12 phương châm tu dưỡng, hành xử của môn sinh Vovinam

Từ sau năm 1975, môn sinh Vovinam ít có cơ hội tiếp cận với kiến thức võ đạo, do vậy một số tài liệu mang tính giáo dục nhân cách cho người môn sinh cũng “vô tình” bị lãng quên!

Trong cuộc sống, không ít tình huống xảy ra rất cần sự hành xử khéo léo để mang lại kết quả tốt đẹp nhất. Vì vậy dưới đây là một trong số tài liệu có giá trị giáo dục cao của môn phái Vovinam-Việt Võ Đạo.

Cầu thủ Tây tung đòn chân 17 của Vovinam trên sân cỏ

Ý nghĩa 4 màu đai trong bộ môn Vovinam

Suốt đời người, mỗi chúng ta đều có 3 loại thắc mắc:

– Phải nghĩ gì ?

– Phải làm gì ?

– Phải làm sao được thành công?

Mỗi lần giải quyết được một thắc mắc là ta đã tìm ra một phương châm. Phương: Phương hướng; Châm : Kim. Hiểu theo nghĩa hẹp là cái kim để chỉ phương hướng mà tiến tới. Hiểu theo nghĩa rộng là xu hướng, là con đường phải đi, mà ta muốn đi. Đi đường, đôi mắt là phương châm của thân thể. Suy nghĩ, óc là phương châm để tìm tòi, lựa chọn, phân biệt. Như vậy từ mọi ngành sinh hoạt trong xã hội, từ người thợ, nhà nông, nhà buôn, tu sĩ, người lính…ai cũng có phương châm trong công việc, cho đời sống của mình để biết rằng mình phải nghĩ gì? Phải làm gì? và làm sao để thành công?

Môn sinh Vovinam cũng vậy, rất cần có phương châm để tu thân dưỡng tính, hành động và xử thể, gọi tắt là Tu dưỡng hành xử

Phương châm Tu dưỡng Hành xử của môn phái Vovinam chính là bó đuốc soi sáng con đường học võ của người môn sinh. Có thể ví: Võ thuật học được là cái xác, còn phương châm Tu dưỡng Hành xử để tiến tới một nền võ đạo là cái hồn của các môn sinh. Xác không hồn là xác chết, cũng như người học võ mà không có phương châm Tu dưỡng Hành xử là học lấy cái xác không hồn của võ thuật để trở thành võ phu thô bạo mà thôi.

Có 12 phương châm Tu dưỡng Hành xử dành cho các môn sinh Vovinam. 12 Phương châm này chia thành 4 loại, mỗi loại lại có 3 phương châm, cùng có chung một chữ đầu để dễ học, dễ nhớ và dễ thực hành. Môn sinh Vovinam cần phải thấm nhuần để áp dụng vào thực tiễn. Đó là:

– 3 phương châm bắt đầu bằng chữ LUYỆN là : Luyện thể, Luyện trí, và Luyện khí (đối với bản thân).

– 3 phương châm bắt đầu bằng chữ TẬN là: Tận tình, Tận tâm, Tận nghĩa (đối với đời).

– 3 phương châm bắt đầu bằng chữ THƯỜNG là: Thường khiêm, Thường dung và Thường liên (đối với người).

– 3 phương châm bắt đầu bằng chữ LẬP là: Lập thân, Lập chí, Lập nghiệp (đối với xã hội).

I. 3 PHƯƠNG CHÂM “LUYỆN” ĐỐI VỚI BẢN THÂN

Đối với bản thân – môn sinh Vovinam luôn luôn phải hàm dưỡng công phu tự luyện, để cố gắng bỏ xấu, thêm tốt; bỏ cái dở, thêm cái hay, để mỗi ngày thêm kiện toàn tinh tiến.

Có 3 phương châm tự luyện:

1. LUYỆN THỂ

Tức rèn luyện thân thể, bằng những phương pháp hô hấp, vận động thân thể trau dồi võ thuật.

Tại sao phải hô hấp? vì hô hấp là phương pháp tối ưu của việc điều động kinh mạch, làm cho tâm thân điều hòa, phóng khoáng. Hô hấp đúng cách sẽ làm cho tinh thần khỏi mệt mỏi, khí huyết lưu thông, sinh lực dồi dào.

