Nguyễn Minh Tú – tâm hồn bình dị trong cô gái vàng Taekwondo

Nếu có dịp ngồi đối mặt cùng Nguyễn Minh Tú, chắc hẳn nhiều người không thể nhận ra đó là cô gái “vàng” của Taekwondo Việt Nam, người đã từng mang về cho VN ba tấm HCV Vô địch thế giới nội dung quyền đôi nam nữ (2008, 2009, 2010), cũng như 4 lần tham dự và tiếp tục “rinh” vàng SEA Games về cho nước nhà.

Taekwondo Việt Nam có HCV đầu tiên tại SEA Games 28
Sau sự cố xử ép Taekwondo VN giành HCV thứ 2

Gặp Minh Tú trong những phút giây bận rộn của Giải Taekwondo trẻ được tổ chức giữa mảnh đất đại ngàn Đắk Lắk, phóng viên báo VoThuat.vn đã có cơ hội được trò chuyện cùng cô gái nổi danh “im hơi kín tiếng” trong làng võ VN này.

_MG_2584

Sinh ra trong gia đình chỉ có 2 chị em, không quá khó hiểu khi gia đình ngay lập tức ngăn cản khi cô con gái út Minh Tú xin được theo học võ thuật lúc còn là học sinh tiểu học. Thế nhưng, với lí do “tập cho khỏe”, cô bé đất Hà Thành ngày nào đã bước đi những dấu chân đầu tiên trong sự nghiệp “vàng” từ lúc nào không hay.

Đến với Taekwondo một cách hết sức bình dị, những ngả rẽ thăng tiến của Nguyễn Minh Tú cũng nhẹ nhàng đến mức…khó tin. Ngay khi chuyển lên cấp 2, tiếp tục nuôi dưỡng tình yêu với bộ môn Taekwondo, Minh Tú cầm trong tay chiếc huy chương đầu tiên của cuộc đời: HCĐ giải thiếu nhi toàn thành nội dung đối kháng.

VĐV Nguyễn Minh Tú (góc phải) dẫn đoàn vđv nhí tham dự giải  vô địch Taekwondo trẻ toàn quốc 2015 diễn ra tại tỉnh Đắk Lắk.
VĐV Nguyễn Minh Tú (góc phải) dẫn đoàn vđv nhí tham dự giải vô địch Taekwondo trẻ toàn quốc 2015 diễn ra tại tỉnh Đắk Lắk.

Tiềm năng “Vàng” trong tay cô gái Hà Nội này chỉ thực sự được bộc lộ kể từ năm 2004 – khi Minh Tú được gọi vào tuyển Taekwondo Hà Nội, nơi các HLV quyết định đưa Minh Tú chuyển sang nội dung quyền để phù hợp hơn với thể trạng thấp bé nhẹ cân. Quyết định sáng suốt đó đã đưa cô đến với tấm HCB giải trẻ Toàn quốc năm 2006 – tấm vé đưa cô tiến thẳng vào Tuyển Taekwondo quốc gia – nơi Minh Tú gặp người đàn anh đồng hành gần hết chặng đường thi đấu chuyên nghiệp của mình: Nguyễn Đình Toàn. Và đó cũng là lúc cô biết mình sắp được mang màu cờ sắc áo Việt nam bước ra đấu trường Quốc tế.

Chia sẻ cùng phóng viên báo VoThuat.vn, Minh Tú gần như không mấy nói về bản thân mình. Những câu chuyện xung quanh bàn cà phê cũng chỉ được tiếp nối qua những kỉ niệm vui buồn. Và cũng vì thế mà nếu như không thực sự chú tâm, có lẽ không ai nhận ra mình đang ngồi nói chuyện trước mặt một nhà vô địch thế giới!

Những chiếc huy chương không cho phép cô quên đi sai lầm, Minh Tú vẫn còn nhớ như in lần đầu tiên cô cầm chiếc HCV quyền Taekwondo thế giới 2008 được tổ chức tại Thổ Nhĩ Kì, cô đã phải trở về nước với hơn một tháng day dứt vì không biết chiếc HCV liệu có bị tước đi khi ban kiểm tra doping có chấp nhận cho những viên thuốc chống…say xe mà cô buộc phải uống trước khi di chuyển đến nhà thi đấu. Cô còn nhớ đến cảm xúc vừa giận, vừa buồn của thầy Lê Minh Khương, người đã dẫn sắt cô đi gần hết sự nghiệp. May mắn thay, chiếc HCV đã được công nhận. Đó cũng là bài học đầu tiên của cô VĐV Taekwondo khi lần đầu bước ra đấu trường lớn – và điều đầu tiên cô nghĩ đến vẫn là người thầy đáng kính đã không phải tiếc hùi hụi khi học trò mình mất huy chương oan uổng đến vậy.

