Sở hữu Ngọa Long – Phượng Sồ, sao Lưu Bị vẫn “tuột tay” thiên hạ?

“Ngọa Long – Phượng Sồ, được một trong hai có thể an thiên hạ” là câu nói nổi tiếng thời Tam Quốc. Lưu Bị “kiêm đắc Long Phượng”, song thiên hạ vẫn tuột khỏi tay Thục Hán.
Bộ tiểu thuyết “Tam Quốc diễn nghĩa” của La Quán Trung mô tả Gia Cát Lượng và Bàng Thống là hai mưu sĩ hàng đầu, mệnh danh “Long Phượng”. Ẩn sĩ thời Tam Quốc Tư Mã Huy từng tán dương hai người – “Ngọa Long (Gia Cát Lượng) – Phượng Sồ (Bàng Thống), được một trong hai người, có thể an định thiên hạ”. Như vậy, Lưu Bị một tay sở hữu “cả Long lẫn Phượng”, cớ sao thiên hạ vẫn tuột khỏi tay Thục Hán?
Tam Quốc tứ đại danh sĩ

"Tam Quốc diễn nghĩa" của La Quán Trung mô tả Gia Cát Lượng và Bàng Thống là hai bậc kỳ tài số 1 Tam Quốc.
“Tam Quốc diễn nghĩa” của La Quán Trung mô tả Gia Cát Lượng và Bàng Thống là hai bậc kỳ tài số 1 Tam Quốc.

Trong “Tam Quốc diễn nghĩa” tồn tại một mối quan hệ liên đới “không bình thường” giữa 4 vị danh sĩ: Trình Dục, Từ Thứ, Gia Cát Lượng và Bàng Thống. Bốn nhân vật này được đánh giá là “có phần giống như bạn đồng môn”, nhưng sự đồng điệu của họ được cho là chỉ giới hạn trong phạm vi tư tưởng triết học: từ Pháp gia đến Nho gia, cho tới Pháp – Nho kết hợp. Cùng là những bậc kỳ tài, nhưng giữa họ lại có sự so sánh chênh lệch rõ rệt.
Thứ nhất là phạm trù thời gian. Một số nghiên cứu bình luận rằng, tiêu chuẩn của “cao nhân” là khả năng nhìn xa trông rộng, điềm tĩnh, không vội vàng “lạc vào hồng trần”. Theo đó, thứ tự “xuất sơn” của 4 nhân vật trên lần lượt là Trình Dục, Từ Thứ, Gia Cát Lượng. Bàng Thống là người có xuất phát điểm muộn nhất.
Thứ hai là phạm trù không gian. Cũng theo đánh giá trên, tiêu chuẩn so sánh chính là năng lực quản lý dựa trên phạm vi. Vì vậy mới có cách nói: nhân tài mười dặm, trăm dặm, nghìn dặm. Chiến công “đầu tay” của bộ tứ này cũng giống như vậy. Trình Dục lấy được huyện Đông A, Từ Thứ lấy Phàn Thành, Gia Cát Lượng chiếm được Kinh Châu. Bàng Thống ra tay lấy cả Tây Xuyên. Tuy nhiên, trên thực tế, thành tựu cả đời của Trình Dục, Khổng Minh lại vượt xa so với Từ Thứ, Bàng Thống. Nguyên nhân còn xuất phát từ phạm trù so sánh thứ 3 – chính trị.
Hai phạm trù so sánh đầu tiên đều dựa trên cơ sở năng lực và tư tưởng tinh thần của bản thân nhân vật. Nhưng trong “thực chiến” luôn tồn tại những người thông minh chấp nhận đi ngược lại đạo lý trung – hiếu – tín – nghĩa để đạt mục đích. Trình Dục, Khổng Minh là những mưu sĩ có “đầu óc chính trị” sáng suốt hơn so với đám Từ, Bàng. Đây cũng là nguyên nhân giúp họ có sự nghiệp xán lạn hơn 2 người còn lại. Theo những đánh giá hiện đại, Bàng Thống ngay từ đầu đã “toàn tâm toàn ý” trung thành với Lưu Bị.

Tam Quốc có câu "Ngọa Long - Phượng Sồ, được một trong hai có thể an thiên hạ".
Tam Quốc có câu “Ngọa Long – Phượng Sồ, được một trong hai có thể an thiên hạ”.