Tại sao phải vận động thân thể? Chính vì thân thể con người là nguồn gốc của mọi cơ năng liên lạc, tiếp xúc với ngoại vật. Thân thể có cường tráng thì con người mới ham hoạt động và yêu đời, gạt bỏ được những ý nghĩ bạc nhược, bi quan yếm thế. Khởi đầu vận động thân thể bằng những phương pháp thể dục, thể thao thông thường. sau đó luyện thân thể bằng những phương pháp luyện “thân thép” (tức nội, ngoại công). Ngài ra muốn vận động thân thể có hiệu quả hoàn toàn, cần tiết chế những thú vui làm tổn hại đến sức khỏe.

Tại sao phải trau dồi võ thuật? Vì võ thuật là tinh hoa cao nhất của việc luyện thể. Người chưa có võ công cần học võ để biết cách vận dụng thân thể, điều động kinh mạch và biết cách ứng dụng khi lâm sự. Người có võ công rồi cũng cần luôn trau dồi võ thuật để sức khỏe và võ học của mình luôn thăng tiến.

Cho nên môn sinh Vovinam phải thường xuyên nhớ tới phương châm đầu tiên trong công việc Tu dưỡng là Luyện Thể, để ứng dụng trong mọi trường hợp, mọi hoàn cảnh.

2. LUYỆN TRÍ

Tức rèn luyện trí tuệ bằng những phương pháp: Học, tự học, tập quan sát, nhận định. Luôn tham gia những cuộc hội ý và hội thảo.

Học: Ở thầy, ở bạn, ở trường học, ở trường đời. Học ở những người giỏi hơn và cả những người kén hơn mình nữa. Nên nhớ câu thành ngữ “ăn vóc, học quen” và câu “học ăn, học nói, học gói, học mở” để nhận thức và chiêm nghiệm.

Tự học: Tức tự học một mình bằng sách vở, hàm thụ hoặc chiêm nghiệm. Từ xưa đã có biết bao danh nhân chỉ vì có chí tự học hồi nhỏ đã làm nên sự nghiệp lớn.

Tập quan sát, nhận định: Tức tập xem xét, suy nghĩ, tìm hiểu. Người quan sát, nhận định giỏi là người gây được thói quen xem xét, suy nghĩ, tìm hiểu vừa đúng vừa nhanh. Quan sát nhận định giỏi đối với người lính trên chiến trường là chỉ đảo mắt nhìn qua đã tìm thấy địch để ra tay hạ thủ trước. Quan sát, nhận định giỏi đối với người võ sĩ càng cần thiết hơn nữa vì còn cần trong cách xử sự với đời, ứng phó với nguy cơ chớ không phải chỉ dùng để thắng lợi trong trường hợp dụng võ. Quan sát và nhận định giỏi đối với người lãnh đạo chỉ huy là luôn nắm vững được các đầu mối sự việc để đi tới quyết định cuối cùng là tiên liệu việc gì tới, phải tới.

Hội ý : Là những cuộc trao đổi ý kiến của một nhóm năm, ba người.

Tất cả những phương pháp “luyện trí” trên chỉ mới giúp ta được trở thành người tài giỏi đơn độc trong xã hội. Nói theo cách nói của thời đại là lối tài giỏi “anh hùng cá nhân” của thời Trung Cổ. Ngày nay trình độ hiểu biết của loài người có tiến xa hơn, việc gì cũng tổ chức tập thể, có tính cách đại quy mô, nên không thể nào tiếp tục dùng lối sống “anh hùng cá nhân” để đi tới thành công. Phải “biết mình, biết người”, phải điều hòa cân đối giữa chủ quan với khách quan.

Muốn điều hòa chủ quan với khách quan, trước hết phải thực nghiệm bằng cách trao đổi ý kiến với bạn hữu, đồng môn hoặc thân nhân của ta. Nhưng hội ý không có nghĩa là “ba phải”, nhu nhược, thụ động mà hội ý là để thông hiểu mọi khía cạnh của sự việc, của vấn đề ta cần tìm hiểu. Khi thông hiểu rồi cần phải có một quyết định rõ ràng, sáng sủa, thẳng thắng mới tránh khỏi những tình trạng do dự, trì chậm hoặc làm việc tắc trách.

