Sự ảo diệu của Aikido khi áp dụng vào tự vệ

Aikido không dùng để đánh nhau hay để trấn áp đối thủ bằng sức mạnh. Nó là môn võ dùng để chế ngự bạo lực của đối thủ với kỹ thuật được sinh ra từ thân pháp của nhập thân và xoay chuyển nên nó không gây đến sát thương đến sinh mạng của đối thủ. Vì thế, có thể nói nó là môn võ xứng đáng với thời đại ngày nay, thời đại kêu gọi sự tôn trọng sinh mạng của con người. Đây cũng chính là nguyên nhân mà Aikido được gọi là môn võ “Hoà”.

Aikido là một môn võ tự vệ, không có nội dung đối kháng. Aikido lấy tình thương làm nguồn cội. Trong kỹ thuật Aikido, tình thương đã ảnh hưởng tới lối kết thúc đòn thế, loại bỏ mọi độc chiêu, sát thủ, phản ánh lên gương mặt an nhiên tự tại và tạo ra một phong thái đặc thù. Nhờ có tình thương mới có hy sinh, mới biết nhẫn nhịn, kiên trì, tiến tới sự thông cảm và tha thứ để xoá bỏ hận thù ganh ghét. Trong đời sống nhờ biết ổn định được nội tại, quân bình trong tương quan xã hội, giúp con người đạt được khả năng tự thích ứng với nhiều thay đổi, biến chuyển của thiên nhiên để sống khoẻ, lâu và có ích cho xã hội.

Trong triết lý của môn võ Aikido không chủ trương tấn công trước, thậm chí không cho phép tự biến mình thành mục tiêu khiêu khích sự tấn công. Với những kỹ thuật đặc sắc của mình, Aikido chỉ hóa giải các đòn tấn công của đối phương thay vì tiến hành các phản ứng tấn công đối thủ theo bản năng. Chiến lược của môn võ này căn cứ vào các động tác linh hoạt, né tránh, tập trung và khuếch trương khí lực. Sau đó tiến trình hóa giải được thể hiện bằng các thao tác bất độc hóa và ném phóng.

Ngày nay, nền võ thuật tại Việt Nam có nhiều môn võ nước ngoài được du nhập và phát triển mạnh mẽ, thu hút được số lượng lớn giới trẻ tập luyện. Những người yêu thích lối đánh mạnh mẽ có thể tìm đến Muay Thai, MMA hay Boxing. Trong khi đó, Aikido là môn võ “hòa”, do đó nó thiên về tự vệ và mang tính rèn luyện sức khỏe nhiều hơn.

V.Đ