Lừu Thị Duyên – tiếng khèn bay xa

(Bài dự thi “Võ thuật trong trái tim tôi” )

Đấm đi, đấm mạnh nữa lên! Tôi không kìm nổi, nhảy chồm lên, hét lạc cả giọng. Mới được hai hiệp, em đã bị đòn khá nhiều. Mặt em đỏ lại, môi rung rung, tím bầm. Tôi có cảm tưởng mắt em chỉ chực hết trận là sẽ phải nhắm ngay lại. Nhưng không, em vẫn cố nhún chân để trụ lại trước cơn bão đòn của đối thủ. Em đã không thể chiến thắng, nhưng em vẫn là niềm tự hào của Boxing Việt Nam. Em là Lừu Thị Duyên, là tiếng khèn vút cao, vươn xa của người Mông và Việt Nam.

Võ sĩ Lừu Thị Duyên (bên trái)
Võ sĩ Lừu Thị Duyên (bên trái)

Giờ em đã nổi tiếng lắm rồi, em vừa giành được chiếc HCĐ Asiad, được bao người yêu mến, chúc mừng. Giây phút hạnh phúc ngắn ngủi đó phải đổi bằng bao khó nhọc, vất vả, có lúc cận kề giới hạn sinh tử. Vậy mà cô gái dũng cảm đó vẫn vượt qua được để có ngày hôm nay.

Với bà con người Mông, việc một đứa con gái lại đi “đánh người” là một chuyện còn kỳ lạ hơn cả ăn mèn mén mà không có ớt nướng vẫn thấy ngon. 14 tuổi, em đã được phát hiện tài năng rồi đêm đêm phải ngủ xa nhà ở ký túc xá của trung tâm huấn luyện. Em phải chiến đấu với nỗi cô đơn, với giáo trình luyện tập khắc nghiệt, với những bài tập ép cân mệt mỏi, và với cả những dị nghị của người xung quanh. Hiển nhiên, gia đình đâu muốn em theo cái nghề, cái nghiệp nguy hiểm đó, phải có ý chí vững vàng lắm, em mới trụ vững được để hằng ngày được đấm những cú chát chúa vào bao cát nặng trịch.

 Lừu Thị Duyên trong phút giây xúc động vì chiến thắng
Lừu Thị Duyên trong phút giây xúc động vì chiến thắng

Chúng ta chỉ là những người hâm mộ, đâu biết đằng sau sự thành công của VĐV là sự khổ luyện gian nan thế nào. Nhìn Duyên tập mới thấy, tập luyện để đánh giải khác xa so với tập để giữ sức khỏe đơn thuần. Người bình thường tập một thì em tập gấp đôi, gấp ba. Chỉ có tập và tập, đánh và đánh, tập mãi không ngơi nghỉ, tập cho đến khi cơ bắp không chịu nổi, mồ hôi ướt mấy lần áo, đôi mắt không còn nhìn rõ nữa thì em mới nghỉ ngơi. Buộc phải giữ cân nên em phải ăn nhiều bữa, mà việc ăn uống của VĐV boxing có sung sướng gì cho cam, ăn lúc này không phải là điều vui vẻ nữa mà chỉ là việc cần thiết để bảo đảm đủ năng lượng cho cơ thể. Phải có quyết tâm lắm, em mới nhiều lần giữ được mức cân nặng quy định.

Xem Duyên thi đấu, tôi quên đi bao nỗi lo cơm áo gạo tiền mưu sinh. Những cú đánh mạnh đã làm chai đi sự mềm mại của đôi bàn tay người phụ nữ, nhưng tôi tin đó là những cánh tay đẹp nhất, cho đù nó có thô ráp, đỏ ửng thế nào chăng nữa. Cô gái mà chũng ta vẫn xem là “chân yếu tay mềm” đã xả thân vì màu cờ sắc áo, để không phụ lòng bao người hâm mộ đứng kín nhà thi đấu. Thương em bị đánh, nhưng tự hào biết bao vì khả năng của người phụ nữ Việt Nam.

Boxing là môn võ tưởng như đơn giản khi hai VĐV chỉ lao vào nhau đấm và đấm, nhưng ẩn chứa trong đó là sự thiên biến vạn hóa giữa những cú ra đòn, đỡ đòn, tránh đòn, phản đòn, tấn công dồn dập, lên công về thủ. Với thể chất của người phụ nữ, theo nghiệp boxing là một sự lựa chọn mạo hiểm. Họ chấp nhận đánh đổi nhan sắc, đánh đổi tuổi thanh xuân đẹp nhất của thời con gái để theo đuổi đam mê. Họ sống không chỉ vì bản thân mình mà còn vì người hâm mộ, vì gia đình, bạn bè, những người đặt niềm tin vào những cú đánh knock-out đối thủ. Những cú đánh đó không chỉ thể hiện sức mạnh của một con người mà còn thể hiện sức mạnh của người Việt Nam trên trường quốc tế, để chứng minh Việt Nam không còn là điểm trũng trong làng boxing châu lục, rằng boxing Việt Nam có thể đào tạo nên những nữ võ sỹ chất lượng, chiến đấu dũng cảm như những chiến binh kiên cường.

Mỗi cú đánh của Lừu Thị Duyên đều mang lại cho tôi cảm xúc lớn lao. Tình cảm đó luôn chực dâng trào mãnh liệt, đủ làm cay cay sống mũi, đủ làm nước mắt tuôn rơi, đủ làm vỡ òa sung sướng hay buồn đau vô hạn. Các võ sĩ mạnh của châu lục có thể vượt xa Duyên về đẳng cấp và kinh nghiệm, nhưng tôi luôn tin rằng lòng nhiệt huyết và tình yêu boxing của Duyên, của người hâm mộ Việt Nam thì không hề thua kém bất cứ nước nào trên thế giới. Ý chí của em là tiếng khèn mãi vút cao, bay xa của người Việt Nam.

Đinh Thành Trung (Thụy Khuê – Tây Hồ – Hà Nội)