Hội thảo : Là cuộc thảo luận của nhiều người. Khi việc hội ý gồm nhiều người quá, phải tổ chức cuộc thảo luận công cộng nhiều người cùng một lúc, vừa để tiết kiệm thời gian, vừa để mọi người phát biểu ý kiến riêng để đi đến một quyết định chung. Đó là hội thảo.

Hội thảo khác với hội ý ở chỗ: Hội ý có tính cách thân mật, còn hội thảo có tính cách công cộng, công khai ở nơi công cộng, dù có hay không có một chủ đích nào đó. Điều cần phải phân biệt nữa là hội ý khác với hội thảo ở chỗ: Có những người khi nói chuyện tâm tình rất giỏi, nhưng khi phát biểu ý kiến ở giữa đám đông thì lại rất dở. Do đó muốn nuôi hoài bão lớn lao, đảm đương trọng trách thì cần phải tham dự những cuộc hội thảo và tập làm quen với cách phát biểu ý kiến ở những nơi công cộng.

Tóm lại, môn sinh Vovinam muốn luyện trí cho đầy đủ, cần phải tự trau dồi bằng cách: Học, tự học, tập quan sát, nhận định, đồng thời phải thực tập những điều đã học hỏi được bằng cách hội ý và hội thảo.

3. LUYỆN KHÍ

Tức rèn luyện thần khí để tâm, thân luôn thanh thản, sáng suốt khi tìm hiểu và nhận xét sự việc.

Những bậc thánh nhân đạt được tới mức độ sáng suốt, quán thông được mọi sự việc, ngoài việc tiết chế dục vọng, còn một công phu hàm dưỡng thần khí tới cao độ.

Phương pháp tu dưỡng thần khí gồm có:

– Cố tránh những cảm xúc, tình cảm bộc phát trong đời sống, có 7 tình cảm, cảm xúc gọi là: Hỷ (mừng), Nộ (giận), Ai (buồn), Lạc (vui), Ái (yêu), Ố (ghét), Cụ (sợ).

Chúng ta chỉ là thường nhân, không phải là thánh nhân, nên không thể tiệt duyệt được những tình cảm, cảm xúc nêu trên,. Tuy nhiên chúng ta có thể cố gắng tiết chế những tình cảm, cảm xúc quá độ. Châm ngôn ta có câu “quá giận mất khôn” chính là trường hợp này.

– Đã cố gắng tiết chế những tình cảm, cảm xúc quá mạnh rồi, ta còn

cần phải biết lắng tâm tư gạn cho trong, lọc cho hết những tư tưởng hỗn tạp trong lòng, để thần khí được thanh thoát và sáng suốt mà giao cảm với vạn vật. Sau đó chúng ta còn tiếp tục vận dụng:

+ Về tinh thần: Vận dụng óc tổng hợp và phân tích kết hợp mổ xẻ sự việc.

+ Về thể chất : Tự luyện một lối sống điều độ từ ăn, ngủ, làm việc cùng luôn điều dưỡng sức khỏe bằng mọi cách để có thể chống đối với mọi thay đổi của thời tiết và tật bệnh.

Tóm lại, luyện khí là phương pháp quay nhìn vào tâm thể, nhằm mục đích rèn luyện cho thần khí được luôn thanh thản, sáng suốt, bình tĩnh để hành xử trong mọi trường hợp, mọi hoàn cảnh.

II. 3 PHƯƠNG CHÂM “TẬN” ĐỐI VỚI ĐỜI

Cố gắng tự luyện về Thể, Trí và Khí. Người môn sinh Vovinam còn cần đối xử tận tình, tận tâm và tận nghĩa đối với đời để cuộc sống có ý nghĩa hơn, hiểu người hơn và có nhiều người thông cảm thương mến ta hơn trong cuộc sống. Có thế người môn sinh Vovinam mới thu được thành công trong việc truyền bá tinh thần Việt võ đạo với quần chúng và phản ánh được tinh thần tự giác, vị tha, nghĩa hiệp, dũng cảm, hướng thượng của môn phái Vovinam.

