Quyền Anh thế kỉ 21 là sân chơi của rất nhiều tên tuổi lớn làm cho môn thể thao này càng trở nên chật chội. Thế nhưng để gọi xem ai là vị vua thật sự của môn thể thao này thì chẳng có quá nhiều cái tên xứng đáng. Trong số những cái tên ít ỏi này, người thật sự được công nhận là ông hoàng, là kẻ độc tôn trị vị môn thể thao đấm bốc chỉ có thể là Floyd Mayweather. 

50 trận thượng đài, 50 trận toàn thắng, chưa biết mùi thất bại là gì. “Độc cô cầu bại” với Floyd Mayweather không phải chỉ là một danh xưng, 4 chữ “độc cô cầu bại” đã thể hiện tất cả những gì bạn có thể tưởng tượng về tay đấm này.

Không có bất kì tay đấm nào kiếm được nhiều tiền hơn Floyd Mayweather trong lịch sử làng quyền Anh. 21 năm thi đấu chuyên nghiệp mang về cho “Độc cô cầu bại” số tiền tổng cộng lên đến 800 triệu USD.

Thành phố Las Vegas giàu có và hoa lệ sẽ là nơi chứng kiến những bước di chuyển cuối cùng của Floyd Mayweather trên võ đài trong trận so găng với Conor McGregor. Đó cũng là địa điểm tay đấm 42 tuổi rong ruổi mỗi cuối tuần để tiêu những khoản tiền lên đến hàng chục nghìn USD.

Thế nhưng, ít ai biết rằng, từ Las Vegas đi về phía đông hơn 2.500 km, khu ổ chuột Grand Rapids, đầy rẫy bạo lực và súng đạn, mới là nơi nuôi dưỡng tuổi thơ của “Độc cô cầu bại”.

CHẾT HỤT NĂM 1 TUỔI

Floyd Mayweather sinh năm 1977, anh lớn lên trong gia đình có truyền thống Quyền Anh. Bố anh cũng là một tay đấm hạng trung nhưng sự nghiệp chẳng mấy nổi bật. Lý do thượng đài của ngài Floyd “lớn” là để tìm nguồn thu nhập, trang trải chi phí cho gia đình. Tuy nhiên, tài năng có hạng của cha Mayweather khiến ông phải chọn ngã rẽ sang buôn ma túy nhằm nuôi sống vợ con.

Năm 1979, chỉ bốn tháng sau trận chiến oanh liệt với Sugar Ray Leonard, Floyd “lớn” gây sự với Baboon, người em rể của mình, tại sân trượt băng. Khi Baboon quay trở lại ngôi nhà mà cả hai cùng sống chung, ông ta mang theo một khẩu súng shotgun 20 gauge và ánh mắt hình viên đạn.

Trước cái chết cận kề, ông Mayweather Sr vội lấy cậu con trai nhỏ bé làm lá chắn. “Nếu cậu muốn giết tôi, cậu hãy giết luôn con của tôi đi”. Cha Mayweather đặt cậu trước hai chân và nói với ông Baboon. Tiếng súng khô khốc vang lên. Viên đạn từ khẩu súng găm trúng vào đùi trái của ông Mayweather Sr.

Tính mạng hai cha con Mayweather được giữ lại nhưng vết thương từ phát súng đó khiến sự nghiệp quyền anh của Mayweather Sr đi vào bế tắc.

Khả năng di chuyển bị hạn chế, tay đấm từng có cơ hội thượng đài với huyền thoại Sugar Ray Leonard không thể vươn lên đỉnh cao như mong muốn. Các khoản thu nhập ngày càng hạn hẹp. 7 người nhà Mayweather phải ngủ chung trong một phòng ngủ ẩm mốc và tối tăm.

“Tôi không nhớ ông đưa tôi đi đâu, làm những việc mà ông bố phải làm với người con trai như đi công viên, xem phim hay ăn kem hay không. Tôi từng nghĩ rằng, ông thích con gái ông hơn tôi. Chị ấy không bao giờ bị đánh, còn tôi thì bị đánh thường xuyên”

Hành động vào năm 1979 của ông Mayweather Sr có thể bị đánh giá là ích kỷ. Nhưng sau cùng, ông này là một người cha tốt. Không chỉ truyền niềm đam mê và trực tiếp chỉ dạy quyền anh cho con trai, Mayweather Sr còn giúp “Độc cô cầu bại” tránh xa những tệ nạn hiện hữu xung quanh.

Có mẹ nghiện thuốc phiện và dì qua đời vì lạm dụng thứ chất cấm này thật không dễ dàng. Dù vậy, Mayweather với biến cố năm một tuổi đã rèn đúc cho bản thân một sự điềm tĩnh đáng kinh ngạc.

Anh tập không mệt nghỉ, anh đấm vào bao cát, đấu với đối thủ vô hình, nâng tạ và biến bất kỳ đứa trẻ đồng lứa nào không hợp nhãn thành… quân xanh. Có một lần, cậu bé Mayweather cũng thắc mắc về tương lai, bà ngoại cậu đã đáp lại:“Không đấm bốc thì chỉ có chết đói!”. Nhận ra cuộc đời phải được diễn ra trên võ đài, cậu nhóc Mayweather tìm đến trung tâm nổi tiếng Tawsi and Pride Gyms để tập luyện.

