Đại võ sư Huỳnh Tiền – “cáo già” làng box Việt Nam

Trong làng quyền Anh, Huỳnh Tiền là một trong những cây đại thụ đào tạo ra nhiều thế hệ võ sĩ nổi tiếng. Ông được ví như một đại lão võ sư và là cột trụ sừng sững của làng đấm bốc miền Nam.

vo su huyen tien nam 1953
Võ sư Huỳnh Tiền năm 1953 – Ảnh: tư liệu gia đình cung cấp

Võ sư Huỳnh Tiền sinh năm 1916, nhỏ hơn người anh cùng cha khác mẹ là huyền thoại boxing Kid Dempsey 3 tuổi. Thuở thiếu thời, chỉ vì một sự hiểu lầm với người em Huỳnh Tiền mà có lần “ông vua” quyền Anh đã lạnh lùng tuyên bố: “Có Huỳnh Tiền thì không có Kid Dempsey!”. Cũng vì hiềm khích nên sau này lớn lên, Kid Dempsey quyết định mang họ mẹ Nguyễn Văn Phát.

Huỳnh Tiền vốn mang dòng máu chuộng võ từ cha (võ sư Huỳnh Văn Hinh) nên từ nhỏ rất say mê võ thuật, luôn mơ trở thành “dũng sĩ trừ gian diệt bạo”. Đến năm 15 tuổi, mặc dù gia đình cản ngăn nhưng Huỳnh Tiền vẫn cương quyết tầm sư học đạo. Ông lén gia đình học quyền anh với võ sư người Pháp Lepudeur, sau đó trau dồi kỹ năng cùng võ sư Cantérat. Sau 3 năm chuyên cần khổ luyện, năm 18 tuổi, Huỳnh Tiền lần đầu đặt chân lên võ đài và nhanh chóng trở thành một cánh chim lạ trên bầu trời võ thuật. Điểm khác biệt so với hai tay đấm đàn anh Kid Dempsey và Minh Cảnh chỉ biết đấu quyền anh thì Huỳnh Tiền còn giỏi cả quyền tự do. Năm 28 tuổi, Huỳnh Tiền chuyển sang thi đấu quyền ta (còn gọi là quyền tự do), từ đó tài năng của ông càng thăng tiến vượt bậc, với sự kết hợp quyền anh và quyền tự do, Huỳnh Tiền là người đầu tiên mở ra một hướng mới trong việc đào tạo võ sĩ thượng đài.

Trong quá trình thượng đài, Huỳnh Tiền từng hạ nhiều tay đấm sừng sỏ như Võ Châu Long, Hồ Thanh Xuân (Bình Định), Trần Văn Ngọ (tức Kim Sang – Quảng Ngãi), Phan Thành Sự (Bến Tre), Lý Soul, Văn Thọ (Campuchia), Văn Hoán (vô địch Bắc kỳ), Trịnh Thiếu Anh (Khánh Hòa), Trần Cơ (Hải Phòng), Lê Hữu Vĩnh (Rạch Giá), Thái Học Kỳ (Cần Thơ), Lữ Hồng Cơ (Cà Mau), Nguyễn Son (vô địch miền Tây)… Trong số các võ sĩ đương thời, chỉ có mỗi “Võ Vương” Minh Cảnh (vô địch Đông Dương) là thắng được Huỳnh Tiền một trận, còn lại cũng phải chịu 2 trận thua và một trận hòa trong tất cả 4 lần so găng.

Tuy vóc người thấp bé nhưng bù lại Huỳnh Tiền được thiên phú cho bước di chuyển linh hoạt uyển chuyển như… múa ba lê, dựa trên một nền tảng thể lực cùng sự dẻo dai đáng kinh ngạc, đặc biệt là lối thi đấu khôn ngoan, điềm tĩnh, luôn hạ knock-out đối phương ở những thời khắc ít ai ngờ tới. Chính lối thi đấu “ranh mãnh” đã đưa Huỳnh Tiền đoạt chức vô địch VN (quyền anh và quyền tự do) năm 1948, 1949, 1953, 1965, được báo chí Sài Gòn tôn vinh biệt danh “Con cáo già”, “Đệ nhất anh hùng miền Đông”, là “Cây trụ đồng sừng sững của làng đấm miền Nam” (chữ dùng của ký giả Thiệu Võ trên tuần san Thao Trường).

Sự nghiệp võ đài lừng lẫy của “con cáo già” Huỳnh Tiền tưởng chừng như một bản giao hưởng toàn những nốt thăng. Thế nhưng cũng đã có không ít “dấu lặng” khó quên đối với ông. Đó là lần thua điểm tay đấm Nguyễn Nhị trong một độ quyền tự do tại võ đài Hội An (Quảng Nam). Sau trận này, Huỳnh Tiền tuyên bố không bao giờ ra miền Trung thi đấu nữa. Tiếp nữa là vào năm 1970, ông bị Tổng cuộc quyền thuật VN phạt “cấm dạy võ và thi đấu trong một năm” do “tổ chức võ sĩ đánh cuội”, rồi lần ông bị võ sư Hồ Văn Lành (Từ Thiện) làm đơn tố cáo đã “dụ dỗ mua chuộc” nữ võ sĩ Hồ Bạch Yến về đầu quân võ đường Huỳnh Tiền (nữ võ sĩ này sau đổi võ danh là Lý Huỳnh Yến, tay đấm “độc cô cầu bại” – người sáng lập Huỳnh Võ Đạo).

Huỳnh Tiền có công phát hiện và đào tạo nhiều tay đấm sừng sỏ như Dương Văn Me, Rémy Huỳnh, Vũ Huỳnh, Đức Huỳnh, Michael Huỳnh, Hiệp Huỳnh, Vũ Bảo, Huỳnh Sơn, Lý Huỳnh… Những năm tháng cuối đời, Huỳnh Tiền sống trong bệnh tật (huyết áp cao, tim mạch), cặp mắt không còn thấy được ánh sáng và đôi tai nghễnh ngãng – di chứng từ những trận đấu năm xưa. “Con cáo già” Huỳnh Tiền đã lặng lẽ qua đời vào năm 1996 nhưng “bộ lông” (thành tích thi đấu) thì mãi mãi được vinh danh trong kho tàng lịch sử võ học nước nhà.

Theo TNO