Nhất Dương Chỉ có thật hay chỉ là danh bất hư truyền?

Mịt mờ trong đao quang kiếm ảnh, yêu hận tình thù, dưới ngòi bút của “đại hiệp” Kim Dung, Đại Lý hiện ra huyền ảo với những nhân vật thân hoài tuyệt kỹ, danh chấn võ lâm: Đoàn Chính Minh, Đoàn Chính Thuần, Đoàn Dự… Công phu thượng thừa Nhất dương chỉ, Lục mạch thần kiếm phải chăng từng xuất hiện?

 Vào tháng 6-2010, một thông tin làm chấn động những độc giả ái mộ “đại hiệp” Kim Dung: Hiệp hội Bảo vệ di sản văn hóa dân tộc tỉnh Vân Nam – Trung Quốc phát hiện 2 tấm bia đá thời Tống tại vùng Nhĩ Nguyên, châu Đại Lý. Từ 2 tấm bia này đã hé lộ thân phận một nhân vật truyền kỳ.

THÂN HOÀI TUYỆT KỸ

Một trong 2 tấm bia là “Đại Lý Quốc Bố Tiếp Cao Quan Âm” có ghi năm khắc bia “Thịnh Đức ngũ niên”, tức năm thứ 5 Thịnh Đức. Suy ra, đây là năm Canh Tý 1180 – năm trị vì của Đại Lý Tuyên Tông Công Cực Hoàng đế Đoàn Trí Hưng, tức Nhất Đăng đại sư hay Đoàn Hoàng gia, Nam Đế, Nam Tăng – nhân vật đầy sắc thái truyền kỳ, xuyên suốt trong “Xạ điêu anh hùng truyện”, “Thần điêu hiệp lữ” của Kim Dung.

Vương triều Đại Lý tuy truyền qua 22 đời vua, 11 đời tổng quản, kéo dài hơn 300 năm không hề có chiến tranh, tương ứng với các triều Bắc Tống, Nam Tống, Kim, Nguyên của Trung Nguyên nhưng hiện vật và tư liệu lịch sử rất ít. “Tống sử” chỉ chép có 602 chữ về vương triều này, hoàng lăng thì không tìm thấy. Vì thế, tấm bia được coi là di vật của Nhất Đăng đại sư nêu trên rất có giá trị.

Cổ thành Đại Lý Ảnh: INTERNET
Cổ thành Đại Lý Ảnh: INTERNET

Nhất Đăng đại sư tinh thông Phật lý, nắm cả 2 môn võ học thượng thừa là Nhất dương chỉ và Tiên thiên công, công lực thâm hậu phi phàm, đứng vào hàng “Thiên hạ ngũ tuyệt”, lại đạo cao đức trọng, cứu người quên mình. Trong “Xạ điêu anh hùng truyện”, Nhất Đăng đại sư “mặc tăng bào bằng vải thô, 2 hàng lông mi trắng dài che rủ xuống khóe mắt, mặt mũi hiền từ, tuy trong mắt ẩn chứa vẻ sầu bi nhưng thần sắc ung dung, tôn quý”. Khi Hoàng Dung nói: “Bá bá vốn là hoàng đế nước Đại Lý ở Vân Nam. Thiên Nam nhất đế, uy danh hiển hách, thiên hạ ai mà không biết?”, Nhất Đăng cười khẽ: “Hoàng gia là giả, lão tăng là giả, uy danh hiển hách lại càng giả. Cũng như tiểu cô nương ngươi cũng là giả thôi”.

Trong truyện, nguyên nhân “ngộ đạo làm sư” của Đoàn Trí Hưng liên quan đến việc Hoa Sơn luận kiếm, tranh đoạt Cửu Âm chân kinh. Giáo chủ Toàn Chân giáo là Vương Trùng Dương đến Đại Lý truyền công phu Tiên thiên công cho Nam Đế để cùng chống lại Cáp mô công của Tây Độc Âu Dương Phong. Trong thời gian đó, sư đệ của Vương chân nhân là Châu Bá Thông vì buồn bã phát cuồng đã rong chơi trong cung, gây ra chuyện động trời: tư thông với phi tần sủng ái của Đoàn Trí Hưng là Anh Cô. Đứa con của mối tình vụng trộm này bị Cừu Thiên Nhận đả thương nhằm làm Đoàn Trí Hưng hao tổn nội lực để cứu nhưng ông đã không cứu vì ghen tuông. Anh Cô tức giận giết đứa bé rồi bỏ đi.