CON ĐƯỜNG CỦA KẺ CHINH PHẠT

Cũng như bao tay đấm khác, Mayweather khởi nghiệp ở sân chơi nghiệp dư với thành tích 86 trận thắng và 4 trận thua. Từ năm 1993 – 1996, anh đã ba lần giành danh hiệu găng tay vàng ở các hạng cân 48kg, 51kg và 56kg.

Trong giai đoạn này, Mayweather thường được biết đến với kỹ năng phòng thủ cừ khôi do bố và người chú truyền dạy. Anh đã phát triển nó trở thành món đặc sản trong sự nghiệp. Thành tích ấn tượng trong nước đã giúp Mayweather lọt vào đội tuyển Mỹ tham dự Olympic Atlanta 1996.

Tuy nhiên, tay đấm sinh năm 1977 đã phải dừng bước ở bán kết trước võ sĩ người Bulgaria Serafim Todorov và đành nhận HCĐ. Đây cũng là dấu mốc đáng nhớ trong sự nghiệp của Floyd Mayweather. Bởi vì kể từ sau trận thua này, anh đã thiết lập nên một thành tích vô tiền khoáng hậu mà nhờ đó người hâm mộ nhớ đến anh với biệt danh “độc cô cầu bại”.

Bắt đầu con đường chuyên nghiệp hạng lông bằng trận ra mắt vào ngày 11/10/1996 với đối thủ Roberto Apodaca và anh đã knock-out đối thủ chỉ sau 2 ván đấu.

Trong vòng 12 năm, Mayweather đã giành đến 12 chiến thắng, trong đó hầu hết là những trận knock-out. Trận thượng đài thứ 18 trong sự nghiệp Mayweather đưa tên tuổi của anh lên một mức cao hơn với chức vô địch WBC hạng lông sau khi chiến thắng knock-out kỹ thuật trước Hernandez’s. Sau đó, Mayweather thể hiện sự thống trị của mình ở hạng lông bằng 9 chiến thắng nữa trước khi chuyển sang thi đấu ở hạng nhẹ vào tháng 4/2002.

Chiến thắng vẫn tiếp tục đến với võ sĩ người Mỹ. Anh giành thêm đai WBC trước khi tăng thêm hai hạng cân nữa vào những năm sau.

Thành công nối tiếp thành công, tháng 6/2005, Mayweather tiến lên hạng dưới bán trung để bổ sung vào bộ sưu tập danh hiệu của mình. Chiếc đai vô địch thế giới thứ 3 trong sự nghiệp sau khi hạ gục Arturo Gatti chỉ sau 6 ván đấu. Đến lúc này, việc giành chiến thắng và chinh phục các danh hiệu trở thành sở thích của tay đấm sinh ra tại Michigan.

Trong riêng năm 2006, anh đã thâu tóm 3 đai vô địch IBF, IBO, WBC và IBC ở hạng bán trung đồng thời nâng số trận thắng của mình lên con số 37. Thử thách tiếp theo trong sự nghiệp của Mayweather là chính là tay đấm huyền thoại Oscar De La Hoya trong trận đấu ở hạng cân dưới bán trung. Thêm một lần nữa, người chiến thắng là Mayweather sau 12 hiệp đấu căng thẳng. Qua đó giúp võ sĩ này giành luôn đai vô địch WBC hạng dưới bán trung từ tay của De La Hoya.

Đến năm 2012, Mayweather đã thâu tóm thêm 4 đai vô địch nữa vào bộ sưu tập danh hiệu của mình, đồng thời thiết lập trận thắng lên con số 47 trong sự nghiệp sau cuộc tái đấu với tay đấm người Argentina Maidana.

Trận đấu lớn nhất sự nghiệp của Floyd Mayweather chính là trận “đại chiến thế kỷ” với Manny Pacquiao vào năm 2015. Đây là cuộc chiến thu hút sự quan tâm của hơn 1 tỷ người trên toàn thế giới. Tại Las Vegas, Floyd Mayweather đã đánh bại võ sĩ người Phillipines bằng tính điểm sau 12 hiệp đấu.

Cũng năm đó, Floyd Mayweather chính thức nói lời giã từ sự nghiệp bằng chiến thắng thứ 49 trong sự nghiệp trước Andre Berto. Trong lịch sử thi đấu của mình, võ sĩ hạng bán trung người Mỹ chưa một lần biết tới mùi thất bại. Cảm giác duy nhất mà Mayweather biết đến chính là chiến thắng, chiến thắng và chiến thắng…

Năm 2017, Mayweather ở tuổi 40 quyết định một lần nữa trở lại sàn đấu bằng màn so găng với tay đấm của UFC Conor McGregor. “Gừng càng già càng cay”, Mayweather chứng minh anh vẫn không có đối thủ dẫu tuổi tác có thể làm chậm những bước di chuyển của anh.

