Huyền thoại Kim Chấn Bát: Sự thật về hapkido

Nói đến môn võ hapkido, không chỉ người ngoại đạo mà cả trong giới võ thuật cũng ít người biết rõ nguồn gốc và nguyên lý hoạt động của môn võ này. Tìm các tài liệu trên trang mạng, chỉ thấy nói chung chung đó là môn võ dùng khắc chế taekwondo vốn thiện nghệ đòn đá. Xem các tiết mục biểu diễn của các cao thủ hapkido, cả trên phim ảnh lẫn ngoài đời phải thừa nhận các đòn đánh hết sức đẹp mắt. Các đòn phi cước tung ra rất bay bổng và dũng mãnh, các đòn quăng quật, nắm bắt cầm nã ngược lại đầy nhu lực. Còn tính hiệu quả thật sự trong chiến đấu thì sao?

Đại sư Kim Chấn Bát khẳng định hapkido cực kỳ lợi hại cả trong tấn công lẫn phản đòn, đặc biệt là kỹ thuật cận chiến. Không phải ngẫu nhiên mà đội bảo vệ Tổng thống Park Chung-hee trước đây hầu hết đều là các hảo thủ hapkido. Ông kể có nhiều trường hợp bất ngờ không có trong “kịch bản” buộc người cận vệ phải có bản lĩnh võ thuật để xử lý.

Đó là năm 1962 khi ông Park Chung-hee về thành phố Busan nói chuyện trước đám đông cả trăm ngàn người. Lúc đó như có một làn sóng người muốn xem mặt tổng thống ào ào lên phía trước đe dọa đến tính mạng của ông Park. Ông và các đồng đội đã dàn hàng ngang và dùng tay đẩy hàng người phía trước ngồi xuống bằng kỹ thuật bấm vào huyệt Vân môn. Vừa nói ông vừa làm mẫu với ngón tay cứng như thép, làm cho đối tượng gần như tê liệt. Theo phản xạ, hàng người trước ngồi, những hàng người phía sau sẽ ngồi xuống theo.

Kim Chấn Bát (thứ 3 từ trái sang) và các cao đồ
Kim Chấn Bát (thứ 3 từ trái sang) và các cao đồ

Mặc dù những người lính cận vệ như ông bắn súng bách phát bách trúng, nhưng không phải lúc nào cũng kè kè súng bên người và có thể nổ súng bừa bãi được. Cận vệ cũng không thể tung người đấm đá lung tung. Các kỹ thuật cầm nã bắt dao, khóa tay, bấm huyệt vừa nhẹ nhàng, kín đáo lại cực kỳ hiệu dụng. Những kẻ quá khích thời ấy thường rất nhiều, kể cả những kẻ ngông cuồng làm càn để tạo sự nổi tiếng, thường xuyên bị nhóm của ông khống chế tước vũ khí. Vì tính hiệu quả như vậy nên quân đội cũng mời ông dạy cho lực lượng biệt hải và mũ nồi xanh…

Có một đội cận vệ tinh nhuệ như vậy nhưng cuối cùng Park Chung-hee vẫn bị ám sát năm 1979. Kim Chấn Bát đang ở Hồng Kông, khi nghe tin này ông đã bàng hoàng suốt mấy ngày. Mấy người lính cận vệ vừa là đồng đội cũ, vừa là đồng môn bị bắn gục, chỉ còn một người sống sót. Vụ ám sát do Giám đốc Cục Tình báo Hàn Quốc Kim Jae-kyu sắp đặt. Tổng thống Park Chung-hee được mời đến dự tiệc tại một tòa nhà của cục tình báo, các cận vệ bị tách khỏi tổng thống và giao nộp súng cho các đặc vụ, khi bị bắn họ hoàn toàn không kịp phản ứng.

