Võ thuật giúp tôi trưởng thành

(Bài dự thi “Võ thuật trong trái tim tôi” đợt 2)

Tôi là một người yêu võ thuật từ nhỏ, chính xác hơn là từ khi tôi biết xem phim. Hồi còn nhỏ để xem một bộ phim hành động, võ thuật không dễ như bây giờ, một đĩa phim xem đi xem lại, khi đó mượn nhau còn khó. May mắn là, tôi có một người anh đồng sở thích.Tôi thích nhất là phim do Thành Long,Lý Liên Kiệt hay Lý Tiểu Long diễn, tuy không trực tiếp nhưng họ đưa tôi đến với võ thuật…

 Vào hè năm lớp 6, chuẩn bị lên lớp 7, nơi tôi ở rộ lên phong trào học võ, đi đá bóng mà toàn nghe người ta nói là Karatedo với Vovinam gì đấy. Tôi nhớ nhất là câu: “Tê côn đô chỉ chân, ka ra tê đô là gồm cả tay, cả chân’’. Tôi thuyết phục bố mẹ cho tham gia một lớp, thuyết phục mãi có khi đang ăn cơm khóc như trẻ con. Bố tôi thời trai trẻ có làm thợ xây ở Điện Biên, nơi đây có phong trào học võ, ông theo học một lớp ở đây gần một năm, đấm đá luyện tập toàn vào thân cây bưởi. Bố tôi kể rằng, có lần một đám thanh niên nghiện hút vào tổ thợ của bố quấy nhiễu xin tiền, ông chủ công trường sợ tái mặt còn bố tôi bình tĩnh rồi “cân” cả đám ngon lành. Tuy kể là thế nhưng bố thích tôi tập trung vào việc học văn hóa, thay vì việc học võ.Tôi vốn không khéo nịnh nhưng cố năn nỉ, một thời gian sau, bố đồng ý với điều kiện không được sao nhãng việc học. Còn mẹ tôi thì không đồng tình cho lắm.

Ảnh minh họa (Nguồn: Gentside)
 Taekwondo là môn võ tôi học vỡ lòng . Ảnh minh họa (Nguồn: Gentside)

Taekwondo là môn võ tôi học vỡ lòng bởi tôi thích sử dụng chân hơn. Lũ bạn của tôi đa phần theo học Karatedo. Nhiều đứa đi học theo phong trào mà cứ vênh vênh thách thức: “Ê, Taekwondo solo với Karatedo của tao không?’’,hay có đứa có vần điệu hơn: “Taekwondo đập bô không vỡ, Karatedo bẻ que không gãy’’. Tôi chỉ biết cười vì tôi hiểu: “Học võ không phải để phá đá thể hiện sức mạnh mà là ảnh hưởng của nó đến cách sống và suy nghĩ của mỗi chúng ta”. Trong 6 tháng kết thân với câu lạc bộ gần nhà, tôi học được nhiều, guyver kick là đòn đá tôi thích nhất. Thầy nói tôi cùng một bạn nữa có năng khiếu, thầy sẽ xin cho vào đại học thể dục thể thao. Những ngày tháng làm quen với võ thuật ấy, tôi không bao giờ quên. Cuối kỳ 1 năm lớp 7, tôi không còn được học sinh giỏi như những năm trước nữa, bố mẹ yêu cầu tôi dừng việc học võ lại, tập trung cho việc học văn hóa, khi đó, tôi chỉ muốn khóc, khóc thật to.

Thời gian qua thật nhanh, năm nay đã là lớp 12, không còn thời gian cho nhiều lựa chọn.Tôi cảm thấy có chút hối tiếc giá như ngày ấy tôi giải thích với bố mẹ rõ ràng hơn, sắp xếp thời gian hợp lý hơn, tôi không quá sao nhãng việc học văn hóa…nhưng cũng nhờ những ngày ấy mà giờ đây tôi mạnh mẽ hơn, dám làm điều mình muốn, dám yêu, dám ghét…

Tình yêu võ thuật của tôi chưa và sẽ không bao giờ hết. Một thói quen được tôi hình thành.Mỗi tối trước khi đi ngủ, tôi cố gắng dành chút thời gian cho việc luyện tập võ thuật, bố tôi thường gọi đùa rằng, tôi đang “xay ngô” do tôi tập bụng bằng con năn tự chế. Tôi tin võ thuật mang hiệu quả “2 trong 1”, vừa dùng phòng thân, vừa tăng cường sức khỏe.Có lần tôi gặng hỏi một cô bạn nữ cùng khối xem cô ấy thích một anh chàng giỏi võ, thích quan tâm đến người khác  hay một anh chàng thư sinh biết kiếm tiền, cô bạn nũng nịu không muốn trả lời. Nhưng tôi đã biết đáp án. Thêm một lý do nữa để yêu võ thuật.

Võ thuật với tôi là vậy! Tôi chưa bao giờ mất niềm tin vào cuộc sống nhờ võ thuật. Mỗi khi gặp khó khăn trong cuộc sống tôi thường tự nhắc mình triết lý mà nó bắt nguồn từ võ thuật: “Nếu anh học được cách thay đổi, anh sẽ không bao giờ thất bại’’.

Nguyễn Văn May (Từ Sơn – Bắc Ninh)