Ông gia nhập Đông Ngô nhằm mục đích “nội ứng ngoại hợp” với Khổng Minh, Từ Thứ, giúp liên minh Lưu Bị – Tôn Quyền giành thắng lợi tại Xích Bích, qua đó xoay chuyển cục diện đối với Lưu Bị, trước đó vốn rất tệ hại. Sau khi kết thúc đại chiến Xích Bích, Bàng Thống về đầu quân cho Lưu Bị. Thậm chí, ông cũng sẵn sàng “đi lên từ vị trí thấp nhất”, chứ không đem thư tiến cử của Khổng Minh, Lỗ Túc ra làm khó Lưu. Quả nhiên, “chân tài thực học” của Bàng Thống không khiến Lưu Bị thất vọng. Ngay cả Khổng Minh cũng khiêm tốn nói rằng Phượng Sồ “tài giỏi hơn mình mười lần”.

Khổng Minh tiến cử Bàng Thống, sau lại muốn phế Bàng Thống
Gia Cát Lượng giúp Lưu Bị lấy được Kinh Châu, nhưng khi đối diện với “đất dữ” Tây Xuyên cũng phải bó tay. Vừa không thể khuyên Lưu Bị “trở mặt” với Lưu Chương, lại không dám tái diễn “Xích Bích đại chiến” với Tây Xuyên, Khổng Minh buộc phải mượn cớ tới Đông Ngô viếng Chu Du để cầu cứu Bàng Thống. Về sau, Ngọa Long Khổng Minh trấn thủ Kinh Châu, trong khi Phượng Sồ Bàng Thống tấn công Tây Xuyên, hai ông trở thành tả hữu đắc lực của Lưu Bị.
So sánh thực lực giữa Bàng Thống và Gia Cát Lượng vẫn là chủ đề tranh luận không có hồi kết của các học giả đương đại. Luồng quan điểm nói Bàng Thống tài năng hơn Khổng Minh cho rằng, về võ công, Bàng Thống chỉ dùng 2 “tướng già” là Hoàng Trung, Ngụy Diên đã có thể phá vây ở Tây Xuyên. Tuy nhiên, vào thời điểm chiến dịch Tây Xuyên sắp “đại công cáo thành” thì tình hình đã xuất hiện “đột biến”. Theo nhiều tài liệu để lại, Khổng Minh đã gửi cho Bàng Thống một lá thư “đe dọa”. Gia Cát Lượng lợi dụng lòng trung thành của Bàng Thống đối với Lưu Bị cũng như sự ưu ái của Lưu đối với Bàng để khiến Lưu Bị dao động, gián tiếp dẫn tới cái chết của Bàng Thống về sau.

Ngọa Long – Phượng Sồ mâu thuẫn, Lưu Bị tiến thoái lưỡng nan

Cái chết của Bàng Thống có lỗi của Khổng Minh hay không vẫn là vấn đề còn nhiều tranh cãi.
Cái chết của Bàng Thống có lỗi của Khổng Minh hay không vẫn là vấn đề còn nhiều tranh cãi.

Trong thư gửi Lưu Bị, Gia Cát Lượng mượn chuyện “quan sát tinh tượng” lành ít dữ nhiều để khuyên Lưu Bị lui quân, trong khi Bàng Thống cũng “chiêm tinh” nhưng nêu ra quan điểm trái ngược. Vấn đề mâu thuẫn ý kiến giữa Ngọa Long – Phượng Sồ khiến Lưu Bị gặp khó khăn lớn trong việc quyết định chiến lược ở Tây Xuyên. Một mặt, Lưu rất ưu ai mưu thần quân sự tài năng Bàng Thống, mặt khác cũng vô cùng tin cẩn Gia Cát Khổng Minh “liệu sự như thần”. Về sau, để bảo toàn lực lượng, Lưu Bị đành phải quyết định lui về Kinh Châu. Để khuyên giải Bàng Thống vốn chủ chiến, Lưu Bị nói với Bàng – “Ta nằm mơ thấy thần nhân cầm thiết bổng đánh vào tay phải, ngủ dậy vẫn còn thấy đau. Liệu có phải điềm dữ chăng?”
Bàng Thống vốn tính khảng khái, đặc biệt không tin chuyện điềm báo, cho nên thẳng thắn đáp lại – “Tráng sĩ ra trận bị thương là chuyện thường, chủ công hà tất phải đa nghi chuyện mộng mị?”