Có 3 phương châm để đối xử với đời.

1. Tận tình: Tức đối xử với tất cả cảm tình đôn hậu mà mình có. Muốn thế phải yêu đời. Phương châm này áp dụng vào thực tế, có 4 trường hợp đối đãi:

– Trường hợp 1: Tận tình với thân hữu là luôn luôn giúp đỡ bạn bè với tình tương ái. Tình tương ái ở đây là yêu kính lẫn nhau, không quản ngại những hy sinh, thua thiệt để tình cảm càng ngày càng đằm thắm hơn.

– Trường hợp 2: Tận tình với đồng môn. Đồng môn là các bạn võ trong một môn phái, những người bạn cùng mình đứng chung trong một hệ phái võ thuật và thờ chung một lý tưởng võ đạo. Đối với các đồng môn, người môn sinh Vovinam luôn giữ vững tinh thần đồng cam cộng khổ, tức cùng nhau chia sẻ những vui buồn, vinh nhục của môn phái mình trong mọi trường hợp hành xử.

– Trường hợp 3: Tận tình với các võ hữu. Võ hữu là danh từ gọi chung những người bạn võ của mình. Ở đây, võ hữu là những người bạn võ thuộc các võ phái khác, tuy không đứng chung một môn phái với mình nhưng cũng là những người bạn theo đuổi một mục đích võ học nào đó như mình.

Với các võ hữu, người môn sinh phải cần nêu cao tình tương liên, tức cùng kết liên giúp đỡ lẫn nhau để cùng sát cánh nhau giúp đời.

– Trường hợp 4: Tận tình với đời. Đời tức cuộc đời bao gồm những thành phần xã hội, vì xã hội có tốt, có xấu, nên người đời cũng có trăm nghìn tính tình khác nhau. Người đời không phải là bậc thánh, cũng không phải là loại quỷ dữ, nên ai cũng có những tính tốt, tính xấu. Đối với tính tốt ta khích lệ, đối với tính xấu ta giúp họ sửa đổi với tình cảm đôn hậu, đó là đối xử tận tình.

Muốn đối xử tận tình với đời, ta luôn giữ vững lòng từ ái, yêu thương tất cả mọi người bằng những ngôn ngữ, cử chỉ và thực tế.

Tóm lại phương châm “tận tình” áp dụng trong cách hành xử với đời là: Tương ái với thân hữu, đồng cam cộng khổ với đồng môn, tương liên với võ hữu và từ ái đối với đời.

2. Tận tâm: Tức đối xử hết lòng với bạn và với đời. Đã đối xử tận tình còn phải đối xử tận tâm nữa. Có những người đối xử tận tình nhưng không tận tâm giúp đỡ nhau.

Tận tình bộc lộ ra ngoài, tận tâm lắng đọng bên trong. Tận tình bộc lộ trong một lúc, một trường hợp, một hoàn cảnh. Tận tâm lắng đọng mãi mãi trong sự sâu kín của tâm hồn. Do đó tình cảm khi càng vào sâu càng âm thầm, kín đáo, sâu sắc. Điều cần phân biệt là người môn sinh Vovinam không phải là người tu sĩ hay nhà hiền triết sống trong tháp ngà suy tưởng, mà là người thực tế, người hành động, nên phải áp dụng tính tình tốt kia vào hành động, vào thực tế.

Phương châm “Tận tâm” khi áp dụng vào thực tế cần có 3 đức tính: Chí thành, chí tín và chí công.

– Chí thành: Là lúc đối đãi bao giờ cũng lấy sự thật làm căn bản. Nên nhớ: Kẻ giả dối chỉ có thể thành công nhất thời. Người thành thật thành công trường cửu. Giả dối chỉ là lâu đài xây trên cát, còn sự thật là cây đại thụ bắt rễ vào trong lòng người.

– Chí tín: Là lúc nào cũng trọng lời hứa, lời nói. Thà không nói, không hứa, nhưng khi đã nói, đã hứa là phải làm. Đó là chí tín. Người có đức chí tín thì luôn luôn gây được niềm tin trong lòng mọi người chung quanh, đó là một trong những bí quyết thành công.

