Cần hiểu đúng về khái niệm Thập bát ban võ nghệ

Cụm từ Thập bát ban võ nghệ được dùng để nói đến mười tám môn tập luyện quyền thuật và binh khí có những kỹ thuật khác nhau của võ Cổ truyền Trung Hoa và võ Ta (ngày nay được gọi là võ thuật Cổ truyền Việt Nam).

18 loại binh khí trong võ cổ truyền Việt Nam

Tinh hoa võ Việt: Cuốc, chổi, xẻng cũng là binh khí

Khi tìm hiểu về vấn đề này, chúng tôi gặp nhiều tài liệu có những nội dung mười tám môn không hoàn toàn trùng khớp với nhau. Có lẽ mỗi thời kỳ lịch sử, mỗi triều đại phong kiến và mỗi võ phái lớn có sự chọn lựa Thập bát ban theo quan điểm riêng của mình.

Quyền thuật tay không cũng được xếp vào “Thập bát ban võ nghệ”

Chính vì vậy, nếu đem tất cả các môn Thập bát ban võ nghệ của các triều đại, võ phái khác nhau cộng lại thì có đến gần bốn mươi môn tập luyện kỹ thuật võ cổ truyền chứ không chỉ có mười tám môn.

Những môn được nhiều triều đại, võ phái chọn lựa, liệt kê vào Thập bát ban võ nghệ trùng nhau thường thấy như: Cung (+ tên), Ná, Nỏ, Roi (còn gọi là Côn, Tiên), Thương, Đao (gồm Đại đao, Mã đao, Siêu đao), Kiếm, Giáo, Mâu (còn gọi là Xà mâu), Khiên (còn gọi là Mộc, Thuẫn), Phủ (còn gọi là Việt tức là búa. Cũng có võ phái phân biệt Việt và Phủ là hai loại búa khác nhau), Chùy (còn gọi là Lưu tinh), Kích, Soa (còn gọi là Đinh ba) và bạch đả (tức là môn tập tay không có binh khí).

Và những môn vẫn được chọn lựa, liệt kê vào Thập bát ban võ nghệ nhưng có ở triều đại này, võ phái này thì lại không có ở những triều đại khác, võ phái khác, như: Thiền trượng, Roi trường, Giản (còn gọi là Thỏ), Bừa cào, Câu liêm, Lưỡi hái, Song xỉ, Song tô, Song bút, Chĩa hai, Đầu cân (bao gồm dãi lụa, khăn quấn đầu, dây thắt lưng), Dây xích, Chuỗi đồng tiền, Qua, Thù (một loại côn bằng tre, gỗ nhưng thân không tròn mà có cạnh), Sóc (một loại binh khí cổ giống Xà mâu nhưng cán dài hơn), Quải, Chày (có tên gọi là Chử), Hoàn (vòng tròn có hoặc không có gắn dao ngắn), Đằng bài, Bổng (gậy), Lao (còn gọi là Phiêu. Biến dạng thành Thiết lĩnh hoặc Dây Câu thiều), Hỏa phún đồng, Hỏa hổ (Võ Tây Sơn) và Quyền (còn gọi là Bạch đả tức là lối đánh tay không có vũ khí).

Picture60.jpg

Ngày nay, có một số võ phái xếp loại Thập bát ban võ nghệ gồm có: 1. Đao – 2. Thương – 3. Kiếm – 4. Kích – 5. Phủ – 6. Việt – 7. Câu – 8. Soa – 9. Tiên – 10. Giản – 11. Chùy – 12. Đáng – 13. Côn – 14. Sóc – 15. Bổng – 16. Quải – 17. Chùy – 18. Trảo. Không có quyền (tay không= bạch đả). Chính vì thế mà có cụm từ “Thập bát ban binh khí”.

