thì nhìn đâu cũng thấy nghèo, võ sĩ boxing càng nghèo. Thế nên nhiều võ sĩ Việt xem đồng nghiệp Pacquiao thi đấu thì cứ ngẩn ngơ: Một tiếng thi đấu của Pac Man bằng thu nhập hàng năm của 15.000 võ sĩ Việt và có thể tài trợ cho giải bóng đá V.League của Việt Nam tới… 60 năm.

Hồ Võ