VỊ VUA MIDAS CỦA LÀNG BOXING

Những thành công liên tiếp trên sàn đấu đã thực sự làm thay đổi cuộc đời của một con người có tuổi thơ cơ cực như Mayweather. Tiền thưởng kiếm được từ các trận thượng đài đã giúp anh trở thành VĐV kiếm tiền giỏi nhất trong giới thể thao. Không ngoa khi nói Mayweather chính là vua Midas – có bàn tay có thể biến mọi thứ thành hiện kim.

Mayweather dư thừa những đồng đô la. Để phô trương sự giàu có và chịu chơi của mình cho cả thế giới biết đến, siêu xe đối với Floyd Mayweather trở nên quá bình thường. Tay đấm người Mỹ sở hữu cho riêng mình chuyên cơ trị giá gần 46 triệu USD. Bên cạnh đó, anh liên tiếp có nhiều màn khoe tiền lố lăng trên trang cá nhân.

Điều đó khiến Floyd trở thành cái gai trong mắt của nhiều người. Tuy nhiên, những chỉ trích cũng như dè bĩu mà nhiều người dành cho Mayweather dường như chẳng ảnh hưởng chút nào đến tay đấm ngông cuồng này. Anh từng phát biểu rằng: “Cuộc sống này là của Mayweather. Tôi muốn sống theo cách mình muốn chứ không phải cách mà mọi người muốn”.

Dẫu sở hữu bảng thành tích ấn tượng, làng quyền Anh hơn 20 năm qua cũng chứng kiến nhiều cái tên nổi bật không kém Mayweather như anh em nhà Klitschko, Manny Pacquiao, Juan Manuel Marquez… Nhưng vì đâu “Độc cô cầu bại” lại là người kiếm được số tiền kếch xù nhất?

Câu trả lời nằm ở bản tính ngông cuồng được đánh bóng bởi đội ngũ quảng cáo hùng hậu của võ sĩ người Mỹ.

Khi sự tự tin và bất cần đã ăn sâu vào máu sau những năm tháng tuổi thơ khó khăn, Mayweather xây dựng hình tượng theo đúng hình mẫu một “bad boy” điển hình. Khoe mẽ quá lố, phát ngôn gây sốc, liên tục tạo scandal khiến dư luận sôi sục và chú ý mỗi khi thượng đài.

Hồi năm 2007, trước trận thượng đài với Oscar De La Hoya, người ta bỗng thấy “Độc cô cầu bại” và cha phát sinh mâu thuẫn trầm trọng. Tay đấm người Mỹ đăng đàn chê ông Mayweather Sr “bất tài, đố kỵ”.

Sau đó, Mayweather Sr còn suýt chuyển sang huấn luyện cho De La Hoya. Truyền thông được thể bới móc và trận đấu nóng hơn bao giờ hết. Mayweather kiếm được khoản tiền hơn 25 triệu USD, số tiền kỷ lục với một trận quyền anh khi đó.

Vậy nhưng, khi màn so tài kết thúc, hai cha con Mayweather bất ngờ giảng hòa nhanh chóng. Không có thêm sự tranh cãi nào nữa. Mọi thứ chìm vào quên lãng nhanh như cách chúng xuất hiện. Nhiều người đặt ra nghi ngờ đó là chiêu trò của “Money”.

Biết cách khuấy động, Mayweather lựa chọn những tay đấm có sức hút để tăng thêm những đồng USD chảy vào túi. Lần lượt Manny Pacquiao và Conor McGregor có cơ hội thượng đài với “Độc cô cầu bại”. Không trận đấu nào trong số trên Mayweather bỏ túi ít hơn 100 triệu USD, tức gấp 10 lần khoản tiền Wladimir Klitschko và Anthony Joshua kiếm được. Không ai làm được điều này, chỉ mình Floyd Mayweather!

Suốt sự nghiệp đã qua, Mayweather đạp lên dư luận mà sống. Anh xây một bức tường ngăn cách mình với xã hội. Anh nhẵn mặt với các trại giam, chủ yếu vì lý do đánh người. Nhưng con người thô lỗ ấy khi bước lên sàn đấu lại trở thành một kẻ khác. Khán giả có la ó yêu cầu anh đánh tích cực hơn, Mayweather cũng mặc kệ. Đối phương khích bác cỡ nào, anh cũng tỉnh bơ. Đấy là lý do Mayweather là kẻ bất khả chiến bại. Đối thủ là một cậu choai choai mới vào nghề hay một tay lão luyện, anh đối xử với họ như nhau.

Cuối cùng, dẫu cho bạn có yêu hay có ghét Mayweather thì bạn cũng phải thừa nhận một điều rằng Mayweather là người giỏi nhất. Mayweather giờ không còn thi đấu đỉnh cao, sự trỗi dậy của những tay đấm trẻ xuất sắc như Joshua có thể khiến quyền Anh hấp dẫn đôi phần. Tuy nhiên, sở hữu thành tích như Floyd Mayweather thì sẽ mất bao lâu nữa mới có người làm được? Có thể sẽ rất lâu hoặc mãi chẳng có một người nào vì đơn giản Floyd Mayweather là nhất là riêng là số một.

Hoài Phương (tổng hợp)