Đặc trưng của Vovinam là gì? Câu hỏi rất phổ biến về môn Vovinam, thường được môn đồ các cấp trả lời ngay mà không cần cân nhắc hay ngần ngại rằng là “đòn chân kẹp cổ”!

Một sự nhầm lẫn hết sức ngô nghê! Bởi cái bản năng thích võ nhưng không chịu khó tìm hiểu về võ!

Trước hết nhìn lại một chút về lịch sử ra đời của môn Vovinam.

Trong bối cảnh đất nước đang cần những tinh thần quyết chiến và khả năng võ bị để chiến đấu chống thực dân, thì Vovinam ra đời với phương châm là tự vệ và chiến đấu. Đã hỗ trợ đắc lực cho phong trào kháng chiến lúc bấy giờ.

Đòn thế Vovinam thực dụng và mang lại hiệu quả cao trong các trận cận chiến. Không hoa mỹ rườm rà mà thiếu tính thực dụng.

Vovinam là một môn võ tích hợp nhiều đòn thế dựa trên nền tảng võ và vật cổ truyền Việt Nam, nhưng vật nhiều hơn võ. Đồng thời thái dụng tinh hoa đòn thế của một số võ phái khác.

Đơn cử như các đòn tự vệ khóa gỡ mang hơi hướm của môn Sambo “tự vệ không vũ khí” của Nga, có từ trước năm 1912.

Hay nhiều nét tương đồng về vũ khí cận chiến có trong môn Kalaripayattu, là môn võ cổ truyền Ấn Độ, bắt nguồn từ Kerala vào thế kỷ 13.


Hay các đòn chân kẹp cổ và lối đánh vũ khí dao dài (mã tấu) của môn Angampora, một môn võ cổ của người Sri Lanka có lịch sử hơn 30000 năm. Các đòn quăng quật siết khóa thì ẩn hiện lối đánh của Jiu-Jitsu…

Tóm lại, sự thái dụng tài tình để phù hợp với thể tạng của người Việt và đáp ứng nhu cầu võ bị trong thời chiến, đã xây dựng nên một dòng võ mới vừa truyền thống vừa hiện đại.

Trên lý thuyết thì đòn của Vovinam là một sự chắt lọc những tinh hoa của nhiều võ phái, kết hợp với võ và vật Cổ truyền Việt Nam.

Tại sao gọi là chắt lọc tinh hoa? Bởi lẽ, nhận thấy mỗi môn võ đều có cái hay của nó, nhưng nếu đem toàn bộ tinh hoa ấy để áp dụng vào với thể trạng người Việt Nam thì rất khó mang lại hiệu quả. Vì người Việt nam bé nhỏ, nhưng rất khéo léo khi vận dụng sở trường lòn lách tránh né và khai thác thế mạnh của mình là nhẹ nhàng, để thi triển các thế đánh gối, các thế vật trên không (đòn chân tấn công). Cho nên chỉ thâu dụng khía cạnh nào đó phù hợp với người Việt.

Nói như thế không có nghĩa là mô phỏng hay toa rập, mà là một sự hòa trộn một cách khéo léo.

Ví dụ như bên nhóm A có màu đỏ, bên nhóm B có màu xanh, thì Vovinam chỉ lấy cái tinh túy của màu đỏ và tinh túy của màu xanh để hòa vào nhau cho ra màu tím, thì đó  là màu của Vovinam mà các bậc tiền bối gọi là “thái dụng” vậy.

Tuy nhiên để làm nên thương hiệu “đình đám” không phải ở chỗ các đòn kẹp cổ như mọi người lầm tưởng. Mà chính là sự kết hợp độc đáo trong huấn luyện và chiến đấu. Đó là:

Hệ thống huấn luyện: Ngoài sự vận dụng các nguyên lý khoa học trong đòn thế, Vovinam còn áp dụng nguyên lý 1 phát triển thành 3 mà các võ phái khác không có (tức là từ Đòn căn bản sẽ ra Quyền và ra Song luyện), chắc như kiềng 3 chân.


Với nguyên lý này, chỉ cần nhớ một, nhớ hai, hay quên hai nhớ một, vẫn có thể dễ dàng nhớ lại bài.

Trong chiến đấu: Áp dụng cả vật và đối kháng, tùy theo tình huống. Điều này cũng là một nét ưu việt của môn Vovinam. Trong khi đa phần các môn võ khác đều; hoặc chỉ đối kháng hoặc chỉ vật thuần túy.


Cho nên ai đó đã ví Vovinam như là môn MMA của người Việt.

Chính những nét đặc thù như vậy, cộng với hệ thống triết lý nhân sinh của Vovinam đã làm nên thương hiệu và sự lan tỏa mạnh mẽ, thu hút được giới đam mê võ thuật của nhiều quốc gia trên thế giới.

Châu Minh Hay

Nguồn: giaitri.thoibaovhnt.com.vn | Copy Link