Kim Chấn Bát đã sớm nhận ra chỗ lập thân của mình không phải cả đời quanh quẩn đi theo bảo vệ các yếu nhân. Ngay cả khi đóng phim cũng chỉ muốn thông qua điện ảnh quảng bá môn võ hapkido ra toàn thế giới. Hành trình võ thuật của ông đã gặt hái những thành quả khả quan, hệ thống Jil Pal hapkido ngày nay có mặt ở nhiều nước, môn sinh đông khắp và đủ các thành phần. Nhiều người là tiến sĩ, luật sư, bác sĩ… nổi danh. Có cả những vận động viên nổi tiếng trong thể thao như các ngôi sao bóng rổ, bóng bầu dục…

Câu chuyện cuộc đời đại sư Kim Chấn Bát cũng đã khá dài, các cao đồ đi theo ông có nhã ý mời tôi xuống võ đường Delon Tấn ở đường Tân Khai, Q.5, TP.HCM để “mục sở thị” các kỹ thuật đặc trưng của hapkido. Ở đây từ ba năm qua đã âm thầm ươm mầm một nhóm khá đông các võ sinh học kỹ thuật hapkido. Các em đều còn rất trẻ và kỹ thuật ra đòn rất căn cơ, là hạt giống tốt để phát triển hapkido về lâu dài.

Để mọi người nắm rõ nguồn gốc các đòn thế kỹ thuật hapkido, võ sư Phạm Quang Lãm – huyền đai 5 đẳng – tóm tắt: “Nếu nói hapkido là khắc tinh của taekwondo là cách nói phiến diện. Có thể nói hapkido là sự kết hợp hài hòa của ba môn phái nổi danh taekwondo, aikido và jujitsu. Khi tấn công, hapkido nặng về các đòn đá tầm xa như taekwondo mạnh bạo và lợi hại. Khi phòng thủ thì dùng các kỹ thuật jujitsu nhẹ nhàng lách né nhu nhuyễn. Khi phản công thường dùng đòn aikido với kỹ thuật tiến thối vòng tròn để giảm bớt tối đa lực trấn áp đối phương. Đặc biệt những đòn thế tự vệ là sự phối hợp tuyệt vời aiki-jujitsu”.

Hapkido còn chú trọng sự luyện khí, từ những động tác luyện khí khởi động sơ cấp đến những bài luyện khí cao cấp. Ngoài ra nhiều món vũ khí cũng nằm trong hệ thống huấn luyện như tiểu côn, song côn, dây xích, kiếm, dao găm… Học sử dụng và đánh vũ khí chỉ dành cho các môn sinh đẳng cấp huyền đai. Khi làm chủ được các kỹ thuật đánh vũ khí, họ có thể sử dụng tay không khống chế và tước vũ khí dễ dàng.

Võ sư Đinh Đạo trước đây từng theo học taekwondo nhiều năm, sau khi gặp đại sư Kim Chấn Bát thấy những khả năng đặc biệt của ông liền bái làm sư phụ. Anh cũng là người dụng công nghiên cứu sâu về môn võ này và phác họa qua lịch sử môn hapkido: “Có một truyền thuyết cho rằng môn võ này xuất hiện từ thế kỷ thứ 7 và các hiệp sĩ Hwa-rang là những người đầu tiên khởi xướng và tập luyện với các đòn cương mãnh đặc thù trong dòng võ thuật Triều Tiên. Sau đó chính các vị sư Phật giáo đã pha trộn các đòn cầm nã thủ đặc thù của Thiếu Lâm bắc phái làm nên bản sắc môn võ này. Tuy nhiên, lịch sử hiện đại lại cho thấy có hai trường phái chính do hai vị chưởng môn Choi Yong-sul và Ji Han-jae sáng lập. Trên các tài liệu chính thức hiện nay đều ghi nhận cả hai vị là đồng tổ sư môn hapkido hiện đại. Chính sư phụ Kim Chấn Bát của chúng tôi đã thụ giáo với vị chưởng môn Ji Han-jae. Và chúng tôi rất tự hào mình nằm trong hậu duệ chính thống của dòng võ lừng danh này”.

Theo Cao Thụ – Thanh Niên Online