Tiếng trống khai hội vang lên giữa sân chùa Hổ Sơn linh thiêng như một lời hiệu triệu: tinh hoa võ thuật, bản sắc dân tộc và tinh thần thể thao đang hội tụ tại Giải vô địch các đội mạnh Lân Sư Rồng toàn quốc lần thứ I năm 2025. Trong ánh nắng đầu hè Nam Định, những bước nhảy rồng lân lướt qua không trung, tạo nên bức tranh sống động và mãn nhãn về một môn thể thao mang đậm khí chất Việt.
Giải đấu thu hút gần 300 vận động viên, huấn luyện viên đến từ 9 tỉnh thành: Hà Nội, TP.HCM, Nam Định, Đắk Lắk, Khánh Hòa, Thái Nguyên, Thái Bình, Bắc Ninh và Quảng Ninh. Các đội tranh tài ở 8 nội dung phong phú, thể hiện được sự đa dạng, khéo léo và tinh thần đồng đội:

- Múa Lân địa bửu: biểu diễn trên mặt đất, tập trung kỹ thuật nhảy, xoay, giữ thăng bằng và biểu cảm.
- Mai Hoa Thung: phần thi “cân não” với những cú bật, xoay mình chính xác trên hệ thống cọc cao.
- Múa Rồng đồng đội: phô diễn kỹ thuật đội hình, phối hợp nhịp nhàng và sự sáng tạo trong bài thi.
- Song Lân tranh cầu: hai chú lân cùng thi đấu trong một không gian hẹp, tranh giành “cầu lộc” treo cao – nội dung vừa kịch tính, vừa mang tính trình diễn đặc trưng.
- Múa Lân biểu diễn tự do: nơi các đội thể hiện sáng tạo trong dàn dựng, âm nhạc và động tác khó.
Không khí thi đấu sôi nổi, tiếng trống giục giã, tiếng reo hò của khán giả hoà quyện cùng tiếng nhạc truyền thống tạo nên một đại hội thể thao đúng nghĩa: đậm chất dân gian nhưng rực lửa đua tài.

Việc lựa chọn chùa Hổ Sơn (Quảng Nghiêm Thiền Tự) làm địa điểm tổ chức không chỉ là quyết định mang tính tổ chức mà còn là một lựa chọn mang đậm tính biểu tượng. Đây là nơi thờ Công chúa Huyền Trân – nhân vật lịch sử đã hiến thân vì hòa bình đất nước. Tinh thần hy sinh, bản lĩnh, và lòng tự tôn dân tộc ấy chính là chất keo gắn kết môn thể thao truyền thống với lịch sử hào hùng của dân tộc Việt.

Phát biểu tại lễ khai mạc, Tiến sĩ Phạm Quang Long – Chủ tịch Liên đoàn Lân Sư Rồng Việt Nam – khẳng định: “Thông qua thể thao, đặc biệt là các môn truyền thống như Lân – Sư – Rồng, chúng ta muốn lan tỏa giá trị văn hóa, lịch sử tới thế hệ trẻ.”



Các tiết mục dự thi không chỉ đòi hỏi sức mạnh và sự chính xác, mà còn là câu chuyện của từng đội: về kỹ thuật luyện tập, về tinh thần đoàn kết và trên hết là niềm tự hào khi mang nghệ thuật truyền thống ra sân chơi quốc gia.


Tại khu vực khán đài, từng động tác khiến người xem trầm trồ. Đó không chỉ là màn trình diễn – đó là khoảnh khắc mà võ học, nghệ thuật và thể thao hòa làm một.

Giải đấu lần thứ I được kỳ vọng sẽ trở thành cột mốc khởi đầu cho hệ thống giải chuyên nghiệp thường niên của Liên đoàn Lân Sư Rồng Việt Nam. Từ một sân chơi đậm chất truyền thống, Lân Sư Rồng đang chuyển mình, tiếp cận giới trẻ, truyền thông hiện đại và cộng đồng thể thao rộng lớn hơn.
Thanh Thiên