Giai thoại về bài thơ rưng rưng khóc vợ của võ sư đất Quảng

Đằng sau chặng đường mưu sinh, theo đuổi đam mê ấy của ông, là bóng dáng người vợ thảo hiền, tận tụy. Để rồi, khi bà mất đi vì bạo bệnh, vị võ sư già đã “mượn rượu” quên sầu, làm nên bài thơ khóc thương vợ đẫm nước mắt.

Hành hiệp y thuật cứu người và mang tinh hoa võ Việt ra thế giới

Chuyện tình như cổ tích của đôi vợ chồng võ sư Trần Xuân Mẫn

Vị võ sư tài hoa

Con người mà chúng tôi nhắc đến chính là cố võ sư Trương Chưởng (SN 1899, hiệu Sơn Ẩn, tên tục Chín Chưởng), người sáng lập nên Võ đường Kỳ Sơn (Hội An, Quảng Nam).

Câu chuyện về ông được nhắc tới qua lời kể của lão võ sư Võ Kiểu (SN 1938, trú thôn Thuận An, xã Duy Nghĩa, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam, nguyên Tổng thư ký Liên đoàn Quyền thuật miền Trung), người bạn vong niên thuở cơ hàn của cố võ sư Trương Chưởng.

vo-su1
Lão võ sư Võ Kiểu (bên phải) trao đổi với PV. Ảnh: Nhâm Thân.

Nhấp ngụm trà đặc, với nụ cười đôn hậu, lão võ sư nhớ như in chuyện xưa: “Người ta nhắc đến Chín Chưởng là nhắc đến một võ sư tài hoa, không chỉ khiến mọi người mến phục ở cái tài võ thuật, cái tâm với học trò, mà còn ở cái nghĩa phu thê sâu nặng”.

Theo lời lão võ sư Võ Kiểu, từ nhỏ cố võ sư Trương Chưởng lớn lên trong một gia đình thuần nông tại huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam, có tư chất thông minh, nhanh nhẹn và đặc biệt rất ham mê học võ thuật. Để thỏa chí thuở bình sinh, sau khi từ biệt cha mẹ, ông lên đường bái sư học đạo võ.

Qua một thời gian bôn ba tứ xứ, ông về đến TP. Hội An, tỉnh Quảng Nam thuê nhà mưu sinh, ôm mộng nghiệp võ. Tại đây, ông làm trăm nghề kiếm sống, đồng thời tìm học nhiều thầy võ trong vùng. Dù không xuất thân từ con nhà võ học, nhưng vốn sẵn thật thà, thông minh cùng với tư chất cần thiết của một võ sỹ, nên ông được nhiều thầy thu nhận và truyền dạy võ công.

Trong suốt mấy chục năm miệt mài võ thuật, cố võ sư Trương Chưởng theo học khá nhiều thầy giỏi trong vùng, đặc biệt như thầy Mười Bòi với bài Lão Mai Quyền. Từ lúc trai trẻ, mặc dù khí chất hơn người nhưng bản tính ông rất khiêm tốn, kiệm lời, không ưa khoe khoang. Vì chuyện này mà nhiều người xem thường ông là hạng bất tài.

Trong làng võ Quảng Nam bây giờ vẫn còn lưu truyền một câu chuyện về cố võ sư Trương Chưởng như sau: Có lần, một võ sỹ nổi tiếng kinh qua nhiều trận lôi đài, với biệt tài giỏi chịu đòn, “mình đồng da sắt” đến nhà ông thách thức.

Sau nhiều lần không từ chối được, ông bèn đề nghị võ sỹ nọ gấp làm tư chiếc khăn trắng và đặt vào giữa hai hàm răng trước khi giao đấu. Trong chớp mắt, ông tung đòn mạnh vào mặt võ sỹ này, làm một tiếng “hự” hạ gục đối phương.

Người võ sỹ nọ lấy chiếc khăn ra, hai hàm răng nghiến chặt chịu đòn đã làm chiếc khăn thủng một dãy lỗ vòng cung, vội bái lạy Chín Chưởng ra về. Hay như chuyện ông dùng ngón đá “Bổng đả ba đào” hạ gục một thầy võ đương thời, khiến danh tiếng nổi khắp vùng.

Tuy vậy, với lòng kính cẩn bái sư, ông vẫn nhảy xuống đỡ thầy, xin lỗi và mời thầy ngồi nghỉ, uống trà. Sau lần đó, người ta không còn thấy vị này quay lại Hội An. Chưa kể, những trận “long tranh hổ đấu”, những màn tỉ võ kết thâm giao giữa ông với những cao thủ xứ Quảng đương thời cũng được giới võ học lưu truyền mãi.

Vừa học võ, vừa làm việc mưu sinh nuôi gia đình, ông còn tham gia chi bộ Thanh niên Cách mạng đồng chí hội cơ sở Hội An. Cùng với võ sỹ Hội An đương thời như cố võ sư Hà Sửu, cố võ sư Nguyễn Khê, ông hoạt động ngay từ lòng địch.

