Võ phái Nhất Nam và bản sắc người Việt

Các võ sư Nhất Nam từ xưa đến nay quan niệm võ thuật không phải bạo lực mà là đạo tu thân. Rộng hơn, võ thuật, di sản phi vật thể, là văn hoá. Ở hệ quy chiếu ấy, Nhất Nam mang bản sắc đặc dị, thuần Việt chứ tuyệt nhiên không phải môn phái mang danh “võ thuật cổ truyền” nào khác.

Nhất Nam vs Tây Sơn Bình Định: võ phái nào sẽ được vinh danh?

Nhất Nam võ phái: môn võ thuần Việt

Dù chưa chính thức được lựa chọn, nhưng võ phái Nhất Nam đã và đang góp những viên gạch đầu tiên trong quảng bá văn hoá Việt.

1. Từ cuộc đấu tranh sinh tồn với thiên nhiên hoang dã, từ những cuộc chiến chống ngoại xâm suốt hàng nghìn năm lập nước, giữ nước, võ thuật cổ truyền Việt Nam đã ra đời. Thế kỷ XIX trở về trước, quyết định thành bại trận mạc không phụ thuộc vào súng đạn, các nhà nước phong kiến Việt Nam đặc biệt coi trọng võ thuật. Thậm chí, võ quan triều đình còn toả vào trong dân gian để mở lớp dạy võ phòng khi nước có hoạ binh đao thì có thể huy động được lính ngay mà không cần huấn luyện nhiều. Những võ ban được mở ra bên cạnh văn ban. Những kỳ thi võ ở địa phương rồi ở kinh kì được tổ chức để tuyển chọn nhân tài cho quân đội… Không biết bao nhiêu môn phái đã ra đời và vẫn tồn tại đến ngày nay.

Hiện tại, ở Việt Nam có nhiều môn phái võ thuật như Bình Định gia, Hoa quyền, Nam Tông, Tân Khánh Bà Trà, Sa Long Cương, Thanh Long võ đạo, Lam Sơn căn bản… Trong đó, hầu hết gốc gác từ Trung Quốc, dần dà tích hợp, dung hòa với võ Việt. Tuy nhiên, vẫn có những môn phái thuần Việt phát triển cùng, tồn tại trong các làng quê, dòng họ. Ở đó, người ta học võ không để tiến thân mà để rèn luyện cơ thể, góp vui khi lễ hội, làm việc nghĩa và cao hơn cả là để giúp nước. Theo dòng thời gian, võ thuần Việt với các môn phái mà hạt nhân là các gia phái luôn tiềm ẩn sức sống dai dẳng, bất chấp biến động. Chẳng hạn, khi lên ngôi, Gia Long đã truy sát những người từng phò nhà Tây Sơn. Hậu quả là nhiều võ đường đã bị đóng cửa. Hàng nghìn võ sư, môn đồ bị giết hại. Nhiều dòng võ tạm lắng xuống, toả vào trong dân, tồn tại dưới dạng các gia phái. Trong số này, có Nhất Nam.

2. Nằm trên vùng đất tối cổ châu Hoan, châu Ái, nay là các tỉnh Thanh Hoá, Nghệ An, từ xa xưa đã tồn tại một dòng võ đặc dị của người Việt. Đời nối đời, dòng võ này đã trở thành một môn phái võ thuật ngày nay mang tên Nhất Nam. Người xưa còn gọi dòng võ này là võ Hét, hoặc Héc (theo khẩu âm địa phương). Lớp trước truyền lại lớp sau, kế thừa và sáng tạo, môn quyền thuật tiền thân của Nhất Nam dần trở thành một dòng võ đặc dị, có tính quy mô và tổ chức cao, với hệ thống môn công đồ sộ, hệ thống lí luận phong phú, chặt chẽ về tâm pháp, yếu pháp, kĩ pháp, toàn diện từ quyền cước, binh khí đến công phu luyện nội, ngoại, dưỡng sinh… làm nền tảng cho người theo võ học tu thân, luyện tài.

Toát lên qua đường quyền, ngọn cước của Nhất Nam là tinh thần “nhại công” (chữ Công ở đây được hiểu là bậc hoá công, tức thiên nhiên, tự nhiên…). Chưởng môn phái Nhất Nam, võ sư Ngô Xuân Bính giải thích: – Thuật biến tạo cái tinh của trời đất là Quyền. Muôn sinh mạnh bởi cái riêng. Tính hấp lực và chi tồn ở tại cái riêng, muôn vật hoá tồn cũng chính nhờ cái riêng. Từ cái ý ấy mà tinh thần của Nhất Nam bắt nhại cái mềm dai của giống dây rừng, sắc bén của cật tre nứa, xù cứng gân guốc của cội mai, nhanh nhẹn khéo léo của loài khỉ, hùng dũng vũ bão của hổ, voi, nét uyển chuyển mềm mại của báo, mèo…

