Lần đầu tiên tôi nhìn thấy anh trong chương trình lễ khai mạc giải vô địch thế giới võ cổ truyền lần thứ nhất năm 2016 với bài biểu diễn đại đao.

Võ sư Tạ Anh Dũng.
Võ sư Tạ Anh Dũng.

Tôi thật sự rất ấn tượng về anh.

21 tuổi, tai nạn đã cướp đi một bên chân của anh.
Tuy nhiên với ý chí và nghị lực phi thường của con nhà võ, anh quyết không đầu hàng số phận.

Vốn đam mê võ thuật từ nhỏ, anh may mắn sinh ra trong một gia đình thuộc dòng võ cổ truyền Bình Định. Anh lại được trời phú cho một ý chí sắt đá, thông minh và chịu khó. Anh đã không bỏ cuộc dù sau tai nạn anh chỉ còn có một chân!
Anh tự đứng lên và “nhót” không ngừng nghỉ về phía trước.

Anh không chỉ trao dồi và phát triển vốn võ thuật cổ truyền mà anh được thụ hưởng từ cha ông, mà anh còn theo tập thêm nhiều môn võ thuật và thể thao khác, đặc biệt là môn bóng bàn. Một môn đòi hỏi sự kết hợp và di chuyển liên tục với độ nhuần nhuyễn cực kì cao.

Không chỉ đam mê trong phạm vi biết chơi võ, mà anh còn có khả năng và trình độ sư phạm khá tốt để huấn luyện cho người khác, không thua kém bất kỳ một võ sư, huấn luyện viên nào, nhất là chương trình võ thuật cổ truyền của phái Kim Kê Tây Sơn Nhạn.
Ngoài ra anh còn chơi thuần thục các môn như Taekwondo, Aikido, Boxing, Muay Thái và Pencak Silat, anh đã đào tạo được nhiều môn sinh, đại diện cho đội tuyển trẻ Thành phố tham dự các giải đấu trong khu vực, giành được nhiều giải thưởng cao.

Học trò của anh lên đến hàng trăm. Không chỉ các em thanh thiếu niên Việt Nam, mà còn có cả nhiều môn sinh là người ngoại quốc đã trưởng thành.

Võ sư Tạ Anh Dũng sử dụng siêu đao.
Võ sư Tạ Anh Dũng sử dụng siêu đao.

Nhiều người buổi sáng có dịp đi ngang qua Vườn Tao Đàn Quận 1, sẽ không khỏi ngạc nhiên và thán phục khi nhìn thấy người đàn ông trung niên một chân dạy võ cho Tây.

Dạy cho người Việt đã khó, mà dạy cho người ngoại quốc lại càng khó hơn. Bởi ngoài yêu cầu ngôn ngữ thì những thuật ngữ và động tác chuyên môn cần giải thích và diễn đạt, trong khi anh chỉ có một chân là không hề dễ dàng. Chưa kể đối với người ngoại quốc, để chinh phục được họ không phải là đơn giản.

Thế nhưng, không chỉ một vài anh Tây chị Đầm mà theo tôi biết thì có khá nhiều môn sinh là người nước ngoài đã đến thọ giáo với anh.

Rất nhiều bài báo đã viết về anh. Tôi không lập lại những gì các báo đã viết. Chỉ nêu lên đây một vài cảm nhận từ khi quen anh.

Trong anh luôn toát lên một nghị lực phi thường mà mọi người trong chúng ta cần học tập.

Nghị lực phi thường của vị võ sư một chân.
Nghị lực phi thường của vị võ sư một chân.

Có lẽ trời không lấy hết của ai thứ gì. Và luật bù trừ cũng là một đặc ân của thượng đế, dành cho những người kém may mắn, mất đi một phần thân thể. Vì vậy cho nên anh đã vượt qua mọi thử thách gian nan để chọn cho mình một chỗ đứng trong một xã hội mà chỉ cần dừng một giây là bị bỏ lại phía sau ngay.

Anh chẳng tàn và càng không phải phế, anh chỉ khuyết đi một phần trên cơ thể, mất chân trái, thì bù lại anh có đôi tay chắc khỏe như 2 gọng kìm đồng thời sử dụng thuần thục nhiều loại vũ khí như côn nhị khúc, tam khúc và những món binh khí cổ truyền.

Ngoài ra anh còn sở hữu các đòn thế do anh sáng tác để tự vệ, phù hợp với hoàn cảnh khuyết tật của mình như dùng nạng chống dao.

Do vậy tôi nói đùa rằng anh là một đối thủ đáng gờm khi ra tay với kẻ nào đó chỉ nhìn vào vẻ bề ngoài mà xem thường anh.

VS Tạ Anh Dũng và các học trò trong giải vô địch võ cổ truyền năm 2019 tại Bình Định.
VS Tạ Anh Dũng và các học trò trong giải vô địch võ cổ truyền năm 2019 tại Bình Định.

Với đôi tay chống đẩy hàng trăm cái mỗi lần và nhiều lần trong một buổi tập của anh, cộng với độ bật của cái chân độc nhất đã từng khiến cho nhiều du khách nước ngoài phải há hốc mồm khi chứng kiến anh tham gia cuộc thi chạy marathon được truyền hình trực tiếp tại khu vực đường Đồng Khởi, thì để bắt nạt được anh là chuyện không tưởng.

Tuy nhiên, chất phát và khiêm tốn là tính cách của người thầy dạy võ một chân này.

Không chỉ vậy, anh còn là một người đam mê môn lịch sử, chính sự đam mê này đã hun đúc trong anh một tình thần tự tôn dân tộc.

Dù mất một bên chân, và hoàn cảnh không mấy khá giả, nhưng không đành lòng nhìn những mảnh đời bất hạnh trong 3 đợt dịch vừa qua tại thành phố Hồ Chí Minh, với tấm lòng nhân ái và uy tín của mình, anh cùng các học trò trong và ngoài nước, đã thành lập một bếp ăn từ thiện, mà anh là người nhận nhiệm vụ mỗi ngày 2 bận, mang hàng trăm suất ăn đến từng ngỏ ngách cho những người vô gia cư và cơ nhỡ, không ngại khó khăn và nguy cơ nhiễm bệnh.

Cũng không ít lần anh bị xúc phạm vì tính cách nông cạn của vài cá nhân trong khi thực hiện nhiệm vụ nơi các chốt kiểm soát, nhưng anh không để bụng mà chỉ cốt sao đưa được những hộp cơm, những phần quà đến tay người cần trong lúc khó khăn là anh vui lắm rồi.
Đó là võ sư Tạ Anh Dũng.

Võ sư một chân Tạ Anh Dũng sử dụng côn tam khúc.
Võ sư một chân Tạ Anh Dũng sử dụng côn tam khúc.

Võ sư Châu Minh Hay