– Chí công: Là lúc nào cũng trọng công bằng, chánh trực, luôn luôn coi mọi người như nhau, đối xử công bằng với mọi người, không để tình riêng chen vào việc đối đãi chung.

Người có đức chí thành rồi còn phải giữ đức chí tín nữa, vì chí tín là mặt ngoài của sự đối xử thành thật trong việc giao dịch với mọi người. Chí tín rồi phải giữ đức chí công nữa, vì chí công là cách cư xử đối đãi trong mọi trường hợp.

Tóm lại, phương châm: “Tận tâm” vừa hàm dưỡng những đức tính, vừa ứng dụng những đức tính này vào hành động, vào thực tế. Phương châm “Tận tâm” gồm 3 đức tính: Chí thành, chí tín và chí công.

3. Tận nghĩa: Tức đối xử có nghĩa, thủy chung với tất cả mọi người.

Phương châm này có 2 trường hợp để áp dụng:

– Trường hợp 1: Đối với bạn đời.

Những người dù thân hay sơ, không cùng chung một lý tưởng, tuy nhiên với tinh thần võ sĩ đạo, bao giờ ta cũng giữ một lòng thủy chung như nhất, không dời đổi, không phản bội bất kỳ một lý do nào và trong trường hợp nào. Bởi vậy, người môn sinh Vovinam khi giao kết, cộng tác với ai phải thận trọng ngay từ lúc đầu. Nếu trong trường hợp bất đắc dĩ phải thay đổi ý kiến, chỉ nên thay đổi ý kiến bằng sự im lặng rút lui. Chính vì lỗi tại ta nhận xét kém cỏi, đánh giá nhầm người, nhầm việc. Nên cách hay hơn hết là im lặng lùi vào bóng tối để suy nghĩ, để rút tỉa kinh nghiệm nhằm trau dồi bản lĩnh được khá hơn, giỏi hơn và nhất là để bảo toàn đức tính thủy chung.

– Trường hợp 2: Đối với những người cùng theo một lý tưởng, đặc biệt là với môn phái.

Tại sao gọi là đặc biệt? Vì môn phái chúng ta đặt căn bản trên tinh thần võ đạo, có kỷ cương rõ rệt. Kỷ cương là nền móng vững chắc xây dựng và phát huy môn phái. Ta phải nuôi dưỡng lòng thủy chung, tận tụy với môn phái song song với sự tuân phục, kính mến người trên. Người trên ở đây là những người đã đi những bước trước ta trong việc phát triển và củng cố môn phái, những người từng trải, lịch duyệt, có kinh nghiệm hành xử.

Ta thủy chung, tận tụy với môn phái tức là ta đã thủy chung và tận tụy với chính bản thân mình, với lý tưởng mà ta theo đuổi, đó là: Phục vụ dân tộc và nhân loại.

III. PHƯƠNG CHÂM “THƯỜNG” ĐỐI VỚI NGƯỜI

Sau khi tu dưỡng bản thân, rèn tập đức tính đối xử với đời, người môn sinh Vovinam phải trau dồi bản lĩnh trong việc đối xử với người. Người ở đây có thể hiểu là nhân loại.

Có 3 phương châm tu dưỡng để đối xử thường ngày với mọi người trong cuộc sống, dù thân, sơ hay không quen biết.

1. Thường khiêm: Tức là lúc nào cũng khiêm nhượng. Nói thì dễ, nhưng làm rất khó vì tuổi trẻ nhiều tự ái, thích nói nhiều hơn nghe. Vì vậy muốn đạt tới công trình tu dưỡng này, người môn sinh Vovinam phải luôn khả ái, dịu dàng nhã nhặn để luôn luôn được cảm tình thương mến của mọi người.

2. Thường dung: Tức lúc nào cũng tiếp nhận, bao bọc người kể cả đối với những kẻ thù nghịch. Luôn luôn tự vấn xem lòng mình có rộng rãi bao dung người không. Đức tính bao dung đã nẩy nở từ lòng thương yêu, tha thứ mọi người và gạt bỏ được những phán đoán khắc nghiệt. Mọi hành động cứng nhắc cùng với sự ghen ghét đố kỵ, và cũng đức tính bao dung đã biểu lộ cái hùng khí rộng lượng của người môn sinh Vovinam và cảm hóa được kẻ lầm lối trở về với đường ngay lẽ phải.

