Lịch sử Muay Thái và những câu chuyện huyền thoại (Phần cuối)

>>>> Lịch sử Muay Thái và những câu chuyện huyền thoại (Phần 4)

(Chú thích: các niên kỉ trong phần này được ghi với hai kiểu là BE (Tức là Phật lịch) và CE (Tức là Dương lịch) để đảm bảo tính chính xác về các thông tin lịch sử).

Thời vua Rama VI

Vua Mongkhut Klao Chao Yu Hua (B.E. 2453-2468, 1910-1925 CE)

Thời kì này, Thái Lan rơi vào vòng xoáy của Chiến tranh thế giới lần thứ Nhất. Đại tá Praya Dhepasadin là người đứng đầu của quân đội Thái đóng tại Pháp. Trong doanh trại thường có nhiều cuộc đấu võ tiêu khiển, và Đại tá người Thái lại là một người rất yêu võ thuật, đặc biệt là môn quốc võ quê hương ông: Muay. Chính vì thế, ông tham gia và chiến thắng nhiều trận đấu, khiến cho những khán giả là quân lính và sĩ quan châu Âu rất ấn tượng về Muay Thái.

Đại tá Praya Dhepasadin

Vào năm B.E. 2464 (1921 AD), sau Chiến tranh thế giới, nhà thi đấu Muay thường trực và chuyên nghiệp đầu tiên được xây tại cạnh sân bóng của trường Suan Khulab và được đặt tên là Nhà thi đấu Suan Khulab. Thời kì đầu, khán giả phải ngồi bệt hoặc đứng xem xung quanh võ đài.

Sân đấu hình vuông, kích thước 26 mét vuông. Các đấu sĩ quấn tay bằng những sợi dây vải, đeo băng đầu mongkon và đeo bùa hộ mệnh pa-pra-jiat quanh bắp tay. Họ mặc quần ngắn cùng tấm bảo vệ hạ bộ, và quấn thắt lưng bằng một mảnh vải dài. Trọng tài mặc kiểu quần áo cổ của Thái, với áo Hoàng gia và vớ đều màu trắng.

Một trận đấu nổi tiếng lúc bấy giờ là trận đấu giữa Muen (được mệnh danh là “cuồng nhân”) 50 tuổi và Nai Pong Prabsabod – một chàng trai 22 tuổi cao to đến từ Korat. Chàng trai trẻ thách đấu để trả thù cho cha mình, người đã bị Muen đánh chết trong một trận đấu và được chôn tại nghĩa trang Khun Marupongsiripat. Chỉ sau vài phút, Muen đã bị Nai Pong đánh gục. Đám đông trở nên phấn khích và náo loạn, và mọi người càng ngỡ ngàng khi Muen cố gắng đứng dậy để chúc mừng Nai Pong. Phải một lúc lâu sau đám đông mới bình tĩnh trở lại.

Thời kì này, một tổ chức được lập ra để xác lập các quy tắc thống nhất cho thi đấu Muay Thái. Sàn đấu được quy định làm cao 4 feet (đơn vị được ghi trong bản gốc) và được bao quanh bằng những sợi dây thừng dày khoảng 1 inch. Có một khoảng trống ở góc võ đài để các võ sĩ đi vào. Trọng tài cũng được quy định bộ đồng phục hoàn chỉnh, cũng như có thêm 1 người canh giờ và 2 người giám sát võ đài từ các vị trí khác nhau. Trống được dùng làm tín hiệu hết giờ, mỗi trận đấu có 11 hiệp và mỗi hiệp gồm 3 phút. Các đấu sĩ chỉ được bắt đầu trận đấu khi trọng tài cho phép, và đã bắt đầu có luật không được cắn. Khỉ đối thủ bị ngã, đấu sĩ còn lại không được phép tiếp tục tấn công mà phải quay lại góc võ đài. Âm nhạc được sử dụng khi thi đấu được trình diễn bởi ban nhạc của Muen Samak Siangprachit.

Thời vua Rama VII

Vua Pok Klaochao Yu Hua (B.E. 2468-2477, 1925-1934 CE)

Đại tá Dhepasadin đã xây một nhà thi đấu và đặt tên là Lak Muang tại Tachang (gần rạp hát Quốc gia Thái Lan ngày nay). Dây căng võ đài được làm rất dày và cứng và không thể bị lợi dụng để bảo vệ các đấu sĩ (nhiều đấu sĩ Muay lúc bấy giờ có thủ thuật lợi dụng dây căng đài). Các trận đấu đều phải được đặt trong vòng kiểm soát của luật lệ đã được thống nhất.

