Mục tiêu thành tích SEA Games 32 của thể thao Việt Nam ở Đại hội tranh tài tại Campuchia trong tháng 5 này là tối thiểu 100 HCV, con số chỉ bằng một nửa so với thành tích chúng ta giành tại SEA Games 31 trên sân nhà năm ngoái…

Thể thao Việt Nam chỉ đặt chỉ tiêu tối thiểu 100 HCV tại kỳ SEA Games 32 tới đây. Ảnh: DŨNG PHƯƠNG

Ngành thể thao đã và đang chuẩn bị các công tác về chuyên môn hướng tới SEA Games 32. Sự khẩn trương là thấy rõ khi từng bộ môn (Tổng cục TDTT) đã làm việc với các đội tuyển thể thao tại các điểm tập trung huấn luyện ở phía Bắc và lúc này, đoàn công tác của ngành thể thao do Phó Tổng cục trưởng Tổng cục TDTT đang làm việc tại các điểm tập trung huấn luyện ở khu vực phía Nam.

Chỉ tiêu mà Đoàn thể thao Việt Nam đề ra đối với thành tích chuyên môn của SEA Games 32 sẽ từ 100 tới 120 tấm HCV. Trong đó, chúng ta góp mặt ở 444 nội dung thi đấu của 30 môn, phân môn trong tổng 583 nội dung của 36 môn, phân môn tại kỳ Đại hội thể thao Đông Nam Á vào tháng 5 tới đây. Làm việc với lãnh đạo các Vụ thể thao chuyên môn thành tích cao 1, 2 (Tổng cục TDTT), các bộ môn đã báo cáo cụ thể về kế hoạch và tình hình chuẩn bị lực lượng ở từng môn tính tới thời điểm hiện tại. Trong giai đoạn chuẩn bị, thi đấu các VĐV sẽ phải đối mặt với khá nhiều khó khăn, thách thức, nhưng vẫn hướng tới mục tiêu đứng trong 3 vị trí dẫn đầu về tổng sắp huy chương toàn SEA Games 32.

Làm việc trực tiếp cùng Tổng cục TDTT vừa qua, Thứ trưởng Bộ VH-TT-DL Hoàng Đạo Cương yêu cầu ngành thể thao đẩy nhanh tiến độ triển khai các công tác chuẩn bị, hoàn thiện các kế hoạch tập luyện, tập huấn nhằm tạo điều kiện tốt nhất cho các VĐV trong tập luyện cũng như đáp ứng các nhu cầu về dinh dưỡng, thực phẩm chức năng, chăm sóc hồi phục và tạo không khí tập luyện tích cực, phấn khởi cho tuyển thủ đội tuyển thể thao quốc gia.

Mục tiêu mà Bộ VH-TT-DL giao cho ngành thể thao về công tác chuẩn bị chuyên môn để hướng tới thành tích là ở trong nhóm đầu SEA Games 32. Nếu hiểu cụ thể hơn, ít nhất chúng ta cũng phải trong 2 vị trí đứng đầu toàn Đại hội. Bởi lẽ, SEA Games 31 kết thúc chưa lâu và khi đó thể thao Việt Nam giành được 205 HCV xếp nhất toàn đoàn nên không thể mất vị thế này. Trên thực tế, chúng ta có thể lý giải những khó khăn do một số môn quan trọng không nằm trong chương trình thi đấu SEA Games 32 (bắn súng, rowing, canoeing, thể hình…) cũng như Ban tổ chức SEA Games 32 giới hạn số nội dung tổ chức và giới hạn số lượng đăng ký khi tham dự nên khó đảm bảo được kết quả tốt nhất. Tuy nhiên, con số 100 tới 120 HCV là có thể đạt được.

Kết thúc SEA Games 31, Trưởng Đoàn thể thao Việt Nam đồng thời là Phó Tổng cục trưởng Tổng cục TDTT từng chia sẻ trước báo giới rằng chúng ta đã có kết quả đáng kể và xuất sắc là 205 tấm HCV để đứng đầu giải đấu. Mặc dù vậy, thể thao Việt Nam vẫn phải nỗ lực hơn và các thực hiện tập trung, huấn luyện đào tạo theo một hướng mới, phân tách các Đại hội cụ thể thì mới có thể vươn tới các đấu trường quan trọng hơn là ASIAD và Olympic. Trong 205 tấm HCV kia, chúng ta chưa dám khẳng định cụ thể ai sẽ là người đạt được HCV ASIAD. Mà tại ASIAD 19-2022 năm nay, thể thao Việt Nam chỉ đưa chỉ tiêu khiêm tốn là từ 2 tới 5 HCV. Giành nhiều HCV SEA Games nhưng khó giành được HCV ASIAD là bài toán chúng ta vẫn chưa thể giải quyết triệt để.

Từng có ý kiến cho rằng, thể thao Việt Nam nên nhìn nhận đấu trường SEA Games là một bước đệm để từ đó tập trung tối đa cho ASIAD và các cơ hội dự Olympic. Cũng như, chúng ta phải làm tốt nhất chuyên môn ở các nhóm môn thuộc Olympic thì mới đánh giá đúng sự mạnh – yếu của một nền thể thao. Điều này không sai. Tuy nhiên, SEA Games là một đặc thù của thể thao Đông Nam Á và nếu bảo xem nhẹ thì không thể. Mỗi đấu trường đều mang lại niềm tự hào cho từng tuyển thủ khi giành được thành tích huy chương vì thế, điều nào cần thiết nhất phải nằm ở sự hoạch định các chiến lược về thể thao của nhà quản lý.

Theo SGGP Online

Nguồn: giaitri.thoibaovhnt.com.vn | Copy Link