Phân chia võ thuật Trung Hoa: Nam phái và Bắc phái (kì 1)

Phân loại của Võ Thuật Trung Hoa : những môn vật còn được gọi là Suất Giao, là những môn có tính chất thể thao, bao gồm : môn vật Trung Hoa, môn vật Mông Cổ, môn vật của tỉnh Vân Nam…, những môn quyền thuật có tính cách võ dũng, chứa đựng vài thế vật, binh khí và nội công; và cầm nả thuật. Phải thêm vào đó những môn khí công; thịnh hành nhất là : Trạm thung công,  Bát đoạn cẩm, Dịch cân kinh hay Dịch cân pháp, Ngũ cầm hý, Đại nhạn công, Hạc tường trang khí công…

Người Trung Hoa có hai cách phân chia Võ Thuật : một cách dựa theo địa thế, một cách dựa theo khuynh hướng.
Nam phái và Bắc phái

Một tục ngữ mà chúng ta thường nghe trong giới võ thuật Trung Hoa, là “Nam quyền Bắc thoái”. Theo tục ngữ đó, phía nam sông Trường Giang (hay Dương Tử Giang) võ phái thường dùng quyền, còn phía bắc sông Trường Giang võ phái chuộng đòn chân. Chúng ta có thể hiểu theo hai nghĩa :
– quyền thuật phương Bắc sử dụng đòn đá hơn đòn tay, còn quyền thuật phương nam dùng đòn tay hơn đòn chân;
– ngược lại với Nam quyền thuật, Bắc quyền thuật dùng chân để phát lực.

Cách phân chia này không được chính xác lắm, vì ta có thể tìm thấy vài trường hợp vượt ra ngoài lệ ấy :
– Hình Ý Quyền là một môn quyền thuật của hai tỉnh Hà Bắc và Sơn Tây, tức là ở phương Bắc, nhưng lại ít sử dụng đòn đá;

Hình Ý Quyền. Ảnh minh họa
Hình Ý Quyền. Ảnh minh họa

– môn Bát Cực Quyền cũng vậy;
– Hoàng Phi Hồng (1847-1924), danh tài Nam quyền thuật, nổi tiếng nhờ cước pháp;
– Mộc Gia, quyền thuật của tỉnh Quảng Đông, có tiếng nhờ đòn đá,
– Thái Lý Phật, một trong những danh phái tại tỉnh Quảng Đông, có rất nhiều thế đá;
– Hồng Gia, một phái khác của tỉnh Quảng Đông, dùng tấn pháp thật rộng (còn gọi là đại mã), và dùng chân để phát lực;
– môn Cẩu Quyền, Nam quyền thuật, dựa vào đòn đá để chiến đấu…

Cẩu Quyền. Ảnh minh họa
Cẩu Quyền. Ảnh minh họa

Ngoài những trường hợp trên, ta có thể nói là quyền thuật Nam phái sử dụng nhiều đòn tay hơn những môn Bắc phái. Còn võ thuật phương bắc giàu kỹ thuật hơn : ngoài những đòn đánh hay đòn đá lại có nhiều thế hất, nhiều thế cầm nả tinh xảo…
Nhưng chúng ta không nên coi tục ngữ đó như một sự phân chia chính xác. Đây là một cách vắn tắt một sự kiện bằng bốn chữ “Nam quyền Bắc thoái”.

 Hai sự phân chia khác

Năm 1911, Tinh Võ Thể Dục Hội đề nghị cách sắp xếp theo những con sông quan trọng của Trung Hoa. Cách sắp xếp đó như sau :
-những môn phái nằm trên vùng đồng bằng sông Trường Giang,
-những môn phái nằm trên vùng đồng bằng sông Hoàng Hà,
-những môn phái nằm trên vùng đồng bằng sông Châu Giang.
Vì những trao đổi văn hóa và kỹ thuật lúc xưa thường theo dòng sông mà lưu hành.

Nếu muốn được chính xác hơn, ta phải sắp xếp võ thuật Trung Hoa theo những trung tâm phát triển. Những môn quyền cùng một nơi sẽ ảnh hưởng lẩn nhau.
Những trung tâm phát triển danh tiếng của võ thuật Trung Hoa là :
-Tung Sơn tại tỉnh Hà Nam,
-Quán huyện và Lao Sơn tại tỉnh Sơn Đông,
-Thương Châu tại tỉnh Hà Bắc,
-Quảng Châu và Phật Sơn tại tỉnh Quảng Đông,
-Phước Châu tại tỉnh Phước Kiến,
-Nga Mi Sơn tại tỉnh Tứ Xuyên, vân vân…

Trung Nhất (Sưu tầm)
Theo: Nguyễn Quí Jacques và Dufresne Thomas
(Trích từ “Dictionnaire des arts martiaux chinois”, Paris, 1996)