Ứng dụng các nguyên lý vào kỹ thuật hóa giải đòn thế Aikido

1. Nguyên lý Sangen (Tam Nguyên)

 Đối với Tổ sư Morihei Ueshiba, nhập nội (Irimi) là bước đầu của mọi thi triển các chiêu thức Aikido. Người đã từng nói:” Các con hãy nhập nội theo dạng tam giác,, các con hãy thi triển đòn thế theo dạng tuần hoàn và trở về ổn định trong thế giới của tứ giác”. Và Người kết luận:” Đó là A-I-Ki”.

a1

 Chúng ta biết tam giác là A, hình tròn là I, tứ giác là Ki. Gói gọn trong ba hình này là toàn bộ nguyên lý Aikido: SANGEN (Tam nguyên).

 Một khi tam giác, hình tròn, hình vuông kết hợp lại thành một thể thống nhất thì sự hợp nhất tinh thần và thể xác xuất hiện tạo ra một năng lực kỳ diệu và người đó có thể ném ngã bất cứ một đối thủ nào. Các đòn thế Aikido mà không có ý khí tiềm ẩn trong thì sẽ không có giá trị gì, nó chỉ giống như một vũ điệu mà thôi. Không có “KI” thì không có “AIKIDO”.

2. Nguyên lý vòng cầu.

 Nguyên tắc vòng cầu được sử dụng trong rất nhiều môn võ thuật, nhưng trong Aikido nguyên tắc vòng cầu đã đạt tới đỉnh cao nhất, khái niệm vòng cầu hầu như trở nên độc tôn.a2

 Có một câu nói ngày xưa nói về bí quyết của Jujutsu: “Đẩy khi bị kéo và kéo khi bị đẩy”. Còn trong Aikido thì lại là:” Đổi chiều khi bị đẩy và nhập vào khi bị kéo”. Động tác xoay tròn này khác biệt với các chuyển động thẳng trong Jujutsu và nó có nhiều biến hóa hơn. Bạn và đối thủ của mình không phải ở thế đối lập mà cả hai chỉ là một khối hội nhập dưới sự kiểm soát của bạn. Cả hai bị kiềm chế hoàn toàn bằng lực ly tâm của bạn phát ra và lực hướng tâm do bạn dẫn về.

3. Nguyên lý đường chính tâm.

 Trục chính tâm là đường tưởng tượng, thẳng đứng đi từ giữa hai chân, xuyên qua đan điền và thẳng lên đầu. Tất cả các bộ phận hiểm yếu, dễ bị tổn hại nhất của cơ thể đều nằm trên đường thẳng này.a3

 Nếu chúng ta có thể giữ được đường chính tâm cố định, dù di chuyển theo hướng nào đi nữa thì chúng ta mới có thể tạo ra một sức mạnh tập trung và vững chắc. Toàn thân của chúng ta như một khối tập trung vào một điểm duy nhất gọi là khối tâm. Khi đó chúng ta mới phát huy được khả năng vận khí của mình.

4. Nguyên lý Irimi – Tenkan.

 Irimi là một bí quyết của Aikido mà nhiều môn võ khác không có. Trong Irimi thay vì đối đầu với lực của uke, ta di chuyển ra khỏi đường tấn công và đến bên cạnh y vào một góc độ an toàn.a4

 Lối xoay người tránh né thường gặp trong Aikido là Tenkan. Khi bị đẩy mà xoay người đi chính là Tenkan. Xoay như vậy ta đã ra khỏi hướng tấn công, đang từ trước mặt chuyển qua bên hông uke, an toàn hơn nhiều.

 Cũng giống như Irimi, Tenkan giúp ta khỏi bị trúng đòn và đưa ta vào một vị trí tương đối an toàn và thuận lợi để di chuyển hay thi triển đòn thế. Để thực hiện được động tác Tenkan, điều quan trọng là trọng tâm của ta phải vững. Nếu ta mất trọng tâm, ta không thể quay vòng một cách ổn định.

5. Nguyên tắc hòa hợp.

 Nguyên lý của sự hòa hợp là thay vì di chuyển trực tiếp vào hướng lực của uke, bạn phải di chuyển xung quanh hướng lực đó, hoặc lái nó đi hướng khác xung quanh bạn.

 6. Nguyên tắc chọn đúng thời điểm.

 Quan điểm lý tưởng của môn Aikido là phải dùng sức thật ít nhưng hiệu quả thật nhiều. Một phần quan trọng trong việc đạt mức lý tưởng này là bạn chọn thời điểm tiếp xúc uke. Nếu thời điểm bị chậm lại ta sẽ bị đối phương tràn ngập, nếu ta xuất chiêu quá sớm, đối phương sẽ nhận ra được động thái của ta và thay đổi phương thức tấn công. Ta phải xuất chiêu đúng vào lúc y phát khởi tấn công. Đó là thời điểm đúng.

 7. Nguyên lý thăng bằng.

 Theo quan niệm của Aikido, trọng tâm con người nằm ở đan điền (một điểm nằm dưới rốn khoảng 5cm) và mọi di chuyển đều xuất phát từ đan điền. Chỉ cần tác động đến trọng tâm của một người là ta có thể chi phối sự thăng bằng của người đó.a5

 Ta có thể coi uke như một tam giác với hai bàn chân là hai mũi của tam giác. Đầu và tay của uke là mũi thứ 3. Uke đứng vững khi 3 mũi đó nằm trên đường thẳng của trục chính tâm. Nếu ta đem cái mũi thứ 3 đó ra khỏi trục chính tâm tạo thành một tam giác ảo thì uke sẽ bị mất thăng bằng.

8. Nguyên lý bánh xe và trục xe.

 Giả sử có một cái vô lăng. Khi ta lái xe, vì trục xe nhỏ hơn và ở giữa nên quay chậm hơn còn bánh xe quay mau hơn.

 Trong Aikido, khi ta hướng dẫn uke xoay theo chuyển động tròn thì ta là trục xe, còn uke là bánh xe. Vì ở giữa làm trục nên ta chỉ cần xoay chậm một chỗ, còn uke phải quay theo một vòng tròn lớn bên ngoài, trớn quay càng mau, càng mất thăng bằng.

Quang Bình (Sưu tầm)

Theo Sổ tay Võ thuật 1996