Vì sao Võ Cổ Truyền Bình Định chỉ còn là huyền thoại

(Vothuat.vn) – Võ sư Châu Minh Hay là một trong những HLV tâm huyết và có công không nhỏ trong việc phát triển phong trào của môn Vovinam. Bên cạnh đó, võ sư cũng là một cây viết sắc sảo với những bài phân tích về võ thuật được nhiều người đón nhận. Hôm nay, chúng ta sẽ cùng võ sư Châu Minh Hay bàn luận “Vì sao Võ Cổ Truyền Bình Định chỉ còn là huyền thoại?”

Tôi là người có nguồn gốc từ đất võ Bình Định, vì vậy mỗi khi nghe ai đó nói về đất võ bằng những câu thơ, câu vè như là “Ai về Bình Định mà coi, con gái Bình Định múa roi đi quyền” hay ”Roi Thuận truyền, quyền An Thái” , “Trai An Thái, gái An Vinh”..v.v.. Tôi cảm thấy tự hào lắm quê cha.

Thế hệ Ông tôi cũng vừa mới kết thúc cách đây chưa lâu, nghĩa là khi tôi đã ở vào cái tuổi “Tri thiên mệnh” thì thế hệ Ông tôi hãy còn, khỏe mạnh, minh mẫn và rắn rõi. Đó là những gì tôi cảm nhận được từ “người xưa” đã chuyên cần luyện võ. Tất cả đều qua đời xấp xỉ tuổi 90. Tôi cũng không biết đó là do yếu tố “Gen” hay do luyện võ. Ngoài cái phi thường về tuổi thọ ấy, tôi còn nghe nhiều lời đồn thổi về “thành tích võ nghệ” của các cụ. Tuy nhiên tôi thật sự hụt hẩng khi được các cụ truyền lại cái vốn “bí truyền” trước khi quá muộn cho tôi:


– Ông nghe cha và các chú mày nói ở trong đó mày cũng đang theo đuổi nghề võ, dạy nhiều học trò. Nên ông muốn truyền lại cho mày mấy ngón độc một thời oanh liệt của ông. Mai kia mốt nọ ông qua đời thì uổng. Hồi đó ông đã bán mấy mẫu ruộng để học mấy ngón này, sau này nhiều đứa muốn ông truyền lại, theo năn nỉ ngày này qua tháng nọ nhưng ông không chỉ, nay ông thấy ông cũng nhiều tuổi rồi, con cháu thì nhiều, nhưng ông chưa chọn được đứa nào. Ông thấy mày tính tình cũng được, lại ham thích võ nghệ, ông quyết định truyền lại cho mày, mày ưng không?
Lòng tôi như mở cờ, bởi ai đã đam mê võ thuật thì cũng như tôi cả thôi.

Thế là thay vì về Bình Định giỗ họ hàng năm, xong xuôi thì hôm sau vào ngay thì lần đó tôi nán lại thêm cả tuần sau để lĩnh giáo các chiêu thức một thời liệt oanh của các cụ.

Vâng, không phải chỉ một ông mà có tới 3 ông đều giỏi võ và ngày xưa đều là Hương quản, Hương Kiểm, địa chủ cả. Nghĩa là ngày xưa gia đình của các ông tôi đều thuộc loại giàu có, của ăn của để, tôi tớ trong nhà lên cả chục, và các ông đều bán hàng mấy mẫu ruộng để học võ. Trước để cai quản gia nô, dân dã, sau là để bảo vệ tài sản của mình khi phường đạo tặc mò đến.

Tuy nhiên, người ta nói “trăm nghe không bằng một thấy” tôi thật sự thất vọng, bởi lẽ liên tục 6 đêm liền, cả 3 ông đều tung ra hết những chiêu thức “độc” để truyền cho tôi thì quả thực không như tôi tưởng! Đường roi gọi là “múa gậy che mưa” hoàn toàn không chút thuyết phục và đánh chưa tới 1 phút! Các bài thảo “đánh bộ dưới” đều không chút phù hợp và động tác vỗ đùi đen đét là chính! Những cú móc sườn, song xỉ… đều khó lòng mang lại hiệu quả thiết thực. Chỉ có một điều tôi thừa nhận các cụ đều đi tấn rất thấp, nhưng với tấn pháp như vậy thì dịch chuyển sẽ rất khó khăn.


Cuối cùng, tôi nghĩ ra rằng, sở dĩ ngày xưa với các ngón đòn thế này nhưng các cụ đã nổi tiếng là bởi vì thiên hạ lúc bấy giờ người biết võ chỉ trên đầu ngón tay, vì vậy một người luyện tập võ nhuần nhuyễn có thể đánh cả chục người không biết tí gì về võ là chuyện dễ hiểu. Thế rồi một đồn mười, mười đồn trăm cho nên một sớm một chiều đã có thể nổi danh. Không như ngày nay tỷ lệ người biết võ có thể tính đến 30-40% và người giỏi võ cũng không ít.

Các trận tỷ thí đem quan tài để sẵn bên cạnh sàn đấu đều mang tính tăng phần rùng rợn thôi. Đòn các võ sĩ ra không đủ mạnh để có thể dễ dàng gây sát thương cao. Bằng chứng là 2 đấu thủ đều không có bảo hộ như ngày nay, nhưng khi dính đòn vẫn tiếp tục lao vào nhau và kéo dài trận đấu. Không như ngày nay, các võ sĩ đều mang giáp bảo hộ, khi đòn trúng vào nghe tiếng nổ giáp, ví thử nếu không có giáp bảo hộ thì không da thịt, xương cốt nào nguyên vẹn.


Phương thức tập luyện truyền thống không hơn phương pháp hiện đại, nếu không nói là lạc hậu, mà ngày nay với điều kiện luyện tập cực tốt, cũng chưa có võ sĩ nào có thể thực hiện nổi cú nhảy qua nóc nhà như các ông tôi kể chuyện.

Có lẽ, một phần cũng vì cái tư tưởng độc tôn nên các cụ nhà tôi nghĩ rằng đó là tuyệt chiêu và quyết không truyền ra bên ngoài. Trên thực tế, các đòn thế ấy cần nghiên cứu, mổ xẻ thêm nữa mới có thể nhìn thấy cái tinh túy của nó. Tuy nhiên hầu hết đều theo các cụ qua bờ bên kia của sự sống chỉ vì tính ích kỹ và độc tôn.

Ngày nay, các võ phái cổ truyền đều mang dáng dấp hiện đại khá nhiều, như thế mới tiện việc phổ cập và phù hợp với các phân tích vật lý mang tính thuyết phục. Bên cạnh đó, các giáo trình giảng dạy rõ ràng là một lợi thế cho việc phát triển trên quy mô rộng khắp.


Tóm lại, võ thuật cổ truyền Bình Định ngày xưa chiếm ngôi vị độc tôn, nhiều võ phái từ đó mà ra do bởi hoàn cảnh thời bấy giờ không có nhiều môn võ và người luyện võ. Các câu chuyện tay không đả hổ, nhảy qua nóc nhà, múa gậy che mưa… đã đi vào huyền thoại của cái thời mộng thực bất phân.

Võ sư Châu Minh Hay