Với đặc điểm nhỏ bé của người Việt, khi phải đối đầu với người phương Bắc to khoẻ, thể lực vượt trội, Nhất Nam lấy tránh né, kéo tì, triệt lực, hấp lực để phản đòn vào các huyệt đạo trên người đối thủ như cổ, mắt… và không chủ trương đối lực, đối đòn, đối chiêu… Võ sinh ta không tập theo lối cương cứng mà tập trung vào luyện công, môn công để khắc chế võ Tàu. Bài quyền Nhất Nam là một chuỗi động tác, có công, có thủ nhưng không chỉ là thế, là dũng mà phải là cái biến, cái khoáng đạt, tuỳ lúc. Nguyên lí này sau trở thành tinh diệu trong nghệ thuật quân sự người Việt: Lấy ít địch nhiều, lấy yếu thắng mạnh. Các kĩ thuật vuốt tì nhãn, văng cột tấn, vả hà bàn của vùng võ Yên Thế, gồng, bốc, vét vùng vật Hà Tây, nơm úp của đất võ Thái Bình… là kết quả có được của bao đời chống lại các thế đánh trường đao, trường thương, trường quyền… của người Trung Quốc.

Võ Nhất Nam có nguyên tắc nhưng không câu nệ, hướng về hiệu quả chứ không bị khuôn thức trói buộc, vươn đến cá tính với giá trị nhân bản riêng. Các thế tấn của Nhất Nam thường lấy động làm gốc, không chủ trương bám đất. Thế võ thường là giả công, dùng đòn liên thủ để khắc công, chống công. Cơ thể bé, chân tay ngắn nên thế thủ, thế công của Nhất Nam thường dùng kĩ thuật đánh đoản đòn, không vươn cao, vươn xa. Chưởng môn Ngô Xuân Bính, cũng như giới võ học đều thống nhất rằng Nhất Nam và những dòng võ chính của người Trung Quốc khác nhau ở hai điểm căn bản: Đó là thể chất và ý tưởng. Một đằng là lối cách của người nhỏ bé, không thể khuếch trương, lấy cái thực lực của kẻ yếu làm chính nên không có lề luật. Một đằng là lối cách của kẻ mạnh, cơ thể to lớn, có phép tắc, có lề luật. Đòn công Nhất Nam thường ít hơn đòn thủ.

Thời nhà Hồ, bởi hiệu quả sát thương cao nên võ Hét được sử dụng ở chốn cung đình để bảo vệ vua chúa… Nhiều tay kiệt hiệt Nhất Nam đã gia nhập đội quân của hoàng đế Quang Trung khi ông hành binh qua Thanh- Nghệ, tiến ra đại phá quân Thanh. Nhiều võ sĩ của môn phái trong những trận huyết chiến đã hy sinh vì nghiệp lớn để rồi sau này võ phái lấy ngày 5 tháng Giêng, ngày Nguyễn Huệ mặt sạm đen khói súng, oai hùng trên lưng voi tiến vào Thăng Long thành sau khi phá tan 28 vạn quân Thanh, làm ngày giỗ Tổ môn…

Các võ sư Nhất Nam xưa quan niệm võ thuật không phải là bạo lực mà là đạo tu thân. Nhờ luyện võ mà người học đạt đến cái tĩnh trong tâm, bình đẳng và hoà đồng cùng thiên nhiên, vạn vật.

3. Họ Ngô Xuân ở thành Vinh (Nghệ An) là một trong những hậu duệ gia phái Nhất Nam ngày ấy. Nhất Nam là tên gọi được đặt bởi chưởng môn Ngô Xuân Bính sau khi thống nhất các chi phái, cùng hướng về cội nguồn võ Hét, hàm ý đây là môn võ thuần nhất của người Việt, không pha tạp, lai căng. Cũng chính bởi thế, nó xứng đáng được gọi là võ phái Việt Nam cổ truyền thuần khiết.

Võ sư Ngô Xuân Bính sinh ra ở Vinh nhưng lại truyền dạy Nhất Nam ở Hà Nội. Dạo ấy là cuối những năm 1970. Nhiều người theo đuổi Nhất Nam đã chọn thời điểm tập võ là… 3h sáng. Họ tập đến khi gà gáy. Lễ ra mắt làng võ của Nhất Nam diễn ra vào ngày 23-10-1983. Người theo tập Nhất Nam đông, có lúc lên tới 3 vạn, ở hầu khắp các tỉnh thành phía Bắc. Đầu năm 1990, chưởng môn Ngô Xuân Bính và một số võ sư các môn phái khác sang Liên Xô cũ theo một chương trình trao đổi văn hóa giữa hai nước. Nhất Nam nhanh chóng được tiếp nhận bởi những nét thuần Việt, không lẫn vào đâu.

Danh tiếng võ sư Ngô Xuân Bính được biết đến không chỉ như một chưởng môn phái võ thuần Việt mà còn với vai trò của một bác sĩ Đông y có tài. Sự quan tâm đến võ y Nhất Nam tại Nga đã lên tới cấp lãnh đạo cao nhất. Hiện chưởng môn Ngô Xuân Bính chữa bệnh tại Nga hoàn toàn do Văn phòng phủ Tổng thống sắp xếp. Khi các chính khách cấp cao của Nga cần được chẩn đoán, võ sư Ngô Xuân Bính nằm trong số những bác sĩ được mời. Khí công Nhất Nam là một trong bốn môn được chọn cho chương trình toàn dân rèn luyện sức khỏe ở Nga.

Thư viện võ thuật