10393867_883590095017098_8872373479787587560_n
VĐV Nguyễn Minh Tú – cô gái nổi danh “im hơi kín tiếng” về bản thân mình.

Cuộc đời VĐV tuyển Quốc gia đôi khi phải xa nhà nhiều nên bạn bè có lẽ là niềm động viên lớn nhất. Nguyễn Minh Văn – người đồng đội mới của Minh Tú kể từ kì SEA Games 28 này có lẽ là người hiểu rõ điều đó nhất. Dù gắn bò với Nguyễn Đình Toàn qua bao nhiêu “sứ mệnh quốc gia” trên các đấu trường thế giới, thế nhưng Nguyễn Minh Tú vẫn sớm kết bạn thân với Minh Văn – người đồng đội thân cận nhất – người sẽ chia sẻ thất bại, hoặc những tấm huy chương sau này. Và dĩ nhiên cô gái đất Hà Thành không quên nhắc đến khoảng thời gian “2 buổi tập, một buổi đưa Văn đi chữa chấn thương đầu gối”.

Thế nhưng, nếu phải nói đến nỗi khắc khoải lớn nhất thì đó vẫn là gia đình. Tú vẫn không quên được những ngày đầu theo sự nghiệp, thời buổi mà người nhà chỉ biết có thể tự cập nhật tin tức trên báo đài. “Còn Bây giờ, dù đã có thể gọi điện thoại ngay về cho gia đình sau mỗi tấm huy chương đạt được, nhưng tất cả những gì em muốn làm chỉ là về nhà ngay lập tức, nơi có cha mẹ và cả người chị – tuy không theo đuổi nghiệp thể thao nhưng luôn ủng hộ và dõi theo từng bước chân em gái mình.” (cười)

Nguyễn Minh Tú và Nguyễn Minh Văn "mở hàng" cho tấm HCV đầu tiên của Taekwondo Việt Nam tại SEA Games 28 diễn ra ở Singapore.
Nguyễn Minh Tú và Nguyễn Minh Văn “mở hàng” cho tấm HCV đầu tiên của Taekwondo Việt Nam tại SEA Games 28 diễn ra ở Singapore.

Theo như cô chia sẻ thì ngoài lịch tập luyện liên tục, cô cũng phải sắp xếp thời gian để hoàn thành chương trình học với các bạn cùng trang lứa. Tuy lắm lúc phải đổi lịch, đổi giờ, nhưng Tú vẫn nhận được sự quan tâm, giúp đỡ, thay đổi tốt nhất từ ban huấn luyện để không ảnh hưởng việc học. Tấm bằng tốt nghiệp ĐH của Tú hiện cũng vừa khớp với lứa tuổi mà rất nhiều bạn trẻ khác ngoài kia hoàn thành chương trình học, trong khi rất nhiều người đồng nghiệp khác của Tú vẫn đang bận rộn với vòng quay tập luyện và học tập.

Mùa giải Taekwondo trẻ vẫn tiếp tục. Đâu đó vẫn bóng dáng cô gái “vàng” chỉ bảo, hướng dẫn các VĐV nhí. Đã từng bước vào Taekwondo một cách bình dị, đem vinh quang về rồi lại biến mất một cách bình dị trước ống kính truyền thông, phải chăng giờ đây Minh Tú đang định tập trước cho mình những bước đi bình dị – trở thành một người HLV đằng sau vinh quang học trò?

Cũng có thể lắm, vì trước khi kết thúc cuộc nói chuyện, Tú vẫn không quên “bỏ ngỏ” ý định cuộc đời minh về Taekwondo: “Sau này dù không đánh giải nữa nhưng vẫn tập, hoặc cũng có thể đánh giải…U50 cũng không chừng.”

H.V thực hiện