Những phong tục thượng đài của Muay Thái bản địa

Muay Thái là một trong những môn võ có hệ thống phong tục, nghi thức chặt chẽ và thú vị nhất trên thế giới. Chịu ảnh hưởng từ lịch sử, văn hóa, tôn giáo… những phong tục của Muay Thái được hoàn thiện dần cho đến tận ngày nay. Thậm chí, lan tỏa theo sự phát triển của Muay Thái, những phong tục này còn được truyền đến những quốc gia, dân tộc khác mà không hề mất đi giá trị của nó.

Một góc nhìn khác về Muay Thái ở Thái Lan

Muay Thái và những giá trị văn hóa – con người Thái Lan

Mongkon

Mongkon, hay còn gọi là Mangala, là một loại vòng đeo trên đầu của các võ sĩ Muay Thái, được làm bằng từ những sợi dây chỉ đặc biệt bện vào với nhau. Mongkon được dùng như một vật để đại diện cho khả năng của đấu sĩ và sự chiến đấu mà anh ta sắp phải đối mặt. Thực tế thì ta có thể coi nó như một cái vương miện vậy – nó là tài sản tinh thần và thiêng liêng. Các võ sĩ Muay Thái không bao giờ tự đeo Mongkon và cũng không bao giờ được chạm vào nó. Nó chỉ được đeo và tháo bởi Kru (huấn luyện viên, võ sư) của võ sĩ đó. Điều này nhắc nhở rằng, mọi việc anh ta làm, mọi đòn thế anh ta thể hiện trên sàn đấu là đại diện cho cả võ đường, cho thầy và các đồng môn, không phải cho chỉ mình anh ta. Mỗi võ sĩ Muay bản địa có một Mongkon riêng, và người ta tin rằng những người có kinh nghiệm có thể nhận ra đẳng cấp trình độ của võ sĩ qua cái Mongkon anh ta đang đeo. Một chiếc Mongkon là tài sản suốt đời và duy nhất thuộc về một người võ sĩ.

Mongkon của huyền thoại Muay Thái Buakaw Banchamek

Pong Malai

Pong Malai là một loại vòng kết bằng hoa và cỏ, được đeo cho các võ sĩ khi họ bước lên sàn đấu. (từ “Pong Malai” dịch nghĩa đen là “vòng hoa”, và thực tế thì nó khá giống vòng hoa của người Hawaii). Nó được đeo cho đấu sĩ bởi một người bạn hoặc người hâm mộ, cùng với các cử chỉ chúc may mắn. Song hành cùng Pong Malai trong văn hóa võ thuật Thái Lan luôn là những câu chuyện hay, những hành động đẹp bên ngoài võ đài của các võ sĩ Muay.

Một võ sĩ Muay nhí đeo Pong Malai

Khi bước lên sàn đấu, các đấu sĩ luôn phải bước qua sợi dây thừng trên cùng của sàn đấu, tuyệt đối không được chui qua những sợi dây đó. Bởi lẽ, người Thái quan niệm đầu là phần quan trọng nhất trên cơ thể, chứa đựng mọi sự thiêng liêng và cao đẹp, tuyệt đối không được cúi đầu để chui qua dây căng đài. Ngược lại, đôi chân là biểu tượng của những thứ nhuốc nhơ và trần tục.

Bước vào võ đài

Bước vào võ đài, điều đầu tiên họ làm đó là tiến vào giữa võ đài  và cúi đầu về 4 phía để tỏ lòng thành kính cảm ơn đến khán giả đã bỏ thời gian ra đến xem họ thi đấu. Kế đó, anh ta quay lại góc đài của mình, và nếu anh ta đang mặc áo khoác, huấn luyện viên lúc này có nhiệm vụ giúp anh ta cởi bỏ nó để tiến hành nghi lễ chào sân.

Khóa đài

Mỗi người võ sĩ đặt tay phải lên sợi dây đài trên cùng và bắt đầu đi quanh võ đài, theo chiều ngược kim đồng hồ. Hành động này mang ý nghĩa “khóa chặt võ đài” nhằm tuyên bố với khán giả, huấn luyện viên, giám khảo và với đối thủ của mình: “Trận đấu này là của tôi và anh ta. Nào anh bạn! Giờ chỉ còn lại tôi và anh, trận đấu giữa hai người đàn ông”.

Một võ sĩ Muay nhí cố gắng với tay lên sợi dây đài trên cùng để thực hiện nghi thức khóa đài.
Một võ sĩ Muay nhí cố gắng với tay lên sợi dây đài trên cùng để thực hiện nghi thức khóa đài.

