Khám phá 1 ngày khổ luyện của những võ sĩ Sumo

“Cuộc sống của những sumo trẻ vô cùng khó khăn. Họ phải kiên nhẫn, mạnh mẽ và tuân thủ kỷ luật”, một võ sĩ sumo nổi tiếng nói.

Quay chậm những màn công phá kinh điển trong Karate
Một ngày tập luyện “khắc nghiệt” của đội nữ đặc nhiệm Trung Quốc

Một ngày của các sumo bắt đầu từ 5h sáng
Một ngày của các sumo bắt đầu từ 5h sáng
Một rikishi (đô vật trẻ) tiến đến chỗ ngủ của các đồng nghiệp và gọi họ dậy. Một số người bắt đầu uể oải mở mắt, một số khác cố ngủ thêm một chút. Bên ngoài trời khá lạnh. Đó là lúc 5h30 sáng tại trại huấn luyện sumo Arisho ở thành phố Osaka, Nhật Bản. Một bài tập ở bãi đậu xe bỏ hoang ở ngoại ô đang chờ họ.

Sau khi tỉnh giấc, các rikishi bắt đầu tắm và chuẩn bị cho buổi tập. Họ không ăn sáng để hãm quá trình trao đổi chất và làm tăng cảm giác thèm ăn. Một ngày bắt đầu bằng dạ dày trống rỗng và bụng sôi réo rắt.

Những đô vật nhanh chóng băng qua một cầu thang hẹp, tiến vào lều bên ngoài khu nhà. Tại đây, người ta chuẩn bị sẵn vòng dohyo, nơi các cuộc đấu sumo diễn ra. Sau khi kiểm tra sàn đất và chu vi của vòng đấu, các đô vật bằng các vết thương cũ, thắt chặt khố và bước vào tư thế khởi động.

Một số người ngồi xuống, hai chân dạng một góc 90 độ. Vài người khác gập cơ thể, đưa đầu ép sâu vào đầu gối, hai bên sườn phình to như tấm nệm. Họ thực hiện mọi động tác với không khí trang nghiêm của một buổi lễ.

Sau khi khởi động, buổi luyện tập bắt đầu. Một số đô vật thực hiện bài tập suriashi, gồm những động tác rèn luyện kỹ năng di chuyển, trong vòng dohyo. Những người khác tập bài shiko để rèn luyện khả năng thăng bằng, sức mạnh và sự khéo léo cho đôi chân.

Theo BBC, trong một trận đấu, hai võ sĩ sẽ ngồi đối diện nhau, đầu nhấp nhô một cách nhẹ nhàng trên khối cơ thể đang siết chặt, lưng ướt đẫm mồ hôi và khố cuốn chặt vào vòng bụng ngấn mỡ. Sau tín hiệu của trọng tài, họ lao vào trận đấu, cố gắng khiến đối phương mất thăng bằng và ngã khỏi vòng.

Khi trận đấu kết thúc, hai đấu võ sĩ tự phủi bụi bám trên người và cúi chào đối thủ. Người thắng không biểu lộ tự mãn và người thua không thể hiện thất vọng. Cả hai đều im lặng.

Bài tập bukari geiko yêu cầu võ sĩ sumo đẩy đối phương từ phía bên này sang phía bên kia của vòng đấu.
Bài tập bukari geiko yêu cầu võ sĩ sumo đẩy đối phương từ phía bên này sang phía bên kia của vòng đấu.

Soukokurai, một trong những võ sĩ sumo hàng đầu thế giới người Trung Quốc gốc Mông Cổ, xuất hiện khiến buổi tập trở nên nghiêm trang hơn. Ông đeo một chiếc đai màu trắng của sekitori (đô vật cao cấp) và bình tĩnh nhìn về đối phương trong khi lớp đàn em của ông tỏ ra khá bối rối.

Trong vòng đấu, Soukokurai dễ dàng đánh bật các đấu sĩ trẻ ra khỏi cuộc chơi. Các rikishi trẻ càng nỗ lực, sự thoải mái trên gương mặt ông càng hiện rõ hơn.

“Tất cả đô vật trẻ đều muốn trở thành sekitori, nhưng họ không có cơ hội để đấu với một đô vật đạt trình độ ấy. Đó là lý do họ nỗ lực đánh bại tôi trong khi luyện tập”, Soukokurai nói.

