Đặc trưng kỹ thuật võ Việt Nam

Võ Việt Nam, từ lúc hình thành và suốt quá trình phát triển, vốn là một phương tiện của chiến tranh giữ nước và mở mang đất nước. Võ Việt Nam có đủ quyền cước lẫn binh khí (ngoài 18 loại binh khí chính, còn có 18 loại binh khí phụ), giúp cho con người Việt Nam có thể tự vệ chiến đấu tốt trong mọi tình huống.

Từ năm 1945 trở về trước, Võ Việt Nam được chia thành 3 loại. Một là Võ Kinh: võ thuật do triều đình quân chủ Việt Nam huấn luyện quân sĩ để đánh trận giữ nước. Trong lịch sử Việt Nam, nhiều triều đại đã mở Giảng Võ Đường để luyện võ cho binh sĩ, mở các khoa thi Cử nhân, Tiến sĩ võ. Hai là Võ Lâm: võ thuật phổ biến trong dân gian, vì thời xưa ngoài kinh đô, thị tứ phần đất còn lại đều là rừng núi (ý nghĩa của chữ “lâm”). Ba là Võ Gia Truyền: võ thuật lưu truyền trong các dòng họ. Hai môn phái Võ Lâm nổi tiếng cho đến hiện nay chính là môn phái võ thuật Bình Định.b8d6c53499be168.jpeg

Qua khảo sát thực tiễn võ thuật ở cả ba miền Nam, Trung, Bắc, kỹ thuật chung của các bài Võ Việt Nam đều kế thừa di sản võ thuật Việt Nam của các thế hệ cha anh. Thống kê mới nhất cho thấy chỉ riêng hai nền võ thuật Bình Định và Tân Khánh Bà Trà đến nay còn lưu giữ và truyền bá được khoảng gần 90 bài quyền và bài binh khí. Một đặc trưng chung của các bài quyền và bài binh khí trong Võ Việt Nam là bài bản nào cũng được ghi lại các đòn thế trong bài thành những bài thiệu bằng tiếng Hán Việt, theo các thể thơ quen thuộc, như: lục bát, thất ngôn bát cú, ngũ ngôn, tứ tự, song thất lục bát… Đó là chưa kể không ít bài quyền và bài binh khí còn có thêm bài phú toàn bằng tiếng Nôm, làm theo thể thơ lục bát, giúp cho người tập dễ hiểu, dễ nhớ hơn. Nói khác đi, tổ tiên người Việt Nam đã sử dụng thơ ca giúp cho người tập Võ Việt Nam dễ hiểu, nhớ lâu, giống như từng sử dụng các bài dân ca trong nhiều sinh hoạt thường nhật. Trong khí đó, thiệu của các bài Võ Trung Quốc chỉ là những câu chữ bằng từ Hán Việt rời rạc ghép lại với nhau, không có vần điệu, bởi không phải là thơ, cho nên vừa khó hiểu, vừa khó nhớ.

22(15)

Tất cả bài quyền và bài binh khí của Võ Việt Nam có độ dài vừa phải, khoảng trên dưới 3 phút đi bài. Các bài này triển khai chủ yếu hai hướng; hướng trước mặt và hướng sau lung, nghĩa là chủ trương tấn công và phòng thủ là chính. Còn hai hướng trái và phải cũng có triển khai nhằm thể hiện sự tránh, né, rồi cũng trở lại với hai hướng chính. Qua đó đã thể hiện kỹ thuật chiến đấu đặc thù của Võ Việt Nam là luôn chủ động tấn công. Trong khi đó, các bài quyền và bài binh khí của Võ Trung Quốc được triển khai ra nhiều hướng: 3 hướng, 4 hướng, 5 hướng, 8 hướng…với các đòn, thế mang đủ ý nghĩa: công, thủ, phản, biến…khá phức tạp, làm cho người học phải tập trung cao độ hơn mới có thể nhớ được so với khi học Võ Việt Nam.