Thư từ, tin tức các tù chính trị và lực lượng cách mạng bên ngoài, thông qua các võ sỹ mà được lưu chuyển. Bên cạnh đó, với tinh thần hành hiệp trượng nghĩa, ông hết lòng giúp sức dân lành chống nạn cướp bóc của thổ phỉ và sự hà hiếp của thực dân.

Sau Cách mạng tháng Tám 1945, ông lên đường nhập ngũ theo chiến dịch Nam tiến. Về sau, đơn vị ông rút về lại mặt trận Quảng Đà, đổi tên thành Vệ quốc đoàn. Với sự dũng cảm, mưu lược qua nhiều trận đánh, ông nhận chức Đại đội trưởng đại đội 3, Tiểu đoàn 17, Trung đoàn 96, mang hàm Đại uý. Đồng thời, ông từng đảm nhiệm các chức vụ quan trọng tại mặt trận Quảng Đà như Tỉnh đoàn trưởng cảnh vệ, Giám đốc lao xá Tiên Hội, Ủy viên kinh tài xã đặc biệt Tam Kỳ.

“Mượn thơ khóc vợ”

Chia sẻ với chúng tôi về câu chuyện tình của sư phụ – sư mẫu mình, võ sư Trần Xuân Mẫn, Chủ tịch hội Võ thuật cổ truyền Quảng Nam- một trong những học trò của thầy Trương Chưởng cho biết: “Trong suốt mấy chục năm theo nghiệp võ, nghiệp binh, thầy thường xuyên rời xa gia đình, cũng như lúc bị lao tù, mọi công việc trong nhà đổ dồn lên vai người vợ trẻ. Hiểu chí hướng của chồng, bà chăm lo vẹn toàn cho gia đình, ủng hộ, động viên ông giương danh võ thuật, hành hiệp đạo nghĩa”.

Một số hình ảnh cố võ sư, Chưởng môn, Tổ sư sáng lập Võ đường Kỳ Sơn, Trương Chưởng lúc sinh thời (Ảnh chụp lại từ tư liệu do Võ đường Kỳ Sơn cung cấp).
Một số hình ảnh cố võ sư, Chưởng môn, Tổ sư sáng lập Võ đường Kỳ Sơn, Trương Chưởng lúc sinh thời (Ảnh chụp lại từ tư liệu do Võ đường Kỳ Sơn cung cấp).

Khi ấy, lúc xuống Hội An lập nghiệp, ông quen với cô gái phố Hội xinh đẹp Tiễn Thị Thìn (1903 – 1972). Mối tình đẹp dần nảy nở giữa cặp trai tài gái sắc này, để rồi một thời gian sau họ nên vợ nên chồng. Trong tình yêu cũng như cuộc sống gia đình, vợ chồng cố võ sư Trương Chưởng đương thời được mệnh danh là “duyên tình làng võ”, dẫu rằng, bà Thìn không theo nghiệp võ thuật.

Sau khi cùng chồng trải qua bao sóng gió, đặc biệt manh nha ý định thành lập Võ đường Kỳ Sơn, được xem là tâm huyết lớn nhất của ông Chưởng, thì bà Thìn lâm bệnh nặng. Từ đây, ông dành hết thời gian bên vợ chăm lo thuốc thang, cơm cháo cho vợ. Võ sư Trần Xuân Mẫn nhớ lại: “Ngày đó, mọi việc chăm sóc vợ, thầy đều tự tay làm chứ không thuê mướn bất cứ ai. Đó là ân tình mà thầy muốn đền đáp lại vợ, cho những năm tháng xa cách trước kia”.

Thế rồi, vì bạo bệnh mà vợ ông qua đời, nỗi đau khôn tả ập đến, dẫu rằng trong những năm tháng chăm sóc vợ trên giường bệnh, ông đã lường trước điều này. Đau khổ, buồn phiền cộng thêm khí chất dân dã nhà võ, nên có lần, ông đã mượn rượu trút sầu rồi ứng tác nên bài thơ nói về lòng mình. Võ sư Mẫn lặng người, đọc bài thơ xưa của thầy mình:

“Ngồi buồn uống rượu cho say/ Tưởng rằng say rượu hoạ may giải buồn/ Ai ngờ rượu uống luồn tuôn/ Nỗi buồn không giải lại vương vấn nhiều/ Từ ngày vắng mặt người yêu/ Chiếc thân nắng sớm mưa chiều sá chi/ Đêm nằm gió lộng màn vi/Tưởng hồn bạn cũ đi đi về về”.

Những suy tư nặng trĩu được bộc bạch phần nào qua những câu thơ khóc vợ của lão võ sư kinh qua bao thăng trầm cuộc sống. Vực lại cuộc sống, vượt qua đau thương, mất mát, nhớ lời vợ hiền trăng trối về việc phát triển Võ đường Kỳ Sơn, ông quyết không bao giờ uống rượu nữa. Thấy ai say rượu, ông lại nói: “Rượu đâu rượu có say người/Bởi người say rượu người cười rượu say”.

Đời sống pháp luật