Giai thoại làng võ: Cuộc gọi lúc nửa đêm

Lão võ sư Trần Hữu Hoàng (77 tuổi) – chưởng môn Hắc Hổ – vẫn còn nhớ như in về trận thi đấu võ đài hết sức kỳ lạ xảy ra cách nay gần 50 năm. Nói “kỳ lạ” là bởi võ sĩ bị đối thủ đánh cho “lên bờ xuống ruộng” lại bất ngờ được trọng tài tuyên bố… thắng!

954ab3dc64f6cc

Tháng 2.1973, nhận lời mời của võ đường Tấn Hoành (Tư Quang, Tư Nghĩa, Quảng Ngãi), Tổng cuộc Quyền thuật VN cử đoàn võ sĩ Sài Gòn – Chợ Lớn trực chỉ miền Trung, đả lôi đài diễn ra trong 3 đêm (22, 23, 24.2) tại ga Ông Bố. Các tay đấm đến từ “Hòn ngọc Viễn Đông” đều là những tên tuổi gạo cội như Kê Kim Sơn (võ đường Kim Kê), Mai Hồng Ân (võ đường Mai Thái Hòa), Trần Beo (võ đường Trần Xil), Hổ Bạch Sô (võ đường Hổ Bạch Ân), Appollo (võ đường Huỳnh Tiền), La Cường (võ đường Nguyễn Hớn Minh), Lê Hải Bắc (võ đường Hắc Hổ), Từ Thanh Mãi (võ đường Từ Thiện) được sắp xếp lần lượt so tài với võ sĩ võ đường Tấn Hoành.

Đoàn võ sĩ phái Hắc Hổ do võ sư Trần Hữu Hoàng dẫn đầu gồm 3 võ sĩ thi đấu quyền tự do gồm Nguyễn Thanh Long (hạng cân 63 kg), Lê Hải Bắc (tự “Hỏa Lò”) hạng 64 kg và Cao Xuân Đường (65 kg) ra quân đánh hai trận “vén màn” đều thắng knock-out hai võ sĩ chủ nhà Tấn Thìn và Tấn Tuấn một cách thuyết phục. Ngày thứ hai, đến lượt võ sĩ Cao Xuân Đường gặp Huỳnh Ngọc – tay đấm tên tuổi ở Quảng Ngãi với những ngọn cước mạnh khủng khiếp, truyền nhân của quyền sư Thiếu Lâm Bắc phái Lâm Võ (ấp Phú Hòa Tàu Tương, gần cầu Trà Khúc). Nếu thắng thì uy danh của đoàn võ sĩ phái Hắc Hổ sẽ càng dữ dội hơn.

Thế nhưng đêm 22.2, khi võ sư Trần Hữu Hoàng đang say giấc nồng tại nhà nghỉ thì thình lình chuông điện thoại reo vang, một giọng lạnh lùng như ra lệnh từ đầu dây bên kia: “Ông là Trần Hữu Hoàng phải không? Tôi là đại úy Lê Tình, Phó ty Cảnh sát Tư Nghĩa, thừa lệnh Trưởng ty Huỳnh Rô lệnh cho ông trận đấu ngày mai đệ tử ông phải thua, bằng ngược lại thầy trò ông khó lòng rời khỏi ga Ông Bố!”.

Từ khi nhận được cuộc gọi với giọng điệu hăm he, võ sư Trần Hữu Hoàng trằn trọc không ngủ được, thao thức đến khi gà gáy thì lập tức chạy qua phòng học trò Cao Xuân Đường căn dặn đệ tử phải giả vờ đánh thua Huỳnh Ngọc nhằm bảo toàn tính mạng.

Tuy nhiên, do Cao Xuân Đường còn khá trẻ, bản tính háo thắng nên khi xung trận quá hăng máu đã phớt lờ khuyến cáo của sư phụ, tung những tuyệt kỹ Hắc Hổ quyền khiến võ sĩ chủ nhà xịt máu mũi ròng ròng, trọng tài buộc gián đoạn trận đấu đến 3 lần để nhân viên y tế chăm sóc vết thương cho Huỳnh Ngọc. Dưới khán đài, võ sư Trần Hữu Hoàng thấp thỏm như ngồi trên lửa. Kết thúc hiệp 3, trọng tài Bé Tư (Quảng Ngãi) bất ngờ tuyên Huỳnh Ngọc thắng điểm trước sự ngỡ ngàng của hàng ngàn khán giả và cả đoàn võ sư, võ sĩ Sài Gòn – Chợ Lớn.

Đêm võ đài cuối cùng, không ít tay đấm lừng lẫy của các võ đường Sài Gòn – Chợ Lớn cũng đều bị trọng tài xử thua (trong thế thắng) một cách khó hiểu trước các võ sĩ tỉnh lẻ như La Cường thua Tấn Phi, Kê Kim Sơn thua Tấn Đình, Hổ Bạch Sô thua Tấn Khang, Appollo thua Tấn Địu… Sự thiên vị của trọng tài lộ liễu đến nỗi hàng ngàn khán giả tỉnh nhà bày tỏ thái độ bất bình phản đối ban tổ chức.

Đến khi tàu hỏa chở đoàn võ sĩ Sài Gòn – Chợ Lớn rời khỏi ga Ông Bố một cách an toàn, trong buổi cơm trưa tại đảo Hòn Tằm, Nha Trang, ông trưởng đoàn Ngọc Thôi (thư ký Tổng cục Quyền thuật) mới tiết lộ cho võ sư Trần Hữu Hoàng rằng: “Trước trận then chốt giữa Cao Xuân Đường và Huỳnh Ngọc, ông đã nhận được chỉ đạo buộc võ sĩ Sài Gòn phải thua, bởi tay đấm Huỳnh Ngọc chính là quý tử của ông Huỳnh Rô, Trưởng ban tổ chức 3 đêm võ đài”.

Vì vậy, hăm he, gây bất an về tâm lý cho võ sĩ không được thì họ cũng dễ dàng khống chế trọng tài đổi trắng thay đen.

Theo Ngọc Thiện – Thanh Niên Online