Năm B.E. 2472 (1929 CE), chính quyền yêu cầu tất cả các đấu sĩ Muay đều phải đeo găng khi thi đấu. Găng boxing được những tay đấm bốc người Philippine giới thiệu cho những võ sĩ Thái, khi họ đến Thái Lan để tham dự các giải đấu lớn. Dụng cụ lạ lẫm này nhanh chóng được người Thái đồng ý sử dụng, sau khi một võ sĩ tên Nai Jia Kakamen bị đánh chết bởi một võ sĩ khác là Nai Pae Liangprasert đến từ Ta Sao, tỉnh Uttaradit, người vẫn còn sử dụng kĩ thuật Kad-chuck (tài liệu có nói về kĩ thuật Kad-chuck ở phần trên)

Human-Weapon-Muay-Thai-of-Thailand
Tháng 11 năm B.E. 2472 (1929 CE), Chao Khun Katatorabodee, ông bầu võ thuật đầu tiên của Thái Lan chính thức bắt đầu tổ chức những trận đấu định kì mỗi thứ bảy tại công viên Lumpini – những trận đấu chỉ dành cho những đấu sĩ giỏi. Ngoài việc được biến đến là một người vừa tri thức, vừa sống rất bình dân, ông còn được ca ngợi vì đã là người đầu tiên xây dựng bộ quy chuẩn thi đấu Muay quốc tế. Trong bộ quy tắc này có một số quy định mới: Sàn đấu có ba vòng dây đài, và trải bạt, 2 góc đài xanh dương và đỏ, 2 giám khảo ở ngoài và 1 trọng tài ở trên sàn đấu. Ông cũng là người đầu tiên quyết định sử dụng chuông làm tín hiệu báo thời gian.

Các quy tắc Chao Khun Katatorabodee đề ra tạo nên bộ mặt cho môn Muay Thái rất giống với ngày nay.

Lễ mừng năm mới BE 2473, những trận đấu đã được tổ chức giữa các võ sĩ Samarn Dilokwilas, Det Poopinyae, Nai Air Muangdee, Nai Suwan Niwasawat. Và Nai Air Muangdee trở thành võ sĩ Muay đầu tiên được nhận cúp được làm bằng kim loại.
Có thể nói thời vua Rama VII là thời kì Muay Thái lần đầu tiên thực sự được xây dựng hoàn chỉnh trong luật lệ thi đấu như ngày nay chúng ta đã thấy.

Thời vua Rama VIII.

Vua Ananddhamahidol (B.E. 2477-2489, 1934-1946 CE)

Giữa những năm B.E. 2478-2484 (1935-1941 CE), một người giàu có và uyên bác đã xây dựng nhà thi đấu Suan Chao Chate, và ngày nay đã trở thành trụ sở của Cục huấn luyện quân đội Thái Lan.

Nhà thi đấu được điều hành hoạt động bởi quân đội, và mọi nguồn thu nhập đều được sung vào ngân quỹ cho các hoạt động quân sự. Nhưng vài năm sau, Chiến tranh thế giới lần hai bùng nổ, quân Nhật nhảy vào chiếm đóng Thái Lan vào tháng mười hai năm B.E. 2484 (1941 CE). Nhà thi đấu phải tạm đóng cửa.

Chiến tranh đã từng làm gián đoạn sự phát triển của Muay Thái

Cho đến những năm B.E. 2485-2487 (1942-1944 CE), khi chiến tranh vẫn còn đang diễn ra, các cuộc thi đấu lại được tổ chức trong các…vở kịch được diễn vào ban ngày. Những nhà thi đấu khác như Patanakarn, Ta Prachan, và Wongwian Yai được tiếp tục cho Muay Thái thi đấu để phục vụ giải trí.

Nhà thi đấu Ratchadamnern còn tồn tại đến ngày nay.

Ngày 23 tháng 12 năm B.E. 2488 (1945 CE), nhà thi đấu Ratchadamnern chính thức được thành lập do ông Pramote Puengsoonthorn làm chủ tịch và ông Praya Chindharak làm giám đốc điều hành. Các trận đấu được tổ chức vào mỗi Chủ nhật, từ 4h đến 7h chiều, sử dụng luật thi đấu ban hành bởi Viện giáo dục thể chất. Mỗi trận đấu gồm 5 hiệp, mỗi hiệp 3 phút và có 2 phút nghỉ giữa các hiệp. Các đấu sĩ ban đầu được cân bằng…đá, 2 năm sau, người ta sử dụng đơn vị Kilogram để đo hạng cân và đến năm B.E. 2491 (1948 CE), đơn vị pound được sử dụng để thống nhất với các tiêu chuẩn thi đấu phạm vi quốc tế.

Các hạng mục thi đấu được chia theo cân nặng, ví dụ như “hạng cân không quá 112 pounds”. Các hạng cân được đặt theo tên quốc tế như “hạng ruồi”, “hạng gà” (nguyên văn: flyweight, bantamweight). Các trận đấu được tổ chức để tìm ra nhà vô địch của mỗi hạng cân (kiểu thi đấu thông dụng quốc tế). Một số điều luật được bổ sung khi bắt đầu xuất hiện thủ thuật chơi xấu trong các trận đấu, và người ta cho rằng điều đó sẽ hạ thấp giá trị của Muay – vốn được coi là một bộ môn nghệ thuật đặc trưng cho nền văn hóa Thái.

Muay Thái là một loại hình nghệ thuật mang tầm cỡ quốc gia. Theo nhận xét của các nhà nghiên cứu văn hóa bản địa, nếu tất cả mọi đảng phái, nhóm chức đều quan tâm phát triển và bảo tồn bộ môn nghệ thuật này, để nó tồn tại qua mọi thế hệ thì Muay Thái sẽ thực sự xứng đáng trở thành biểu tượng của các giá trị tinh thần, văn hóa đất nước và con người Thái Lan.

(Hết)

Hồ Võ