Lịch sử Muay Thái và những câu chuyện huyền thoại (Phần 2)

>>> Lịch sử Muay Thái và những câu chuyện huyền thoại (Phần 1) <<<

(Chú thích: các niên kỉ trong phần này được ghi với hai kiểu là BE (Tức là Phật lịch) và CE (Tức là Dương lịch) để đảm bảo tính chính xác về các thông tin lịch sử).

Triều đại vua Naresuan (B.E. 2133-2147, 1590-1604 CE)

Vị vua trẻ Naresunan đã cho mời vài thanh niên cùng tuổi với mình để tập Muay. Ông quyết định tập Muay để có thể trở nên can đảm và có được danh dự như một chiến binh kiêu hãnh. Vua cùng những người bạn tập đã nhanh chóng thành thạo các kĩ năng sử dụng vũ khí và chiến đấu tay không. Sau đó không lâu, vua Naresuan lập nên các đội chiến binh đặc biệt để tham gia chiến đấu kiểu du kích. Những đội quân này phát triển rất mạnh, tung hoành khắp các vùng đất Thái Lan và Miến Điện trong suốt triều đại này.

Bức ảnh thể hiện những người võ sĩ – binh lính Muay Thái dưới triều Naresuan

Triều đại Narai (B.E. 2147-2233, 1604-1690 CE)

Trong suốt triều đại này, dân tộc Thái Lan sống trong yên bình và phát triển cực thịnh. Các đời vua Narai vẫn chú tâm phát triển thể thao, và đặc biệt là Muay Thái – khi đó đã trở thành một bộ môn thể thao chuyên nghiệp (nhiều nhà nghiên cứu cho rằng đây chính là khoảng thời gian Muay Thái bắt đầu có dấu hiệu “thể thao hóa”). Thời gian này, những địa điểm luyện tập phát triển nhiều hơn cả trong triều đại Ayutthaya. Những võ đài bắt đầu được dựng lên, và những sân đấu hình vuông, được quấn dây thừng xung quanh lần đầu tiên xuất hiện. Những đấu sĩ quân đôi bàn tay bằng những sợi dây nhỏ (những sợi dây này trước đó được nhúng trong một hỗn hợp đặc biệt, chủ yếu là nhựa cây). Kĩ thuật này được gọi là Kad-chuck hay Muay Kad-chuck. Trong khi thi đấu, những đấu sĩ còn đeo băng quấn quanh đầu (gọi là mongkon) và một loại bùa hộ mạng tên là pa-pra-jiat, được đeo ở cẳng tay trên (ở VN, một số phương ngữ gọi là “cái niệc”).

Trong thời kì này, lần đầu tiên Muay Thái chính được được đem ra thi đấu chứ không còn trong khuôn khổ đấu tập ở các võ đường. Các võ sĩ Muay Thái lúc bấy giờ không cần phải chia ra đấu theo hạng cân, chiều cao hay tuổi tác, luật thi đấu lúc đó rất đơn giản: người cuối cùng còn lại trên sàn đấu là người thắng. Xung quanh trận đấu, cá cược được cho phép. Dân làng thỉnh thoảng có thể thách thức nhau bước lên sàn đấu, thi đấu Muay Thái trở nên phổ biến và là tâm điểm của các lễ hội.

Triều đại Prachao Sua (B.E. 2240-2252, 1697-1709 CE)

Vua Prachao Sua, còn được biết đến với một biệt danh là Hổ Vương (nguyên văn: Tiger King) cũng giống như Khun Luang Sorasak, đều là những người rất yêu thích Muay Thái. Có một lần, ông mặc thường phục, cùng với 4 vệ sĩ Hoàng gia cũng ăn mặc thường phục đến quận Tam bol Talad-guad. Tại đây, ông xin phép được tham gia thi đấu Muay Thái. Những người chủ võ đài không biết đó là vua, và để cho đức vua đấu với những võ sĩ giỏi nhất trong thị trấn, bao gồm những cái tên như Nai Klan Madtai (tiếng Thái dịch nghĩa là “Nắm đấm sát thủ”), Nai Yai Madlek (nắm đấm thép) và Nai Lek Madnak (cú đấm cứng). Kết quả là, vua Prachao đã đánh thắng cả 3 người. Thường ngày, ông vẫn cùng hai người con là Hoàng tử Petch và Hoàng tử Pon luyện tập Muay, đao kiếm và đấu vật.

Khoảng đầu triều đại Ayutthaya, một cơ quan trong Hoàng gia Thái Lan đã được lập ra, mang tên là “Võ đường Hoàng gia”. Cơ quan này chuyên trách việc tuyển chọn những đấu sĩ phục vụ cho các buổi đấu và biểu diễn trong triều đình phong kiến. Những người giỏi nhất sẽ được chọn ra làm Thani Lir (vệ sĩ Hoàng gia), tức là những người bảo vệ hoàng cung và vua mọi lúc mọi nơi. Một trong số họ lại được tuyển chọn một lần nữa để trở thành Võ sư Hoàng gia, đảm nhận nhiệm vụ huấn luyện quân đội và các Hoàng tử.

(còn tiếp)

Hồ Võ