Nên nhớ: Khắt khe, xét nét người, ai mà chẳng làm được, nhưng rộng lượng bao dung thì chỉ có những người có đời sống cao thượng và phong phú mới làm nổi.

3. Thường liên: Tức luôn luôn kết liên, hòa hợp với mọi người.

Cuộc sống con người đầy dẫy những bất trắc, đổi thay, phiền não. Thực lòng hòa đồng, kết liên với nhau chưa hẳn đã thành công trên đường đời nữa là đối xử hời hợt , khinh bạc với người.

Người môn sinh Vovinam khoan dung, yêu thương người không phải ở lời nói suông là đủ, phải biểu lộ bằng hành động, bằng thái độ thoáng đạt tỏ ra mình hòa đồng, kết liên với người thực sự.

Muốn thế, phải có những hành động minh bạch, có ý thức để mọi người dễ dàng nhận thấy, nhận thức được. Có hòa đồng, kết liên với người mới tránh được sự hiểu lầm, hận thù vô nghĩa và đi đến sự tương thân, tương trợ. Tương thân tương trợ chính là hành động rõ rệt nhất của việc kết liên, hòa hợp với người.

Tóm lại phương châm “thường liên” chính là sự cụ thể hóa lòng yêu thương, bao dung người và làm cho nhân loại thông cảm, tương thân tương trợ nhau hơn. Đó chính là yếu tố quan trọng cho công cuộc an lạc xã hội.

IV. 3 PHƯƠNG CHÂM “LẬP” ĐỐI VỚI XÃ HỘI

Sau khi tu dưỡng bản thân, rèn luyện những phương châm đối xử với đời, với người. Môn sinh Vovinam luôn luôn phải có óc thực tế. Nghĩa là phải có ý niệm và tổ chức đời sống sao cho xứng đáng với danh dự người Việt võ sĩ.

Có 3 phương châm thể hiện 3 nguyện vọng trong đời sống phải thực hiện để kiện toàn công cuộc làm người. Đó là:

1. Lập thân: Nghĩa là phải xây dựng cho mình một chỗ đứng trong xã hội. Có đứng vững trong xã hội mới có thể làm thăng hoa những năng khiếu, ưu điểm về tinh thần cũng như vật chất để tự tồn. Muốn thế chúng ta phải giữ:

+ Vững về đời sống tinh thần, luôn luôn thêm tốt, bớt xấu; thêm hay, bỏ dở trong mọi trường hợp hành xử. Lầm lẫn, bị mê hoặc, bị dối gạt cũng là một trong những nhược điểm tỏ ra tinh thần không vững. Muốn thế phải luôn trau dồi tinh thần – tức những đức tính được vững vàng, phong phú

+ Vững về đời sống vật chất: Phải có một đời sống vật chất, đầy đủ, độc lập trong xã hội. Chính vì vật chất có vững vàng mới gạt bỏ được những ý nghĩ nhờ vả, ỷ lại, dựa dẫm khi hành xử để có thể giữ “độc lập” được tư tưởng, giữ “vô tư” được tinh thần, không bị chi phối bởi những vật chất tầm thường.

Hàng ngày đọc báo chúng ta thấy có biết bao nam, nữ thanh niên vì đời sống vật chất không vững nên đã tự hủy hoại thanh danh bằng những việc làm điếm nhục đến công ơn sinh thành, dưỡng dục của cha mẹ và của xã hội.

Người môn sinh Vovinam phải tâm niệm rằng: Đi đôi với đời sống tinh thần phong phú còn cần phải độc lập về đời sống vật chất nữa mới có thể lập thân được. Nhưng, ngược lại “độc lập” về đời sống vật chất không có nghĩa là tìm mọi cách để làm giàu cho bằng được rồi mới nghĩ đến đời sống tinh thần, mà cùng một lúc song song, phải nghĩ dến việc phát huy đời sống vật chất và đời sống tinh thần cũng được phong phú, vững chãi như nhau. Như thế mới thoát khỏi những ảnh hưởng xấu trong xã hội làm hư hỏng mọi công trình tu dưỡng đời sống tinh thần của chúng ta.