Hầu hết tân binh gia nhập lò luyện sumo ở tuổi 15, sau khi tốt nghiệp trung học. Họ đến với nó để tìm kiếm sự vinh quang và cuộc sống giàu sang. Họ muốn sống cuộc sống của một sekitori, với câu lạc bộ người hâm mộ của riêng họ, núi tiền thưởng và cả đoàn tùy tùng.

Các sekitori có rất nhiều đặc quyền. Họ được miễn một số nghĩa vụ, có thể kết hôn và sống bên ngoài các lò luyện. Tuy nhiên, khi mới bắt đầu, họ chỉ là rikishi và sẽ phải nấu món ăn, dọn dẹp và phục vụ đàn anh cũng như luyện tập nhiều giờ mỗi ngày.

Giữa các trận đấu, các đấu sĩ thường thực hiện bài tập bukari geiko. Trong bài tập này, một đô vật sẽ cố gắng đẩy đối phương từ phía này sang phía kia của vòng đấu. Sau khi thành công, họ trở về vị trí cũ. Hành động ấy diễn ra khoảng 6 lần. Cứ sau mỗi lần, đô vật phải đẩy đối thủ nặng hơn.

Sau 3 lần tập, một đô vật trẻ kiệt sức. Cậu ta gầm lên và thở hổn hển, những động tác trở nên chậm chạp. Cơ bắp mềm nhũn và đôi mắt nhắm lại, cậu ta gần như nằm gọn trong vòng tay của đối phương.

Dùng hết sức lực và trọng lượng của cơ thể, cậu ta lấy đà và cố gắng lay chuyển đối phương nhưng thất bại. Những người xung quanh không hề cổ vũ để động viên tinh thần. Các đô vật khác vẫn ở ngoài vòng và tiếp tục thực hiện những bài tập giãn gân cốt. Không ai quan tâm đến những việc đang diễn ra. Đối thủ nhìn cậu với ánh mắt ngờ vực.

Cuối cùng, võ sĩ trẻ bỏ cuộc và rời khỏi vòng đấu. Vừa thở dốc, khuôn mặt cậu vừa nhăn lại. Những giọt mồ hôi hòa lẫn những giọt nước mắt lăn dài trên má. Cậu ta ngồi gọn vào một góc, quay lưng lại với đồng nghiệp.

“Cuộc sống của những sumo trẻ vô cùng khó khăn. Bạn phải thật kiên nhẫn, mạnh mẽ và tuân thủ kỷ luật. Nếu thực hiện được những quy tắc đó, bạn sẽ thành công”, Soukokurai nói.

Phần còn lại của buổi sáng tiếp tục trong một mùi hương nam tính và tiếng huých của những thớ mỡ ẩm ướt và nặng nề. Hơi thở của các đô vật trẻ trở nên gấp gáp hơn, làn da của họ trở nên ửng đỏ và bầm tím.

Món chính trong bữa trưa của các sumo là chankonabe.
Món chính trong bữa trưa của các sumo là chankonabe.

Khoảng 11h, bữa trưa bắt đầu. 11 thanh niên với thân hình lớn ngồi vắt chéo chân trước bàn ăn thấp trong căn phòng bên cạnh nơi họ ngủ. Những đô vật cao cấp sẽ ăn đầu tiên.

Thực đơn của bữa trưa là chankonabe, món ăn mà đầu bếp chế biến từ dashi (nước dùng), mirin (một loại rượu sake nhẹ), cải bẹ trắng, thịt gà và nhiều loại thịt khác. Trung bình, các đô vật ăn khoảng 6 đến 10 bát chankonabe mỗi bữa, tức là khoảng 10.000 calo.

Tiếng xì xụp và trò chuyện rả rích khắp căn phòng. Đối với các đấu sĩ, đây là quãng thời gian thoải mái. Họ có thể tự do ăn uống, trò chuyện, thư giãn hoặc chăm sóc mái tóc trước khi buổi luyện tập tiếp theo diễn ra.

Sau đó, Suzuki, chủ lò luyện và cũng là một cựu đấu sĩ sumo, xuất hiện. Vẻ nghiêm nghị hiện ra trong mắt ông. Không khí trong phòng trùng xuống.

“Buổi luyện tập tiếp theo sẽ diễn ra trong 3 giờ tới. Hãy tận dụng nốt quãng thời gian còn lại”, ông nói.

Sau lời tuyên bố, các đô vật vẫn cố nán lại trên bàn trong vòng vài phút trước khi trở lại buổi tập. Tất cả bọn họ đều hy vọng sự khổ luyện sẽ mang tới thành quả trong tương lai.

Theo Zing