Phá đòn và phản công

Thế võ “phá đòn – phản công” vừa đơn giản, vừa an toàn và lợi hại. Tại sao chúng ta không chọn nó để tập luyện mà thích chọn những thế võ rườm rà, có nhiều đòn. Những thế rườm rà thường làm cho ta dễ bị sơ hở và rơi vào tình thế “lỡ đòn”. Ai dám chắc rằng khi ta đưa tay lên gạt đỡ hoặc chặn, bắt đòn tay của đối phương không bao giờ bị sai sót, thiếu chính xác.

maxresdefault

Thường thường, khi bị đối phương tiến lên và đấm thẳng vào mặt, ta “thích” dùng một trong 2 cách:

1. Đưa một tay lên gạt đỡ đòn đối phương và dùng tay còn lại đánh trả đòn (phản công).

2. Dùng một tay “chặn” tay đối phương và tiến lên dùng tay còn lại bắt và “bẻ”, “khóa” tay đối phương.

Cả 2 cách trên đều là những thế phá đòn, phản công mang lại hiệu quả thiết thực. Đối với những người chuyên luyện những thế trên trở thành phản xạ nhạy cảm và đạt mức độ tuyệt kỹ về độ chính xác kỹ thuật, về tốc độ thì không có gì phải bàn.

Tuy nhiên, không phải ai cũng có thể luyện thành khả năng ấy và không ai biết trước được là đối thủ của mình có “non tay” hơn mình về mức độ nhạy cảm và tuyệt kỹ hay không, nên có một cách giải quyết khá an toàn, không kém chút nào, nếu không muốn nói là hiệu quả hơn so với 2 cách trên.

Xin giới thiệu như sau:

Ta đang đứng chân trái trước. Đối phương tiến lên và đấm thẳng vào mặt ta. Ta chỉ cần xoay người qua phải, trụ trên chân phải và đạp cạnh bàn chân trái vào bụng hoặc khớp gối chân trước của đối phương. Trong khi đó, tay trái đẩy thẳng xuống trước bụng (bàn tay nắm lại, thủ trước hạ bộ) và tay phải kéo lên che cổ bên trái (bàn tay mở ra, thủ trước má và cổ trái)

20090926_zaf_e47_678-Vitali-Klitschko-Cris-Arreola-400x255

Nếu ta đang đứng chân phải trước, khi đối phương tiến lên đấm thẳng vào mặt ta thì cũng thực hiện thế “phá đòn-phản công” trên nhưng là hướng ngược lại: Xoay người qua trái, trụ trên chân trái và đạp cạnh bàn chân phải vào bụng hoặc khớp gối chân trước của đối phương. Trong khi đó, tay phải đẩy thẳng xuống trước bụng (bàn tay nắm lại, thủ trước hạ bộ) và tay trái kéo lên che cổ bên phải (bàn tay mở ra, thủ trước má và cổ phải)

Chưa nghiên cứu kỹ thế võ trên và chưa thực hành với một đối thủ có thật trước mặt, chúng ta có thể thấy thế võ quá đơn giản, không có gì để tập cả. Thật ra, thế “phá đòn – phản công” trên vô cùng tinh tế, an toàn cho ta và rất lợi hại.

Hãy lưu ý các yếu tố như sau:

Khi đối phương tiến lên, ta xoay người qua phải (hoặc trái) là đã làm mục tiêu tấn công của đối phương bị thu hẹp phần tiết diện. Yếu tố này làm cho khả năng đòn đấm của đối phương trúng vào mặt ta bị giảm đi.

Khi xoay người qua trái (hoặc phải), trụ trên một chân và đạp cạnh bàn chân còn lại vào đối phương để phản công, sẽ làm cho thân trên của ta nghiêng và mặt của ta xa tầm tay tấn công của đối phương hơn. Yếu tố này làm lệch mục tiêu tấn công của đối phương, mang lại cho ta sự an toàn rất “tự nhiên”.

Đòn đá của ta được tung ra ngược với chiều tràn lên tấn công của đối phương nên khi trúng vào bụng hoặc đùi hoặc khớp gối của đối phương sẽ làm đối phương bị thương rất “khó chịu” bởi sự cộng hợp của lực phản do đòn chân ta tung ra và lực tấn do đối phương tiến nhanh lên. Hơn nữa, đòn đá chấn của ta được tung ra khi xoay người nên lực của đòn cản phá rất mạnh. Các yếu tố này làm cho thế võ hết sức lợi hại.

