Một số bài thuốc võ của Thiếu Lâm

Võ thuật là một khoa học nghiên cứu sự vận động của con người trong đấu tranh để sinh tồn, cho nên nó có liên quan mật thiết với những khoa học có đối tượng nghiên cứu về con người như sinh học và y học. …Chúng ta không lạ gì các võ sư biết nắn xương, sửa gân, bắt mạch hốt thuốc trị bệnh cho môn đồ và nhân dân, không chỉ ngoại khoa mà còn chữa trị những thương tổn nội tạng, nhất là do tập luyện võ hay chiến đấu.

 Thiếu Lâm Tự: con đường truyền võ khắp dân gian

Những góc nhìn bên trong Thiếu Lâm Tự

Lịch sử chùa Thiếu Lâm còn ghi từ đời Tùy, phương trượng hòa thượng gửi sư tăng xuống núi tìm học thuốc của các danh y khắp miền của đất nước. Chính phương trượng hòa thượng Phúc Cơ đời Tống đích thân leo núi tìm cây thuốc, và đã phát triển hơn 30 cây thuốc có dược tính tăng cường thể lực cho người tập võ nghệ.

 Chúng tôi giới thiệu một số toa thuốc từ trong chùa Thiếu Lâm dùng cho luyện võ ghi chép lại trong sách “THIẾU LÂM VÕ CÔNG” (của nhiều tác giả, Nhà xuất bản Khoa học Phổ Cập, Quảng Châu phân xã, 1983).

Ảnh minh họa

 TOA THUỐC 1

– Công dụng: Làm nóng ấm cho mạch máu dãn nở, khí huyết lưu thông dễ dàng.

– Chủ trị: Trật gân khớp, tổn thương bị đánh, té, va chạm.

– Thành phần:

            . Hồng hoa       2,4 gr

            . Ngưu tất         6 gr

            . Đỗ trọng         4,5 gr

            . Chỉ xác           4,5 gr

            . Ngũ gia bì       4,5 gr

            . Thanh bì         3 gr

– Cách chế: Nấu chung tất cả cùng với 5 chén dấm và 5 chén nước cho đến khi sắc lại còn 7 phân.

– Cách dùng: Mỗi lần dùng phải hâm thuốc cho nóng, ngâm tay hay chân bị bầm dập tổn thương cho đến khi cảm thấy nóng không chịu được mới rút tay, chân ra. Nếu ở chỗ thương tổn không ngâm được, thì dùng khăn nhúng nước thuốc ấm đắp lên.

Chú ý: Người tập võ ngâm tay chân trong thuốc sau mỗi buổi tập luyện, thuốc chỉ dùng trong 33 ngày phải thay thuốc mới. Chỉ cần dùng 3 tháng nghĩa là 100 ngày là đủ, chân tay sẽ cứng cáp.

Nếu bào chế thuốc khó khăn, ta dùng nước ấm và xoa bóp cũng có tác dụng.

TOA THUỐC 2

 – Công dụng: Làm tan máu bầm, cầm đau.

 – Chủ trị: Nội tạng có máu bầm do chấn thương.

 – Thành phần:

            . Nước Sinh địa            250 cc

            . Rượu                          1 lít

            . Đơn bì                        30 gr

            . Nhục quế                   30 gr

            . Đào nhân                    30 gr (bỏ vỏ sao vàng)

 – Cách chế: Thuốc tán thành bột hòa với nước Sinh địa và Rượu, đun sôi vài lần, bắc xuống để nguội, lọc bỏ bã, chứa vào chai.

 – Cách dùng: Mỗi lần uống cốc nhỏ, chưng ấm rượu trước khi uống. Mỗi ngày uống 3 lần.

 THUỐC BỔ

 Tu luyện võ công để chiến đấu bảo vệ chánh pháp, chánh nghĩa, hễ chiến đấu là có giết chóc nên nhà chùa nới lỏng giới cấm sát sinh. Phương trượng hòa thượng Đức Thiềm có dùng thang phương gà ác tiềm trong lúc thọ bệnh lâu ngày.

 – Công dụng: Bổ huyết lợi khí

 – Chủ trị: Cơ thể suy nhược, gân nhão, mỏi mệt, chóng mặt, thở gấp, biếng ăn.

 – Thành phần:

            . Gà ác             1 con

            . Nhân sâm       1 củ

            . Đương quy     30 gr

 – Cách chế: Gà làm lông rửa sạch bụng nhồi thuốc vào khâu lại. Cho gà vào nồi đất đổ nước ninh trong hai, ba giờ.

 – Cách dùng: Như món canh ăn thịt húp nước, chia làm hai ngày. Ăn liền 3 con.

 Chú ý: Kiêng tỏi.

Trích “Sổ tay VÕ THUẬT” tháng 4/1995