Một môn võ – Hai người thầy

Bài dự thi Võ thuật trong trái tim tôi

Trong số tiền lương hưu nhỏ ông dành dụm để lại, ông dặn bố mẹ mỗi tháng trích một phần để nộp học phí học võ cho tôi. Tôi tiếp tục tới võ đường cùng lời căn dặn của ông…

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Một chiều mùa hè năm tôi 9 tuổi, ông nội ôm bó rọc khoai đặt xuống sân rồi cẩn thận rút ra một tờ giấy có đóng dấu đỏ chói của Ủy ban, chính giữa ghi: “Đơn xin gia nhập lớp võ cổ truyền Việt Nam võ phái Thiếu Lâm chân truyền Thái Bình”. Hai ngày sau đó, cùng với hàng chục đứa trẻ khác trong xã, tôi vận bộ võ phục đen hăm hở tham gia lớp học võ đầu tiên trong đời.

Võ thuật khi ấy giống như món ăn lạ. “Không thành tài thì học cho khỏe người”. Người ta rỉ tai nhau vậy rồi từ trẻ con tới thanh niên, con trai, con gái đua nhau học võ. Sân Ủy ban không đủ chỗ, các thầy phải mượn thêm sân kho bên nhà văn hóa để mọi người cùng tập. Tiếng hô vang cả một góc trời. Dân làng kéo nhau đi xem đông như trẩy hội. Đứa trẻ nhóc như tôi lúc ấy thấy vui biết bao.

Nhưng rồi, như người ta vẫn bảo “ngày vui ngắn chẳng tày gang”, khi những bước làm quen đã đi vào ổn định chúng tôi mới thấu hiểu học võ Thiếu Lâm thực sự là như thế nào. Ngoài những bài quyền khó, chúng tôi phải tập chạy bền, dùng hai thanh tre nhỏ quật vào cổ tay để lưu thông khí, chống đẩy bằng quyền trên đá dăm, xoạc chân căng cơ, trồng cây chuối, lộn người ngược chiều, gồng bụng để một người khác đứng lên trên… chưa kể những hôm thầy phạt đứng tấn cả giờ liền làm hai chân tê dại hôm sau chẳng thể đi đứng bình thường được.

Tiếng nô đùa trong các buổi tập dần biến mất đổi lại là những cơn đau dai dẳng, những vết bầm tím và cả những giọt nước mắt. Nhiều người bỏ cuộc. Sân tập võ dần thưa. Khi đó tôi đã hiểu rằng võ học là một chặng đường dài đầy gian nan thử thách và thực sự không dành cho những kẻ ngại khó, ngại khổ và thiếu kiên trì.

mot mon vo hai ng thay

Nhờ yêu cầu nghiêm khắc của võ Thiếu Lâm mà một đứa vốn yếu đuối và thiếu kiên nhẫn như tôi đã trở nên mạnh mẽ rất nhiều. Nếu trước đây, khi được yêu cầu chạy 5 vòng quanh sân vận động tôi chắc chắn sẽ bỏ cuộc nhưng vào mùa hè năm đó, dưới cái nắng như đổ lửa, dù gần như ngất đi khi chạm đích tôi đã mỉm cười nói với bản thân: cuối cùng thì mình đã không bỏ cuộc.

Đó là bài học lớn đầu tiên mà Thiếu Lâm dạy cho tôi: Sẽ chẳng có giới hạn nào khi bạn thực sự quyết tâm và kiên định với mục tiêu của mình.

Sau hè, lớp võ ngày càng ít đi. Trẻ con tới trường. Người lớn đi làm. Nhưng phần đông là những người chẳng thể giữ trọn cái tình với Thiếu Lâm khi phải đương đầu với thử thách. Nó diễn ra nhanh tới nỗi chỉ chưa đầy bốn tháng, lớp võ cả trăm người chỉ còn chưa đầy ba mươi học viên và tôi là nữ sinh duy nhất. Vấn đề mới nảy sinh: không bạn nam nào muốn tập đánh đối kháng cùng con gái.

Không có bạn tập, cuối cùng tôi cũng nhen nhóm ý định bỏ học. Ông nội biết chuyện. Ông khuyên tôi hãy kiên trì để ông tìm cách. Rồi ông nghĩ ra cách thật! Bằng việc “hối lộ” tên bạn học của tôi con chim chào mào ông quý nhất, hắn hứa với ông sẽ tập cùng tôi. Nhờ động viên của ông, tôi vượt qua nỗi xấu hổ vì phải tập đối kháng cùng con trai và tiếp tục theo đuổi con đường võ học của mình. Sự kiên trì đó đã được đền đáp xứng đáng khi tôi và hai bạn khác được thầy đặc cách thi vượt đai (từ đai đen lên đai xanh) và xếp riêng vào nhóm võ sinh đặc biệt. Quan trọng hơn, qua trải nghiệm của chính bản thân, Thiếu Lâm giúp tôi hiểu rằng: Chẳng có con đường thành công nào mà không thấm đẫm những giọt mồ hôi và nước mắt. Quá trình càng gian khó thì kết quả sẽ càng ngọt ngào.

Tôi học võ được hơn một năm thì ông nội mất. Trong số tiền lương hưu nhỏ ông dành dụm để lại, ông dặn bố mẹ mỗi tháng trích một phần để nộp học phí học võ cho tôi. Tôi tiếp tục tới võ đường cùng lời căn dặn của ông “Cháu cố gắng theo học với các bạn, học võ không chỉ giúp cơ thể lớn lên mà tâm hồn, trí óc cũng theo đó mà lớn lên từng ngày”.

Tôi vẫn luôn ghi nhớ lời dặn dò ấy, cho đến khi… võ đường buộc phải giải tán vì số lượng học viên quá ít.

Không có con đường nào đi đến thành công mà kkhoong thấm đẫm mồ hôi và nước mắt.
Không có con đường nào đi đến thành công mà kkhoong thấm đẫm mồ hôi và nước mắt.

Bây giờ, dù đã chia tay với võ Thiếu Lâm một thời gian rất dài, các bài khẩu quyết đã quên và các thế võ không còn chính xác, nhưng lúc nào tôi cũng tâm niệm một điều “chính Thiếu Lâm đã góp phần xây dựng lên nhân cách và con người tôi như hôm nay.

Cảm ơn ông nội và Thiếu Lâm – hai người thầy lớn của tuổi thơ đã dạy tôi những bài học sâu sắc về cuộc sống cũng như những đạo lý làm người.

Nguyễn Thị Huyền Thu/ Từ Liêm, Hà Nội