Thế võ “phá đòn-phản công” nói trên vừa đơn giản, vừa an toàn và lợi hại. Tại sao chúng ta không chọn nó để tập luyện mà thích chọn những thế võ rườm rà, có nhiều đòn. Những thế rườm rà thường làm cho ta dễ bị sơ hở và rơi vào tình thế “lỡ đòn”. Ai dám chắc rằng khi ta đưa tay lên gạt đỡ hoặc chặn, bắt đòn tay của đối phương không bao giờ bị sai sót, thiếu chính xác.

Tôi xin ghi lại đây lời nhắc nhở của những võ sư người nước ngoài, nói về kỹ thuật chiến đấu tự vệ để các bạn trẻ suy nghĩ thêm:

“An expert could, perhaps, capture a fast-moving punching fist. If the grip is not successful, the punch reaches its mark. This is the major risk of attempting holds and locks as complete defenses. The attempt to apply a hold or lock puts you within reach of the adversary’s punch or reach – an unnecessary risk!”

Tạm dịch: “Có lẽ, một người lão luyện có thể chộp bắt được một cú đấm thẳng rất tốc độ. (Nhưng) nếu sự chặn giữ không thành công, quả đấm sẽ đến điểm đặt đòn của nó. Đây là sự quá mạo hiểm của nổ lực bắt và khóa đòn đối phương khi tự vệ. Sự nỗ lực thực hiện thế bắt hoặc khóa đặt bạn vào trong tầm tay của cú đấm đối thủ – một sự mạo hiểm không cần thiết”

Nhân đây, tôi cũng muốn nói thêm với các bạn trẻ đang theo học võ cổ truyền của dân tộc:

Có nhiều bậc hiền triết, đại trí đã từng nói rằng: “Con đường thẳng là con đường ngắn nhất” và “Chân lý nằm ở cái đơn giản nhất”.

Thường thường, người đời hay ham cái “nhiều”, chuộng cái “lớn”, sính cái “vĩ mô”, thích tìm cái “lạ” mà mất gần hết cuộc đời vẫn thấy mình quanh quẩn như người lạc lối trong rừng.

Chính ham cái “nhiều” mà sinh loạn, không tập trung; Chuộng cái “lớn” mà sinh kiêu, thiếu nhẫn nại; Sính cái “vĩ mô” mà quên cốt lõi, chỉ học được cái hời hợt; Thích tìm cái “lạ” mà sinh nông cạn, hiểu không sâu cái đã có.

Tóm lại, tất cả những cái ham, chuộng, sính, thích đó đều chỉ do lòng tham. Vì tham mà muốn đạt thì chẳng đạt được gì cả, muốn bắt thì chẳng biết cần bắt cái gì, muốn nắm thì chẳng có gì để nắm, muốn giành thì thấy quá nhiều cái để giành nên không giành được một cái gì hết.

17b15e1df0925367.jpg

Đời người thì hữu hạn, thế giới thì vô cùng. Cái ta có, ta đạt được chính là thế giới – thế giới của ta trong ý nghiã “tương đối”. Tuy nó tương đối nhưng cũng là “vô cùng”, vô cùng bởi lẽ cái tương đối đó không “đóng” lại mà vẫn “mở” ra thường hằng, vẫn phát triển mãi mãi, khi thân xác và tâm trí ta còn ở lại thế gian này, còn làm việc cho cuộc đời này, còn tận hiến cho những người tương phùng thời này, những người đã sinh ra ta, nuôi nấng ta, tin tưởng ta, che chở ta, ủng hộ ta, giúp đỡ ta, dạy dỗ ta, học tập ở ta và kể cả những người ganh ghét ta.

Trở lại vấn đề học võ…

Học Võ thuật cổ truyền của dân tộc thì phải nghiên cứu cho kỹ, tìm hiểu cho sâu, tập luyện, thân chứng cho nhiều, nhưng rồi hãy phân phát hết đi, chỉ giữ lại những cái đơn giản nhất, ngắn gọn nhất, nhìn là thấy, nắm là bắt, không sai, không trật. Càng cố giữ chừng nào thì mất càng nhiều chừng ấy. Khi càng “cố sức” nắm bắt chừng nào thì khả năng sai, trật, hụt và hụt hẫng càng dễ xảy ra chừng ấy.

Bởi thế, đối với các học trò tâm đắc, các vị thầy già thường dạy Võ thì ít mà dạy Thuật thì nhiều, dạy Thế thì ít mà dạy Thức thì nhiều, dạy Chữ thì ít mà dạy Nghĩa thì nhiều.

Dạy Võ cổ truyền là dạy làm người hữu dụng đó vậy.

Nguon: vovinamthainguyen.vn

Nhật Vũ