Hoàn thành nghi thức “khóa sân”, người võ sĩ tiến vào giữa võ đài và quỳ xuống, hướng mặt về quê nhà (hoặc hướng võ đường của anh ta) và cúi lạy ba lần, để trán chạm xuống sàn. Nghi thức này gọi là Wai Kru (Nghi thức “lạy thầy”, vì dịch nghĩa đen trong tiếng Thái, Wai là “cúi lạy” và Kru là “người thầy”). Ba cái cúi lạy này, đối với mỗi võ sĩ, có thể có những ý nghĩa khác nhau. Nhưng nhìn chung, họ đều tỏ lòng biết ơn cho thầy dạy, gia đình, và cuối cùng là thần linh bảo hộ họ.

Ram Muay – Waikru

Tiếp đó, võ sĩ tiến hành một điệu nhảy phức tạp, một nghi thức có tên là Ram Muay. Những điệu nhảy này bao gồm nhiều động tác phức tạp, mô phỏng các loài động vật hoặc những hành động khác. Chẳng hạn như trong điệu Suriya Sak Ram Muay, các đấu sĩ bắt chước những hành động như thú ăn mồi, thợ săn, chiến binh, hoặc đao phủ.

Một võ sĩ Muay Thái thực hiện bài Ram Muay

Nghi thức Ram Muay thực chất còn có những ý nghĩa nằm ngoài vấn đề tâm linh, thực tế hơn, ví dụ như để khởi động trước trận đấu, kéo dãn các cơ bắp và để làm quen với nền võ đài. Qua một quá trình phát triển lâu dài, nghi thức này cũng đã bị biến đổi nhiều và những gì chúng ta thấy ngày nay không hẳn là giống hoàn toàn với Muay Thái truyền thống. Các động tác Ram Muay đã được biến đổi để có thể khởi động và kéo dãn tốt hơn các cơ và nhóm cơ, nhằm phục vụ cho thao tác khởi động trước trận đấu. Ram Muay đôi khi được dùng ngay trong trận đấu, trong những khoảng thời gian an toàn và thích hợp,  như một cách để tập trung suy nghĩ và tinh thần trong thi đấu.

Một khi nghi lễ Ram Muay được hoàn tất, võ sĩ cúi chào nhau để thể hiện sự tôn trọng đối với bản lĩnh và trình độ của đối thủ, rồi quay lại góc võ đài và nhận những lời cầu chúc của Kru – võ sư. Ông ấy có nhiệm vụ gỡ bỏ Mongkon và Pong Malai cho đấu sĩ. Cả hai thứ sau đó sẽ được treo trên cột võ đài.

Paprajiat

Các đấu sĩ cũng thường đeo một vòng dây quanh bắp tay mình. Vòng dây đó có tên là Kruang Ruang hay Paprachiat (trong nhiều văn bản hiện nay vẫn còn sử dụng nhiều cách ghi tương đồng như pa-pra-jiat, Prajead, Prajed), có nghĩa là “vòng đeo bắp tay”, chứa đựng sự may mắn. Paprachiat thường là do một người thân trong gia đình hoặc một thầy tu đưa cho võ sĩ, với ý nghĩa là vật bảo hộ và may mắn. Khác với Mongkon, các võ sĩ có thể đeo Parachiat suốt trận đấu

Dây Paprajiad trên bắp tay các võ sĩ Muay Thái.
Dây Paprajiad trên bắp tay các võ sĩ Muay Thái.

Việc đeo Mongkon và Paprachiat bắt nguồn từ thời trung cổ, khi mà Muay Thái được sinh ra từ chiến tranh. Các chiến binh Thái cổ đã đeo Mongkon và Paprachiat từ rất lâu, hai thứ đó lúc bấy giờ được làm từ những chất liệu vải đặc biệt, giống như những chiếc áo choàng Pukima và những dây vải dài để quấn tóc (trang phục cổ của người Thái).

Dù sao đi chăng nữa, những điều vượt xa khỏi truyền thống và nghi lễ đó là sự ảnh hưởng bởi thực tế và cuộc sống của các võ sĩ đời thường. Chịu ảnh hưởng bởi nhiều tôn giáo, như Phật giáo, Hồi giáo, Ấn Độ giáo nhưng cuối cùng, những nghi lễ đó vẫn đều xuất phát từ lòng tin của con người, vẫn có thể hòa quyện cùng nhau và là một phần tạo nên bản sắc văn hóa võ thuật Muay Thái độc đáo.

Video clip: Một bài Ram Muay – Waikru cổ còn tồn tại đến ngày nay.

[jwplayer player=”1″ mediaid=”70894″]

Hồ Võ