Khái quát về võ Việt Nam

Võ Việt Nam là môn võ do người Việt sáng tạo và sử dụng suốt chiều dài lịch sử, để dựng nước, giữ nước và mở mang đất nước. Võ Việt Nam do người Việt sáng tạo từ thời dựng nước vào khoảng thế kỳ 2 trước Công nguyên, được bổ sung suốt quá trình lịch sử Việt Nam.

Căn cứ vào các tài liệu lịch sử và truyền thuyết, người ta thấy Lạc Long Quân – thủy tổ của người Việt – là người đã dụng Võ Việt Nam trong thời kỳ dựng nước: trừ ngư tinh, trừ mộc tinh, diệt hồ tinh… để mang lại sự an lành cho dân Việt. Kế tiếp, Thánh Gióng là vị tướng đầu tiên của người Việt sử dụng côn sắt và côn tre của Võ Việt Nam để đánh đuổi giặc Ân xâm lược. Rõ ràng võ thuật của dân tộc Việt Nam đã có mặt ngay từ thời kỳ đầu dựng nước.

Bức tượng của Phù Đổng Thiên Vương Thánh Gióng
Bức tượng của Phù Đổng Thiên Vương Thánh Gióng

Sau đó, suốt 1.000 năm bị Trung Quốc đô hộ, có biết bao nhiêu cuộc khởi nghĩa của anh hùng, hào kiệt giỏi Võ Việt Nam nổi dậy đánh đuổi quân xâm lược. Các anh hùng, danh tướng người Việt đã sử dụng Võ Việt Nam trong suốt quá trình giữ nước và mở mang đất nước, khẳng định chủ quyền lãnh thổ. Cuộc khởi nghĩa của Hai Bà Trưng vào năm 40 của thế kỷ thứ I; Hổ tướng Lý Thường Kiệt dụng Võ Việt Nam để tấn công Trung Quốc; danh tướng Nguyễn Huệ đại phá quân Xiêm (Thái Lan ngày nay) can thiệp và xâm lược Việt Nam năm 1785… Suốt 100 năm chống Pháp và 30 năm chống Mỹ, các thế hệ người Việt Nam vẫn tận dụng Võ Việt Nam trong những pha cận chiến, gây cho địch nhiều bất ngờ. Việc này đã khiến cho chính quyền Pháp đã ra lệnh cấm Võ Việt Nam từ năm 1900 và sau này Ngô Đình Diệm cũng từng hạn chế hoạt động võ thuật từ năm 1960 đến năm 1963.

Bức tượng của danh tướng Trần Hưng Đạo
Bức tượng của danh tướng Trần Hưng Đạo

Sau ngày thống nhất đất nước 30/4/1975, từ năm 1979, trong sự khôi phục hoạt động võ thuật, Võ Việt Nam cũng đã được hoạt động trở lại. Võ Việt Nam cũng đã được nhiều người Việt ở nước ngoài phổ biến khắp các châu lục, với nhiều tên gọi khác nhau. Dù vậy, các môn sinh người nước ngoài đều biết rằng Việt Nam là quê hương môn võ mình đã và đang tập luyện. Nhiều chuyến hành hương về nguồn của võ sinh người nước ngoài đã thực hiện khi về Việt Nam.

Qua hơn 1130 năm Võ Việt Nam bị các thế lực xâm lược cấm đoán,vì bị xem là mầm mống của tinh thần yêu nước, của các cuộc khởi nghĩa chống ngoại xâm. Việc làm trước tiên, nhất là trong hoàn cảnh lịch sử hiện nay góp phần tích cực trong việc chống lại sự xâm phạm chủ quyền quốc gia trên các vùng biển đảo của tổ quốc, những người có trách nhiệm cần phải tách Võ Việt Nam thành một tổ chức riêng, bao gồm những võ sư có thực học về Võ Việt Nam để bảo tồn và phát huy di sản văn hóa phi vật thể Võ Việt Nam của dân tộc Việt Nam. Đồng thời qua đó un đúc lòng yêu quê hương đất nước của thế hệ trẻ thông qua lòng tự hào về Võ Việt Nam đã được cha ông sử dụng suốt quá trình lịch sử dựng nước, giữ nước và mở nước, tạo thành nội lực tự sinh, góp phần thúc đẩy thế hệ thanh niên Việt Nam ngày nay dấn thân vào công cuộc bảo vệ biên cương của đất nước và hăng hái xông vào mặt trận kiến thiết, xây dựng đất nước trở thành giàu đẹp, để không hổ thẹn với các bậc tiền nhân.

Võ thuật cổ truyền Việt Nam
Võ thuật cổ truyền Việt Nam

Từ bấy lâu nay, có một số người, vẫn còn cho rằng Võ Việt Nam chính là Võ Trung Quốc! Nói như vậy là thiếu nghiên cứu cặn kẽ kỹ thuật của hai nền võ thuật khác nhau là Võ Việt Nam và Võ Trung Quốc. Phải chăng vì thế mà Nhà Nước Việt Nam e ngại, chưa công nhận Võ Việt Nam là quốc võ? Thật ra, Võ Việt Nam là một thực thể rất năng động, xuất phát điểm Võ Việt Nam đã được sáng tạo từ khối óc, kinh nghiệm và cả xương máu của biết bao thế hệ người Việt. Trải qua thời gian, Võ Việt Nam đã luôn mở rộng cánh tay để tiếp thu tinh hoa võ thuật của các dân tộc khác, để làm phong phú vốn tài sản võ học dân tộc Việt, có khả năng khắc chế kỹ thuật của các môn võ khác. Đó cũng là đặc tính chung của nền văn hóa Việt Nam: luôn giao lưu, tiếp biến với nhiều nền văn hóa khác! Nghĩa là Võ Việt Nam có tiếp thu tinh hoa võ thuật Trung Quốc cũng như tinh hoa của nhiều nền võ học của các dân tộc khác, để làm giàu cho tài sản võ học của dân tộc Việt, khác biệt với võ học của các dân tộc khác, và chính sự khác biệt đó mà dân tộc Việt mới bảo vệ và mở mang bờ cõi, non sông cho đến tận ngày nay.

2 người nước ngoài đang biểu diễn võ thuật cổ truyền Việt Nam
2 người nước ngoài đang biểu diễn võ thuật cổ truyền Việt Nam

Những người yêu đất nước, dân tộc Việt Nam, trong đó có các võ sư Võ Việt Nam, luôn mong mỏi Võ Việt Nam được Nhà Nước Việt Nam công nhận là Quốc Võ do sự đóng góp của nó trong suốt hơn 2000  năm lịch sử, để không hổ thẹn với hương linh của các thế hệ tổ tiên đã dày công khai sáng và bổ sung liên tục để hoàn thiện cho Võ Việt Nam. Võ Việt Nam không phải chỉ phát triển nội bộ trong nước Việt Nam, mà Võ Việt Nam cũng được nức tiếng khắp năm châu, triển vọng được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể như tổ chức này đã từng công nhận môn võ Thiếu Lâm của Trung Quốc vậy!

maxresdefault

Võ sư Hồ Tường (Tiến sĩ Văn hóa học)