Thần khí nước Nam: Độc Thần Kiếm của Nguyễn Nhạc

Duyên cơ cho người tài được hưởng sự trợ giúp của trời, Nguyễn Nhạc vô tình mua được thanh bảo kiếm trong một lần đi buôn trầu, từ đó sự tích về thanh Độc Thần Kiếm được viết nên qua những chiến công của chủ cầm kiếm và sự huyền bí của nó. 

Phạm Ngũ Lão và cách đánh trận khiến tướng sĩ kính nể

Danh tướng Việt tự thiêu xin tha chết cho quân sĩ

Là anh cả của Tây Sơn tam kiệt, Nguyễn Nhạc là người giỏi kiếm thuật nhất trong 3 anh em. Một hôm đi buôn trầu trên thượng nguồn sông Côn, Nguyễn Nhạc tình cờ mua được thanh cổ kiếm, ông liền đem về tặng cho thầy Trương Văn Hiến. Trương Công biết là một báu kiếm nên đem cất thật kỹ. Khi Nguyễn Nhạc đã xây dựng xong quân trang – lực lượng, ông liền xuống An Thái thăm thầy và vấn kế, Trương Công bèn trao lại kiếm để dùng cho đại sự. Gươm dài hơn sải tay, chém sắt như chém bùn; lưỡi gươm ra khỏi vỏ thì phát ánh hào quang tỏa ra loa mắt. Người dân tộc vùng Tây Sơn thượng đạo theo Hỏa thần, tin là thanh kiếm đó vốn là của thần ban cho nhà vua nên gọi là kiếm thần và Nguyễn Nhạc là “Vua Trời”.

Độc Thiên Kiếm
Ảnh minh họa

Để làm cho lòng người thêm tin tưởng, ông Nhạc bèn bày ra một cảnh tượng kiếm trời cho. Nguyên một hôm, Nguyễn Nhạc cùng bộ hạ ở An Khê về đến Hoành Sơn thì ngựa Nguyễn Nhạc lồng lên, rồi thẳng cổ phi nước đại. Đến chân núi phía trong gò Sặt, cương ngựa bị đứt Nguyễn Nhạc té nhào xuống ngựa, trật chân không đứng dậy được. Khi đứng dậy để lên ngựa thì Nguyễn Nhạc chợt thấy chuôi kiếm ló ra nơi vách đá trên sườn núi. Sai người lên xem thì là một thanh cổ kiếm, lưỡi sáng như nước. Ai nấy đều mừng là kiếm trời ban. Do tích được kiếm của Nguyễn Nhạc tại đây nên núi mang tên là hòn Kiếm Sơn.

Trong ngày khởi nghĩa, Nguyễn Nhạc lập đàn cáo trời đất tại nghẹo Cây Khế nơi đèo An Khê, dưới bóng 2 cây đại thọ: Cây Ké, Cây Cầy. Khi đại quân đến gần tế đàn thì từ trên cây Ké một con rắn bò xuống, thân lớn bằng cột nhà, sắc đen nhánh như hạt huyền, người đương thời gọi là Ô Long nằm cuộn nơi đường đi, khiến quân binh không dám tiến. Nguyễn Nhạc bèn xuống ngựa tuốt gươm, vái cùng trời đất rồi chém bay đầu rắn. Nhờ vậy, tiếng tăm của linh kiếm ngày một vang xa.

Quang Lữ