Những câu chuyện li kỳ về Mongkhon Muay Thái

Muay Thái là một môn võ chịu ảnh hưởng rất nhiều từ văn hóa bản địa. Mỗi người võ sĩ Muay Thái đều gắn với 4 thứ rất quen thuộc, đó là pong malai (vòng hoa), kadchuck (dây quấn nắm đấm, ngày nay tục này không còn) pa-pra-jiat (dây quấn bắp tay) và mongkhon (vòng đội đầu).

BadgerMongkon

Các võ sĩ Muay hiện tại ở nhiều quốc gia đã đơn giản hóa đi các tục lệ, cho nên những gì trong bài viết sau đây (phong tục truyền thống) có thể sẽ khác nhiều với những điều mà độc giả đang thấy.

Mongkhon là vật thiêng liêng nhất gắn với Muay Thái. Theo tục lệ cổ, nó được làm bởi cha hoặc anh cả (nếu trong gia đình võ thuật), hoặc bởi người thầy đứng đầu võ đường. Hiện nay, đơn giản hơn đã có nhiều nơi bán mongkhon vì không phải ai cũng nắm được kĩ thuật thủ công, nhưng có một điều không hề thay đổi theo thời đại: mỗi cái mongkhon là tài sản riêng và duy nhất thuộc về một người võ sĩ.

Có một số “thầy bói” Thái Lan còn cho rằng, chỉ cần họ nhìn vào chiếc mongkhon, cách người ta đan nó, những đặc điểm riêng của nó mà có thể nói được người võ sĩ đeo nó là người như thế nào – và sẽ trở thành như thế nào. Có tin đồn trong giới võ thuật Thái Lan rằng khi còn trẻ, Buakaw từng được một người thầy bói nhìn vào mongkhon và nói rằng anh ta sẽ đem Muay đi làm rạng danh dân tộc Thái ra tầm thế giới, và điều đó đã thành sự thật.

photo-main

Mongkhon đại diện cho tất cả mọi phẩm giá, sức mạnh, danh dự, không chỉ của một người võ sĩ, mà là của võ đường anh ta theo học. Những võ sĩ bản địa sở hữu duy nhất 1 chiếc mongkon từ bé đến lớn (mongkhon có thể nới rộng ra) – chẳng hạn như chiếc Mongkhon của Buakaw đã được làm vài năm trước khi anh ra đời, và được gia đình, thầy của anh giữ cho đến tận hôm nay: 35 năm. Làm Mongkhon mất hoặc hỏng là một tội, và là điều sỉ nhục vô cùng to lớn đối với người võ sĩ truyền thống.

Chiếc Mongkhon đại diện cho những điều cao quý nhất. Đó cũng là lí do cho nguyên tắc bất di bất dịch: không được treo Mongkhon ở những nơi thiếu trang nghiêm, cũng như không được để mongkhon chạm xuống đất hoặc sàn nhà.

Trước mỗi trận đấu, các võ sĩ đeo Mongkhon để làm lễ, khởi động, chào sân, bái tổ. Điều đặc biệt là các võ sĩ truyền thống dù sở hữu chiếc mongkhon của mình, nhưng gần như cả đời chưa một lần được chạm vào nó: việc đeo, tháo và cất mongkhon là nhiệm vụ của người cha hoặc người thầy. Ngày nay thoải mái hơn, các võ sĩ có thể tự cất giữ mongkhon của mình, nhưng thường phải bỏ mongkhon trong túi vải rồi mới được cầm, còn nghi lễ đeo và tháo mongkhon mỗi trận đấu vẫn là nhiệm vụ của người thầy, võ sĩ tuyệt đối không được chạm vào mongkhon.

Trong quá trình hành lễ chào sân, nếu như mongkhon của võ sĩ vô tình bị tuột và rơi ra, đó là điềm xui xẻo cực độ, thậm chí có thể báo hiệu cho cái chết hay giã từ sự nghiệp của võ sĩ đó. Thế nên các võ sư thường đeo mongkhon cho học trò thật chặt, đến nỗi sau khi tháo ra, nếu có cơ hội nhìn gần và kĩ, bạn có thể thấy vết hằn trên trán họ.

Người Thái rất quan trọng người Thầy. Nghi thức đeo và tháo mongkhon cũng là lời nhắc nhở với người võ sĩ: danh dự, kĩ năng, bản lĩnh, những thứ đó được mang đến bởi người thầy, và cũng có thể lấy đi bởi người thầy. Ngoài ra, đeo mongkhon, người thầy thường đọc lời chúc này:”Con mang theo mọi danh dự, bản lĩnh của chúng ta (tức là cả võ đường) vào trận đấu này.” Còn nghi thức tháo mongkhon thì không có ý nghĩa gì đặc biệt, vì chủ yếu là để tránh… rớt mongkhon. (Muay Thái cổ xưa từng có một luật đấu rất kì dị: 2 võ sĩ cùng đeo Mongkhon vào đấu, ai rớt Mongkhon trước là người thua cuộc, và coi như không còn tư cách học Muay nữa – đây là một kiểu thách đấu hết sức nghiệt ngã.

Mongkon của Buakaw
Mongkhon của Buakaw

Trong hình là mongkhon của “Đứa con của quỷ” Buakaw Banchamek, ảnh chụp lúc nó được gửi trả về từ một khán giả tốt bụng, sau khi đội chăm sóc Buakaw báo làm mất nó trong một đợt lưu đấu. Sau sự kiện đó, Buakaw đã treo găng một thời gian khá lâu để tu tập, làm các nghi thức tạ tội với tổ tiên, vì e rằng việc mất mongkhon là một điềm gở.

Trong nhiều tài liệu viết bằng tiếng nước ngoài, bạn cũng có thể tìm thấy các cách viết như “mongkol”, “mongkon”…

Hồ Võ