“Chủ công bị Khổng Minh che mắt. Người này cũng vì không muốn Thống độc chiếm đại công nên mới cố tình khiến chủ công nghi kỵ mà thôi. Lòng nghi kỵ thành giấc mộng, chứ nào có điềm xấu gì? Thống rút ruột rút gan, mong chủ công đừng nói thêm mà nên sớm quyết ngày tiến công”. Những phát ngôn của Bàng Thống thời điểm đó được các nhà sử học đương đại đánh giá là “vượt qua tầm tri thức của thời đại”.
Tuy nhiên, khi Bàng Thống nói ra những lời khảng khái của mình, cũng là lúc lòng trung của ông đối với Lưu Bị “tuột dốc không phanh”. Phượng Sồ đã không còn muốn dốc lòng tận tụy vì Lưu nữa. Song bi kịch của ông cũng đến từ đây, bởi Bàng Thống luôn tôn sùng tư tưởng trung nghĩa, trung thành tuyệt đối.

Nhìn thấu Lưu Bị, Bàng Thống lấy cái chết để “nhượng hiền”
Trong “Tam Quốc diễn nghĩa”, các mưu sĩ thường rất ít nhắc đến cái chết trong lời thề của mình. Một khi chữ “chết” được buông ra, rất có thể nhân vật đó đã có động cơ để kết thúc sự sống. Ví dụ, Quách Gia đã nói với Tào Tháo khi bắc phạt – “Mỗ cảm kích đại ân của Thừa tướng, đến chết cũng không báo đáp hết được”. Sau đó, Quách Gia bệnh mất. Tương tự, Bàng Thống được cho là “không còn tâm huyết” với Lưu Bị, song vẫn phải sống tuân theo lý tưởng trung nghĩa mà bản thân theo đuổi. Giống với Quách Gia, Bàng Thống cũng đặt tiền đồ của quốc gia cao hơn sinh tử cá nhân.

Bàng Thống chết vì "loạn tiễn xuyên tâm" tại đèo Lạc Phượng.
Bàng Thống chết vì “loạn tiễn xuyên tâm” tại đèo Lạc Phượng.

Dù Quách Gia không biết Lưu Bị là người ra sao, song ông tin rằng đường lối chính trị Nho gia của Thục Hán là ưu tú hơn Pháp gia của Tào Tháo. Bàng Thống cũng vậy, mặc dù ông không thể xác định Gia Cát Lượng sẽ dẫn dắt Lưu Bị tới đâu trong tương lai, song ông tin tưởng “Nho – Pháp kết hợp” của Lượng cao hơn so với đường lối Nho gia của Lưu. Bàng Thống được đánh giá rất cao ở lòng trung thành.
Đây cũng chính là điểm khiến Bàng không lựa chọn con đường đấu đá với Khổng Minh, mà quyết định dùng cái chết để “nhường” Gia Cát Lượng. Động cơ của Bàng Thống được phân tích gồm một số điểm. Thứ nhất, nhằm bảo vệ tôn nghiêm của bản thân, thà “da ngựa bọc thây” chứ không “đào ngũ”. Trên lý thuyết, Bàng Thống hoàn toàn có thể vâng lời Lưu Bị và lui quân ở Tây Xuyên để bảo toàn tính mệnh, nhưng ông không làm như vậy. Đây cũng là điểm khác biệt lớn nhất trong tính cách của Lưu và Bàng.
Thứ hai, Bàng Thống vì muốn “bảo vệ” Gia Cát Lượng nên đã “đẩy” cái chết của mình về phía Lưu Bị. Bàng Thống biết được Lưu Bị vô cùng mê tín, nên mới dựa vào sự quan tâm của Lưu Bị để khiến Lưu đổi ngựa cho mình. Bàng Thống cưỡi ngựa của Lưu không chỉ “gặp nạn” chết rất nhanh, mà tội lỗi cũng đổ lên đầu Lưu Bị. Như vậy, Lưu Bị sẽ không thể khép tội Khổng Minh.
Thực chất, “thần nhân” trong giấc mơ của Lưu cho thấy Lưu Bị rõ ràng đã có sự nghi ngờ Gia Cát Lượng. Đối với Lưu, người được gọi là “thần nhân” chỉ có Gia Cát Khổng Minh.
Thứ ba, Bàng Thống chọn địa điểm “ra đi” là đèo Lạc Phượng (ngầm ý Phượng Sồ ngã xuống ở đây) cũng để an ủi Lưu Bị rằng “số mệnh đã tới lúc chết, Lưu không nên quá tự trách”. Thứ tư, Bàng Thống cố ý đẩy Ngụy Diên ra tiền tuyến, trong khi bản thân chỉ huy hậu quân vốn gặp nhiều nguy hiểm hơn.
Các nhà phân tích cho rằng, Bàng muốn gửi một thông điệp “thật rõ ràng” tới Gia Cát Lượng rằng “ta cam tâm tình nguyện nhường công lao và địa vị, chứ không phải chết trong tay Khổng Minh, cũng không phải không nhìn ra mưu kế của Khổng Minh”. Căn cứ vào phân tích trên thì không thể buộc tội Khổng Minh là người chịu trách nhiệm về cái chết của Bàng Thống. Điều Lượng làm chỉ là một đòn tâm lý đối với Lưu Bị, nhằm đạt mục tiêu của mình.
Tuy nhiên, chiêu này của Khổng Minh ngược lại đã khiến Bàng Thống nhìn thấu sự “ngu nhân, ngu nghĩa và ngu tín” của Lưu Bị, qua đó quyết định dùng cái chết để từ bỏ việc phò tá Lưu. Có nhiều ý kiến bình luận cho rằng, với khả năng quân sự điều khiển “thiên binh vạn mã” của mình, nếu Bàng Thống không định tự sát thì cho dù là cao nhân tầm cỡ Quách Gia cũng chưa chắc đánh bại được ông.
Thêm vào đó, tại đèo Lạc Phượng, cho dù Bàng Thống không thể đánh thắng thì cũng thừa khả năng bảo toàn tính mạng, khi chủ tướng Tây Xuyên Trương Nhiệm chỉ là một nhân vật vô danh. Ngày nay, nhiều học giả Trung Quốc vẫn phải cảm thấy “ngỡ ngàng” trước thực tế rằng đằng sau cái chết “loạn tiễn xuyên tâm” lại là cả một kế sách tinh vi được Phượng Sồ một tay sắp đặt.
Không nghi ngờ gì, Bàng Thống là người duy nhất có đủ tài cán “đả thông” đất Thục.
Cũng chính Bàng Thống mới đủ sáng suốt và tinh tế để chuyển giao quyền lực lại cho Khổng Minh “tài trí thấp hơn một bậc, chí hướng cao hơn một bậc”.