Võ Việt Nam có các kỹ thuật sử dụng: quả đấm, cánh tay, ngón tay, cạnh bàn tay, ức bàn tay, mu bàn tay, đốt ngón tay, lòng bàn tay… Nhưng độc đáo nhất là các kỹ thuật sử dụng: chỏ, các đòn đánh láy… Ngoài ra, võ thuật Việt Nam còn sử dụng nhiều loại đòn đá bằng: gót chân, cạnh bàn chân, mu bàn chân, ống chân, đầu gối… Võ thuật Việt Nam cũng có sử dụng các đòn đá bay, đòn đá láy… Trong cả kỹ thuật tay và chân, Võ Việt Nam có đủ các kỹ thuật tấn công và phòng thủ, các kỹ thuật tung đòn đá và đòn đánh thuận nghịch, các kỹ thuật công thủ phản biến, các kỹ thuật thượng, trung, hạ… Đặc biệt, nếu Võ Trung Quốc thiên về nghệ thuật tạo hình và biểu dương sức mạnh qua việc thường tạo độ dừng cho các đòn đánh, đòn đá, thì Võ Việt Nam hoàn toàn ngược lại, không quan tâm đến nghệ thuật tạo hình cũng như biểu dương sức mạnh, mà luôn quan tâm đến hiệu quả của đòn đánh, ngọn đá, cho nên kỹ thuật đặc thù của Võ Việt Nam là đòn thế thường được tung ra liên hoàn, không gián đoạn, vừa làm cho đối thủ khó đỡ, khó hình dung, vừa tạo hiệu quả tốt trong công kích!

10850050_394521864049355_1918072825336573898_n

Bên cạnh quyền cước, Võ Việt Nam còn có rất nhiều loại binh khí khác nhau. Võ Việt Nam có những binh khí đánh xa như: gậy, giáo, kích, đại đao… và những binh khí đánh gần như: kiếm, đao, song câu, dao găm… Võ Việt Nam còn có những binh khí đặc thù như: cung tên, nõ ná, ám khí, phi tiêu… Tuy nhiên, theo thời gian, do nhiều yếu tố khách quan và chủ quan mà Võ Việt Nam ngày nay lưu giữ các bài bản về binh khí không nhiều. Yếu tố khách quan có thể kể như: nhà cầm quyền Pháp, sau khi bình định được các cuộc khởi nghĩa chống Pháp, đã ra lệnh cấm đoán việc tập võ, dạy võ, cũng như cấm đoán việc sử dụng các vũ khí bén nhọn, vì người Pháp thấy rằng những phong trào yêu nước của Việt Nam vốn tập hợp hầu hết những người giỏi Võ Việt Nam… Yếu tố chủ quan chính là tinh thần bảo lưu vốn quý Võ Việt Nam của các thầy dạy võ: chỉ dạy cho môn đệ phần phổ thông, còn những bí quyết thì giữ lại… Nói khác đi, Võ Việt Nam là văn hóa thể chất của dân tộc, góp phần tích cực vào việc rèn luyện kỹ năng tự vệ chiến đấu, phương cách giữ gìn sức khỏe, để học tập, lao động và chiến đấu giỏi. Hải Thượng Lãn Ông từng viết trong sách “Vệ sinh yếu quyết diễn ca” hai câu: “Tập cho máu huyết lưu thông, Tay chân lanh lợi, tinh thần thảnh thơi…

10401495_298000197034856_7268931317297940139_n

Ngoài ra, Võ Việt Nam cũng có các bài tập cao cấp, như: luyện tập khí công, nội công, ngoại công; luyện tập công kích và chữa trị những huyệt đạo trên cơ thể; các phương pháp kết hợp võ thuật và Đông y để điều trị những trường hợp bị đả thương, trập khớp… do quá trình tập luyện, thi đấu võ thuật mang lại. Đặc biệt, Võ Việt Nam cũng không thiếu các bài học về đạo đức võ thuật mà các bậc thầy võ thường áp dụng dạy dỗ cho môn sinh mang tính thực tiễn bằng những bài học rèn luyện đạo đức con nhà võ qua các câu chuyện mà những bậc thầy thường kể lại cho các thế hệ môn sinh nhằm rèn luyện những đạo đức con nhà võ, như: kiên nhẫn, bình tỉnh, can đảm, vị tha…, góp phần hình thành nhân cách cho người tập, tạo nên lớp người thượng võ biết giữ nhân, lễ, nghĩa, trí, tín, tránh được tiếng “thất phu”, “võ biền”…

Võ Việt Nam do các thế hệ người Việt sáng tạo và liên tục bổ sung qua nhiều giai đoạn, cho nên luôn thích hợp với thể tạng và tâm sinh lý của người Việt Nam. Do vậy, khi tập luyện Võ Việt Nam, người tập sẽ vẫn giữ được vẻ uyển chuyển, mềm mại của con người Việt Nam trong trạng thái bình thường, nhưng vẫn có được kỹ thuật tự vệ, chiến đấu hiệu quả!

Võ sư Hồ Tường/ Tiến sĩ Văn hóa học