Hỏi đáp – Những thắc mắc thường thấy trong võ thuật (P1)

Cũng như nhiều bộ môn khác, dù võ thuật tiềm ẩn một sức hút khó tả, thế nhưng một lời khuyên không bao giờ thừa vẫn dành cho bạn lúc này: hãy xem qua vài mục hỏi đáp trước khi thực sự xác nhận rằng mình có thể bắt đầu luyện võ thuật. Sau đây là những vấn đề thường gặp nhất:

9 câu hỏi đáp nhanh về kỹ thuật tự vệ

Chuyện xưa kể lại: Tỏ tình bằng…3 chiêu Long Hổ Hội

1. Có cần phải thực hiện bằng được xoặc chân (chữ nhất) để luyện tập võ thuật không?
Đáp: Nếu bạn cứng như khúc gỗ thì Huấn luyện viên sẽ tìm cách cải thiện khả năng xoạc chân thẳng và ngang của bạn. Thực ra không cần phải đạt đến mức xoạc chân chữ nhất để có thể luyện tập một số võ cương hoặc võ nhu như Judo, vật, Muay Thái, Aikido, Thái cực quyền.

2. Có nhất thiết phải khám sức khỏe khi tham gia vào một Câu lạc bộ võ thuật?
Đáp: Vâng. Rất cần là khác. Đối với một số Câu lạc bộ võ thuật, thể hình, Aerobic… đây là một điều kiện ắt có. Tuy nhiên có nhiều Câu lạc bộ lơ là vấn đề này. Lời khuyên của chúng tôi: nên khám loãng xương, huyết áp, hạ đường huyết, to gan, thận ứ nước, tim. Nếu việc huấn luyện đòi hỏi đạt và vượt mức vận động bình thường trong năm.

3. Làm sao để có thể tìm ra một Câu lạc bộ võ thuật gần nhà?
Đáp: Có 3 cách giải quyết:
1. Dò hỏi bạn bè, những người đang luyện tập.
2. Các tờ báo, tạp chí võ thuật.
3. Lên Internet, với công cụ tìm kiếm như Yahoo, Google… và gõ tên môn võ mình muốn tìm hiểu.

4. Có giới hạn tuổi tác cho việc luyện tập võ thuật không?
Đáp: Thưa không. Ngay cả câu nói quen miệng (đến từ các tranh hoạt hình) “từ 7 đến 77 tuổi” cũng đã lỗi thời. Tùy theo chủ thể (là người tập), môn phái, cường độ luyện tập. Chúng tôi từng quen những môn sinh Aikido hoặc Karaté, Taekwondo nhập môn vào tuổi 60 và vẫn tiếp tục ngoài tuổi 70.

5. Có nhất thiết phải có bảo hiểm khi luyện tập võ thuật không?
Đáp: Đúng ra là rất cần. Vấn đề là tổ chức và tìm ra một công ty bảo hiểm nhân thọ, tai nạn cho những người luyện võ.
Các công ty bảo hiểm rất sẵn sàng bảo hiểm cho những bộ môn ít gây rủi ro. Ngược lại với những môn như Cascadeur, các môn đối kháng tự do… các công ty bảo hiểm tỏ ra rất dè dặt.

6. Đâu là khác biệt giữa võ thuật và võ đạo?
Đáp: Đường ranh giới giữa hai danh xưng này rất phiếu diễu. Các bộ môn có chữ “đạo” (Do trong tiếng Nhật, Tao trong tiếng Hoa) đều nói lên ý dùng con đường võ để phát triển con người toàn diện.
Thế nhưng ngày nay, dưới ảnh hưởng của các môn võ đạo Nhật (Budo), hầu như mọi danh môn chánh phái đều khoác thêm chiếc áo tinh thần và tâm linh. Phải xác nhận đây là công lớn của Sáng Tổ môn Judo, ngài Jigoro Kano, người đầu tiên đưa chữ Đạo vào các môn võ (dựa theo trà Đạo, Thiền Đạo, Hoa Đạo).

7. Có thể tập nhiều môn đồng thời không?
Đáp: Tất nhiên, với điều kiện có thời gian và thể lực cần thiết. Hoàn cảnh cũng quan trọng: thể trạng yếu thì tập những môn để tăng cường thể lực, hồi phục và phát triển nguyên khí. Và như vậy có thể tập Thái Cực Quyền dưỡng sinh (là tiền đề bắt buộc của Thái Cực Quyền chiến đấu) đồng thời có thể tập Iaido, Nam Bắc phái khí công… tuy nhiên tốt nhất, nên theo một môn phái vì như vậy để định rõ tiến bộ của mình về các mặt nguyên khí, trình độ võ thuật và bản lãnh.

8. Thể hình có phải là yếu tố quan trọng nhất trong việc chọn lựa một bộ môn võ thuật hay không?
Đáp: Đại thể là đúng. Nếu bạn có vóc dáng mảnh mai, bạn cũng nên chọn những môn phái nhẹ nhành như Aikido, Thái Cực Quyền,… Nếu là người dong dỏng cao, tay chân cứng cáp thì nên chọn các bộ môn “bay nhảy” nhiều như Taekwondo, Vovinam Việt võ đạo, Whusu, Karatedo,… Nếu cơ thể bạn loại “tủ lạnh”, vai u thịt bắp thì rất thích hợp với các môn vật như Judo, Vật cổ truyền, Jiujitsu… Nhưng ngoài thể hình còn phải kể đến tính khí, tài năng (thuộc khuynh hướng nào) … Tại Pháp, võ sĩ Judo độc nhất đã hạ được Geesink là một võ sư tương đối nhỏ con (1m80) và mảnh mai so với chàng khổng lồ Geesink của Hòa Lan.

9. Cận thị có phải là một trở ngại bất khả thi cho việc học võ?
Đáp: Có sự hạn chế, nhưng không phải là trở ngại tuyệt đối. Bạn có thể sử dụng kính sát tròng thay vì kính cận thông thường. Tuy nhiên, các bác sĩ nhãn khoa khuyên các môn sinh cận thị và có võng mạc dễ bị thương tổn nên tránh tham gia các bộ môn chiến đấu với những cú đấm nặng cân vào mặt như Boxing, MMA, Full Contact, Muay Thái, …

10. Ở tuổi nào có thể bắt đầu học võ?
Đáp: Tùy từng môn phái, thông thường người ta có thể bắt đầu vào 5-6 tuổi (cho các trẻ em Tây phương) và 6-7 tuổi cho trẻ em Việt Nam. Phần lớn các môn phái đều có chương trình và phương pháp huấn luyện dành riêng cho thiếu nhi và thiếu niên (Taekwondo, Judo, Aikido, Karatedo, Vovinam Việt võ đạo,…)