Tiểu niệm đầu – bài quyền “cội rễ” của kỹ thuật Vịnh Xuân

Tiểu Niệm Đầu là bài quyền đầu tiên và cơ bản nhất của Vịnh Xuân. Đơn giản và ngắn gọn, Tiểu Niệm Đầu bao gồm những kỹ thuật tối cơ bản của nhập môn Vịnh Xuân.

Phòng thủ Grond and Pound theo phong cách Vịnh Xuân

Vịnh Xuân tự vệ chống dao như thế nào?

Bài Tiểu Niệm Đầu (phiên âm tiếng anh: Siu nim Tao) có một số dị bản tùy theo dòng phái của Vịnh Xuân. Tuy nhiên, người ta thường lấy phiên bản Tiểu Niệm Đầu của Diệp Chuẩn (con trai Diệp Vấn) làm chuẩn mực.

Bài Tiểu Niệm Đầu được thi triển trên một tấn pháp duy nhất là Kiềm Dương Tấn (hay còn gọi là Nhị tự kiềm dương tấn). Từ tấn pháp này, Tiểu Niệm Đầu thực hiện các thủ pháp cơ bản của Vịnh Xuân bao gồm: than thủ, bàng thủ, cổn thủ, khuyên thủ, tán thủ, phục thủ, phách thủ và hai kỹ thuật tấn công là Nhật tự xung quyền và Tam xung chùy.

Ở một số dòng phái, bài Tiểu Niệm Đầu có thể được gọi với cái tên khác như Tiểu luyện đầu, Tiểu hình ý, Tam bái phật.

Ngay từ cái tên hiền lành cho tới bản chất, bài Tiểu Niệm Đầu không mang nhiều khái niệm chiến đấu. Theo Diệp Vấn: “Bài quyền này được dùng để lập niệm – tức để tạo ra ý niệm ở trong tư duy. Phải luyện bài quyền này thật nhiều thì mới mong ngộ được bản chất của “lập niệm”.

“Tiểu niệm” tuy là “nhỏ bé” nhưng mang sức mạnh lớn của Vịnh Xuân.

Niệm lực là sức mạnh của một tâm trí có sự tập trung cao độ. Nó giúp đưa sức lực đến các phần khác nhau của cơ thể. Mỗi người chúng ta đều có thể đạt được khả năng này. Tuy nhiên, nếu không qua tập luyện, thì chúng ta sẽ khó có thể tập trung được tâm trí. Tiểu Niệm Đầu chính là công cụ để chúng ta thức tỉnh thứ sức mạnh tập trung này. Nếu luyện tập đúng, bạn sẽ có thể phóng thích nguồn năng lượng này theo ý muốn trong mọi trường hợp. Tâm trí của bạn sẽ có thể tập trung ngay cả khi bạn đang thay đổi cấu trúc hay đang di chuyển với tốc độ cao. Vì thế, mục tiêu của Tiểu Niệm Đầu chính là để đạt được niệm lực.

Hãy xem xét ví dụ đơn giản sau đây: Nếu một người khỏe mạnh ngã từ độ cao tầm 2 mét một cách bất ngờ, mặc dù tiếp đất bằng 2 bàn chân, thì anh ta vẫn có khả năng bị chấn thương rất cao. Tuy nhiên, nếu một người biết rằng mình sẽ ngã, thì chân của họ sẽ tự động co lại để giảm lực va đập giữa chân và mặt đất. Ngoài ra, anh ta cũng có thể có phản xạ tương tự nếu đôi chân anh ta không bị gồng cứng. Ở trạng thái này, đôi chân tự nhiên có tính đàn hồi và giúp anh ta tiếp đất an toàn. Đàn tính mà đôi chân có được đó chính là kết quả của việc thư giãn cơ bắp và niệm lực.

Phạm Vũ