Đoàn Trí Hưng đau đớn và hối hận, quyết định xuất gia tu hành với pháp danh Nhất Đăng. Về sau, ông chữa nội thương cho Hoàng Dung, giác ngộ Cừu Thiên Nhận. Trong “Thần điêu hiệp lữ”, Nhất Đăng giúp Tiểu Long Nữ, hóa giải hận thù với Anh Cô và Châu Bá Thông, cùng nhau tham gia bảo vệ thành Tương Dương…

TỪ TIỂU THUYẾT ĐẾN SỬ LIỆU

Kỳ thực, trong chính sử, Đoàn Trí Hưng chưa hề xuất gia mặc dù trước đó đã có 7 vị hoàng đế họ Đoàn đi tu, trong đó có ông nội là Tuyên Nhân đế Đoàn Chính Nghiêm (tức Đoàn Dự) và cha là Chính Khang đế Đoàn Chính Hưng (tức Đoàn Dịch Trường) trong “Thiên Long bát bộ”. Đoàn Trí Hưng là hoàng đế đời thứ 18 của vương triều Đại Lý, lên ngôi vào năm 1171, tại vị 29 năm, năm 1200 thì băng hà, sử dụng các niên hiệu Lợi Trinh, Thịnh Đức, Gia Hội, Nguyên Hanh, An Định. Người kế vị là Đoàn Trí Liêm.

Tuy không thoái vị xuất gia nhưng Đoàn Trí Hưng “rất sùng Phật, kiến tạo tự viện, quân thần cũng đều đốc tín Phật đà, đưa tăng vào nội cung, sáng chiều kinh kệ, không lo quốc sự”. Theo đó, trong thời gian tại vị, Đoàn Trí Hưng đã xây dựng 60 ngôi chùa, làm hao tổn tài lực quốc gia rất lớn. Bên cạnh đó, ông cũng tăng cường xây dựng hệ thống phòng thủ ở Long Thủ quan, Long Vĩ quan và đô thành Dương Thư Miết (cổ thành Đại Lý).

Còn việc Châu Bá Thông gây loạn hậu cung khiến Nam Đế xuất gia chỉ thuần là hư cấu. Châu Bá Thông người Ninh Hải, Sơn Đông, là một hào phú và là cư sĩ Toàn Chân giáo, không phải sư đệ Vương Trùng Dương.

Trong khi đó, Vương Trùng Dương (1112-1170) tên thật là Trung Phu, tự là Doãn Khanh, người Hàm Dương, Kinh Triệu (nay là Hàm Dương, tỉnh Thiểm Tây). Vương xuất thân gia đình giàu có, học hành tử tế, giỏi cả văn chương và võ nghệ, tính tình hào sảng, từng thi đậu cử nhân văn (có thuyết nói là tiến sĩ), năm 1138 đậu cử nhân võ mới đổi tên là Thế Hùng.

Năm 47 tuổi, do bất đắc chí chốn quan trường, “trời khiến cho văn võ hai đường đều bế tắc”, Vương mới khẳng khái từ quan. Ông về quê ẩn cư chốn sơn lâm, học theo Lão Trang. Năm Đại Định nguyên niên triều Kim (1161), Vương bỏ nhà cửa, lên núi Chung Nam đào 1 mộ huyệt ở trong đó mà tu luyện, gọi là “Hoạt tử nhân mộ”. Phía trên lập bia ghi rằng: “Vương Hại Phong chi mộ” – mộ của thằng khùng. Năm Đại Định thứ 7 (1167), khi “nội đan đã thành”, Vương đốt lều cỏ, cầm bình bát bằng sắt đi vân du hành đạo về phía Đông.

Khi đến vùng Ninh Hải, Sơn Đông, Vương Trùng Dương thu nhận 4 đệ tử đầu tiên đồng hương với Châu Bá Thông. Bá Thông hâm mộ mới thỉnh Vương về tư dinh, lập am “Kim Liên đường” truyền Toàn Chân giáo. Tại đây, Vương Trùng Dương hình thành cơ sở truyền giáo đầu tiên “Tam giáo Kim Liên hội”, thu nạp thêm 3 người nữa thành 7 đại đệ tử, gọi là “Toàn Chân thất tử” gồm Khưu Xứ Cơ, Đàm Xứ Đoan, Vương Xứ Nhất, Lưu Xứ Huyền, Mã Ngọc, Hác Đại Thông, Tôn Bất Nhị, dần dần tín đồ theo rất đông, hình thành Bắc tông Đạo giáo, vị thế lớn mạnh.

Vương Trùng Dương truyền đạo trong 3 năm rồi dẫn 4 đệ tử trở về Quan Trung, trên đường đi đến Khai Phong, Hà Nam thì hóa (chết). Trong các đời hoàng đế Đại Lý xuất gia, không ai có pháp danh là “Nhất Đăng đại sư” như Kim Dung viết, mà chỉ có Thực Đăng pháp sư, chính là Thượng Minh đế Đoàn Thọ Huy. “Đăng” tức là đèn, ngụ ý phá bóng tối, phá vô minh.

VoThuat.vn