  Cũng cần biết thêm rằng không phải tất cả các loại binh khí đều được tập hợp vào Thập bát ban võ nghệ. Ở từng địa phương, vùng, miền và các võ đường , võ phái còn lưu truyền nhiều loại binh khí khác, chẳng hạn như:

“Yến tử” là một loại vũ khí có hình chim yến, phần đầu chim yến rất nhọn để đâm, phần hai cánh chim yến rất bén để cứa, cắt và móc. Yến tử thường được sử dụng có đôi, mỗi tay cầm một chiếc. Khi múa quyền, những võ sĩ tài ba có khả năng thi triển tốc độ chớp nhoáng, khai thác sự vi diệu của thủ pháp, gây ảo giác cho người xem là cặp chim yến bay quanh thân thể của họ, tạo ra khả năng cực kỳ kín đáo trong phòng thủ và hết sức lợi hại trong phản công.

“Song ngư” là cặp vũ khí được kẹp sát vào phần ngoài hai cẳng tay của người sử dụng để gạt đỡ, tạt, đẩy đòn và vũ khí của đối phương (bằng phần thân cá) khi bị tấn công và dùng phần mồm và đuôi của cặp cá để đâm, giựt vào đối phương khi nhập nội tấn công. Cách mang và sử dụng Song ngư hoàn tòan giống như mang và sử dụng Song sỉ. Có thể đây là hai loại vũ khí có cùng nguồn gốc ra đời nhưng do đặc tính bản địa nên ở vùng núi thường dùng Song sỉ (cặp răng, giống ngà voi), ở vùng biển thường dùng Song ngư (Cặp cá) và ở đồng bằng tùy võ phái mà chuyên dùng một trong hai hoặc cả hai loại vũ khí này.

Tìm hiểu về Thập bát ban võ nghệ nói riêng và các loại binh khí, vũ khí võ thuật cổ truyền Việt Nam nói chung, ta càng thấy binh khí, vũ khí của Võ truyền thống dân tộc Việt Nam vô cùng đa dạng và phong phú.  Đa dạng, bởi lẽ khó mà thống kê đầy đủ tất cả các thể loại binh khí, vũ khí với nhiều hình dạng khác nhau. Phong phú, bởi lẽ mỗi loại binh khí, vũ khí đều có một cách sử dụng riêng biệt, khai thác những ưu thế khác nhau, không loại nào giống loại nào.

Sự phong phú, đa dạng đó đã hình thành từ xa xưa và bổ sung liên tục trong nhiều thời kỳ lịch sử để có rất nhiều loại binh khí, vũ khí khác nhau nhằm  đáp ứng yêu cầu của những cuộc chiến tranh bảo vệ sự trường tồn của đất nước và dân tộc qua suốt hàng mấy ngàn năm qua.
Sự phong phú, đa dạng đó có được là do nhiều vùng, miền, nhiều triều đại, nhiều nền binh bị, nhiều võ phái khai thác khả năng tự chế tác để “làm giàu” cho hệ thống binh khí, vũ khí chiến đấu của mình.

Ngày nay, chúng ta đang đặt ra vấn đề cần có học viện nghiên cứu võ cổ truyền ở tầm cỡ quốc gia, cần có những đề tài nghiên cứu bao quát cả một nền võ học dân tộc và những đề tài khảo sát từng nội dung của môn võ cổ truyền;
Ngày 28/5 và ngày 30/5 năm 2013 Tổng cục Thể dục thể thao cũng đã tổ chức Hội thảo thông qua “Đề án Bảo tồn và phát triển Võ Cổ truyền Việt Nam từ nay đến năm 2020”;

Chắc chắn không thể không làm một công việc khá quan trọng là “Nghiên cứu, khảo sát, phân tích, sắp xếp thành một hệ thống qua từng thời kỳ về Thập bát ban võ nghệ và các loại binh khí, vũ khí võ cổ truyền Việt Nam”.
Qua đó, cũng cần xác định cái nào là binh khí và cái nào là vũ khí, cái nào là đặc dị và cái nào là phổ biến, cái nào cần bảo tồn và cái nào cần phát huy… Việc làm này sẽ góp phần không nhỏ, khẳng định giá trị văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc và vai trò Quốc Võ của môn Võ thuật cổ truyền Việt Nam.

Võ sư Trần Xuân Mẫn

Có thể bạn quan tâm: Những bài binh khí đặc sắc của Võ cổ truyền Việt Nam

[jwplayer player=”1″ mediaid=”66903″]