2. Lập chí: Là phải xây dựng cho mình có chí hướng. Vì sau khi thân đã “lập” rồi nếu không có một chí hướng cao cả để phụng sự và tiến tới, con người sẽ chẳng khác gì loài vật, chỉ ăn no, ngủ yên, yên phận.

Có chí hướng, cuộc sống của chúng ta chẳng những sẽ thú vị hơn mà còn cảm thấy được sống xứng đáng hơn với nghĩa vụ làm dân và làm người của mình.

Chí hướng của chúng ta chính là nhắm vào phục vụ dân tộc và nhân loại. Phục vụ dân tộc chính là nghĩa vụ làm dân (công dân), làm người của mình.

Chí hướng của chúng ta chính là nhắm vào phục vụ dân tộc và nhân loại. Phụng sự dân tộc là nghĩa vụ làm dân, phụng sự nhân loại là nghĩa vụ làm người. Muốn thực hiện được 2 nghĩa vụ cao cả này, người môn sinh Vovinam phải lập chí ngay từ lúc thiếu thời, càng sớm bao nhiêu càng tốt bấy nhiêu. Đó là ý hướng cao cả trong mỗi chúng ta và đó cũng là lý tưởng của môn phái Vovinam đang đeo đuổi.

3. Lập nghiệp: tức là phải xây dựng cho mình một sự nghiệp.

Tất cả những công trình của những việc làm có lý tưởng của mỗi chúng ta thâu hái được kết quả tốt đều gọi là sự nghiệp. Vì thế, sự nghiệp là phần thưởng cho mỗi cá nhân sau khi hoàn thành sứ mạng phục vụ lợi ích chung. Sự nghiệp khác với danh phận ở chỗ: Sự nghiệp là thuộc lợi ích chung còn danh phận chỉ để biểu dương tên tuổi, phận sự mà mình đang có, không nhất thiết là có thuộc lợi ích chung hay không.

Người môn sinh Vovinam cần chú ý đến sự nghiệp, đặt sự nghiệp lên trên danh phận. Ví dụ: Cùng là võ sư, nhưng người này có sự nghiệp còn người kia chưa có, tuy cả hai đều có danh phận là võ sư. Sự nghiệp bao giờ cũng hàm chứa những ý nghĩ tốt đẹp còn danh phận chỉ là cái cầu, sự nghiệp là một khung cảnh lớn. Do đó chúng ta cần chú trọng tới sự nghiệp hơn là chú trọng tới danh phận, vì sự nghiệp còn mãi nhưng danh phận thì có thể chỉ có tính cách nhất thời.

Muốn thế ta phải nghĩ đến việc lập nghiệp. Lập nghiệp tạo cho ta một nghị lực phi thường vượt lên những gian lao khổ hạnh để tìm hưởng hạnh phúc lâu dài.

Người tha thiết đến sự nghiệp là người có một tinh thần, ý chí và nghị lực bền bỉ, không hề kiêu hãnh khi thành công, không hề nản lòng khi thất bại. Không có một sự nghiệp nào không tổn hao mồ hôi và nước mắt (đôi khi còn có cả xương máu nữa) mới có thể thành công. Vì thế, người có chí lập nghiệp là người không bao giờ ngại khó, sợ khổ, vì hiểu rằng, muốn xây dựng sự nghiệp cần phải thắng mình trước đã.

Tóm lại, LẬP THÂN – LẬP CHÍ – LẬP NGHIỆP là 3 phương châm căn bản để người môn sinh Vovinam biết sống cho ra sống, biết hành xử hợp tình, hợp cảnh để đạt được tới một lý tưởng cao đẹp bằng công phu tu dưỡng của mình. Công phu Tu Dưỡng Hành Xử của người Việt Võ sĩ ¨

https://www.youtube.com/watch?v=gzqMUVW8ddY

Theo: Tài liệu bộ môn Vovinam