Ngọa Long học Phượng Sồ, thiên hạ về tay Tư Mã gia

"Kiêm đắc Ngọa Long - Phượng Sồ", Lưu Bị vẫn mất thiên hạ.
“Kiêm đắc Ngọa Long – Phượng Sồ”, Lưu Bị vẫn mất thiên hạ.

Bàng Thống không còn, nhưng có quan điểm cho rằng tư tưởng của ông đã để lại ảnh hưởng sâu sắc tới Gia Cát Lượng. Quan điểm này được nêu ra dựa trên những hành động cụ thể của Khổng Minh, được cho là “mang tính chất ly khai và làm suy yếu” thế lực Lưu Bị: điều động Trương Phi – Triệu Vân đi nơi khác, chỉ giữ Quan Vũ trấn thủ Kinh Châu, từ đó chia rẽ bộ ba Lưu – Quan – Trương. Sau này, Khổng Minh không phụ sự kỳ vọng của Bàng Thống, đã thi hành chính quyền “Nho – Pháp kết hợp” tại Tây Xuyên.
Quan trọng hơn, về sau khi Gia Cát Lượng lâm vào tình thế tiến thoái lưỡng nan như Bàng Thống, ông cũng học theo cách làm lý trí của Bàng: trung thành với Thục Hán, song cuối cùng vẫn “giao thiên hạ” vào tay họ Tư Mã. Người ta vẫn nghi hoặc, Lưu Bị “Long – Phượng kiêm đắc”, vì sao vẫn không “an thiên hạ”? Có ý kiến cho rằng nguyên nhân chính bởi vì Lưu Bị “chỉ sờ được lông phượng, đuôi rồng”, chứ chưa từng thực sự “sở hữu” Ngọa Long – Phượng Sồ.
Nhân vật duy nhất được đánh giá có khả năng “đằng long giá phượng” chính là Tư Mã Chiêu. Tả hữu của Chiêu là Đặng Ngải, Chung Hội là 2 người được ví với cặp Khổng Minh – Bàng Thống của Thục. Lịch sử Trung Quốc vẫn có câu “Long phượng thường thấy, nhưng chủ công biết an thiên hạ không thường gặp”.

Nguồn: Đại Lộ