Những huyền thoại Võ thuật Việt Nam: Võ sư Hồ Ngạnh – Võ sư huyền thoại về roi

Nói đến roi của Võ thuật cổ truyền Việt Nam, nhiều người nghĩ ngay đến Roi Thuận Truyền – Bình Định. Sự liên tưởng đó hoàn toàn có cơ sở trên những kỳ tích của các bậc thầy về quyền và roi một thời danh bất hư truyền trên miền đất võ. Người nổi tiếng nhất và cũng gần như là một võ sư huyền thoại về roi, đó là võ sư Hồ Ngạnh.

Võ sư Hồ Ngạnh tên thật là Hồ Nhu, nguyên quán thôn Háo Nghi, xã Bình An, sinh năm Ất Mão, 1891 tại thôn Hoà Bình, xã Bình Thuận, huyện Bình Khê, tỉnh Bình Định. Thân sinh võ sư Hồ Ngạnh là ông Đốc Năm, một quan võ thời Tây Sơn và bà Nguyễn Thị Quyến (Tám Quyến), một phụ nữ giỏi võ. Thuở thiếu thời ông học võ với mẹ. Dáng người tầm thước, mảnh nhưng chắc, đôi mắt sáng, sóng mũi cao, bước đi nhanh nhẹn, nhẹ nhàng, võ sư Hồ Ngạnh có vẻ thư sinh hơn là con nhà võ.

Những người thầy của võ sư Hồ Ngạnh là ông Đội Sê (có tài liệu ghi là Đội Sĩ, Đội Sẻ) dạy nội công, ông Hồ Khiêm dạy đoản côn, roi chiến. Có tài liệu chép người dạy võ cho Hồ Ngạnh là một Tạo sĩ (tiến sĩ võ) từng dạy roi cho lính hộ thành Huế, vì tham gia phong trào Cần Vương nên bị truy nã, nương nhờ nhà ông Đốc Năm nên sau có duyên truyền võ công cho Hồ Ngạnh, đặc biệt là roi.

Bản chất thông minh, lại có khiếu về võ thuật, đặc biệt là roi nên võ sư Hồ Ngạnh tiến bộ rất nhanh và như một thiên tài xuất chúng không có đối thủ một thời trên đất Bình Định. Chỉ tiếc một điều những đường roi và những bài thảo roi bí hiểm của võ sư Hồ Ngạnh không thấy ghi chép lại nhiều, có thể là bị thất truyền hoặc bí truyền trong những người học trò được chân truyền từ võ sư Hồ Ngạnh.

Có nhiều câu chuyện xung quanh võ sư Hồ Ngạnh như chuyên thử sức với đồng đảng Dư Đành; so tài ngoạn mục với danh sư Tàu Sáu Diệp Trường Phát, kết cuộc Hồ Ngạnh thắng Tàu Sáu về roi nhưng thua về quyền. Ông Tàu Sáu viết tặng Hồ Ngạnh câu: “Đoản côn Thuận Truyền duy hữu nhất”, còn ông Hồ Ngạnh viết tặng lại ông Tàu Sáu câu: “Thủ vũ An Thái ngã vô song”, nghĩa là đoản côn Thuận Truyền chỉ có một, tay quyền An Thái cũng không hai; hoặc chuyện nói về ông đã giết chết con trai mình bằng đường roi bí hiểm nhưng thực chất con ông mất vì bệnh…

Khi tuổi cao sức yếu, võ sư Hồ Ngạnh thiên về nghề làm thuốc nhiều hơn dạy võ và thường lui tới cửa Phật như giác ngộ sự bình yên qua cuộc đời nhiều oan khiên, sóng gió của mình. Võ sư Hồ Ngạnh từ giã cõi trần năm Bính Thìn 1976, hưởng thọ 86 tuổi. Một số học trò của ông đang kế nghiệp là võ sư Hồ Sừng, võ sư Hồ Sơn Kỳ…

Roi là thuật ngữ thường dùng để gọi cho côn như: Roi Thái sơn, Roi Tấn nhất, Roi ngũ môn… hoặc câu ví địa danh nổi tiếng “Roi Thuận Truyền, Quyền An Thái”. Roi chia làm hai loại là roi trường và roi đoản. Roi trường là roi dài gồm hai thứ là roi đấu (trường tiên) dài khoảng 3m và roi chiến (trung bình tiên) dài khoảng 1,5 m. Roi đấu dùng để đánh trên lưng ngựa, sau này roi trường được dùng để phân tài cao, thấp ở đấu trường. Roi chiến dùng để đánh dưới đất gọi là roi bộ chiến và đoản côn là roi ngắn.

Bài “Tam thao tùy hình pháp” của võ sư Hồ Ngạnh biến chuyển dị thường , mỗi câu mỗi đoạn có giá trị khác nhau. Về tầm sát phạt thì có yếu điểm giá trị chứa đựng trong mỗi câu của bài. Câu một: Chuyên trị các đường thương; câu hai: Chuyên phá các đường đao kiếm; câu ba: Đánh dụ địch vào thế hiểm; câu bốn: Đánh nơi cần đánh gấp; câu năm và sáu: Chuyên đánh ra vào nơi loạn quân.

Danh trấn giang hồ bằng những đường roi tuyệt kỹ hẳn võ sư Hồ Ngạnh phải là một con người bản lãnh khi cầm trên tay cây roi chiến Thuận Truyền Bình Định mà cho đến hôm nay lớp người sau cũng như giới trẻ hiện giờ khó mà hiểu tận ngọn nguồn, bởi xem những bài diễn “côn quyền hơn sức, lược thao gồm tài” qua thực tế, thấy múa may quay cuồng nhiều hơn là “thế”, “miếng”, thấy thương pháp dùng lẫn lộn cho côn pháp, đao pháp thay cho kiếm pháp. Nên nếu đụng trận thực sự thì khó mà thủ thắng. “Ngàn năm gương cũ soi kim cổ” là như vậy.

Anh Thư (T.H)