Tính chân thực và nghiêm túc của biểu diễn võ thuật

Khi xem biểu diễn võ thuật ở một số nơi, chúng tôi thấy nhiều cảnh đấu luyện được dàn dựng (sắp xếp đòn, thế) một cách giả tạo, vô lý, chọc cười khán giả… đến mức phải khẳng định ngay rằng “Đó không phải là võ thuật”.

Rợn người với màn biểu diễn khí công võ cổ truyền Việt Nam

Ấn tượng bài biểu diễn Võ cổ truyền tại Festival Võ thuật 2014

Tại những cuộc biểu diễn này, rất đáng tiếc là bên cạnh nhiều tiết mục được dàn dựng nghiêm túc, công phu, thể hiện được đặc trưng mạnh mẽ, dứt khoác, uy lực, tinh tế của võ thuật, lột tả được sắc thái, phong cách đĩnh đạc của “con nhà võ” thì lại có không ít những màn đấu luyện chỉ làm trò chọc cười.

Trong hai, ba lần biểu diễn đầu, khán giả thấy cảnh chọc cười của vận động viên biểu diễn, còn thấy “vui, vui…” nhưng mãi đến nhiều lần sau, tiết mục được gọi là đấu luyện võ thuật cũng vẫn chỉ là trò đùa, tệ hơn nữa là càng về sau càng “thêm mắm, dặm muối” để tăng “đô” phần hài hề, thì không những trong giới võ thuật mà kể cả người ngoài, không chỉ người lớn mà cả trẻ con, cũng đều thấy sự lố bịch, phi võ thuật trong những tiết mục đấu luyện đó.

Trước hết, chúng ta thử nghĩ: Biểu diễn võ thuật là gì? Và biểu diễn để làm gì?

Phải chăng biểu diễn võ thuật là sự giới thiệu bằng hình thức trực quan, sinh động về một loại hình văn hóa phi vật thể được nhân dân sáng tạo, tô bồi và tự hào về nó từ thế hệ này qua thế hệ khác?

Và có phải chăng, mục đích của biểu diễn võ thuật là thông qua hình thức trình diễn mà làm mọi người yêu mến, quí trọng, tôn vinh võ thuật của nhân loại nói chung, võ thuật của dân tộc mình nói riêng?

Hiểu đúng như thế thì Biểu diễn võ thuật, nhất là võ thuật của dân tộc mình,  phải là một hoạt động văn hóa nhằm mục đích mang võ thuật đến với mọi người, giới thiệu giá trị đặc trưng và bản sắc văn hóa dân tộc của võ thuật để mọi người trân trọng, góp phần gìn giữ như gìn giữ báu vật và tô bồi, phát triển như làm giàu vốn quí của dân tộc và của nhân loại.

Muốn thế, hoạt động biểu diễn võ thuật phải được thực hiện một cách nghiêm túc. Một tiết mục biểu diễn võ thuật phải giới thiệu được kỹ thuật đặc thù của môn võ, tính cách mạnh mẽ, kiên cường của một võ sĩ, phẩm chất tốt đẹp của “con nhà võ” và đạo lý của “dân tộc đã sản sinh ra nền võ thuật ấy”.

Và như thế, tất cả những gì thể hiện trong một tiết mục biểu diễn võ thuật, nhất là tiết mục đấu luyện, phải hết sức chân thực, không ma mị, không vẻ vời, không pha hề để mua lòng người xem và tuyệt đối không thể có những động tác xa lạ với đòn, thế đặc trưng của môn võ mình muốn thể hiện.

Tôi không “dị ứng” với đòn nhảy lên “kẹp cổ” nhưng nếu một người cố tình đứng yên một chỗ, đưa cổ cho người khác nhảy lên kẹp và khi kẹp được rồi, người kia không lập tức ra đòn quyết định mà cứ để “kẻ ngồi trên cổ, người đứng dưới đất làm trụ, xoay vài vòng rồi cả hai mới đổ xuống, lăn kềnh ra nằm dài” thì đó quả là trò xiếc dễ làm chứ không phải là võ thuật.

Còn những kiểu biểu diễn một người “tát tai” người kia theo lối đánh ghen, người kia đưa tay lên xoa  má chớ không phản đòn, đợi đối phương quay đi thì chạy theo “đánh trộm” sau lưng. Một người say rượu, té lên ngã xuống, nhào vô đánh người kia rồi vác ghế phang nhau, như hình ảnh vẫn thường thấy trong các quán nhậu. Hai, ba người nhào vô đánh một người đang bị thúc thủ trong cảnh bị “bề hội đồng”.  Một người mới chạm tay, chạm chân vào người kia, không thấy sức lực, hơi hám gì cả mà người kia vẫn ngã xuống cái “rầm”

Những kiểu dàn dựng để biểu diễn như thế là đấu luyện võ thuật, là giới thiệu kỹ thuật phá đòn-phản công của một môn võ hay là đề cao lối thanh toán kiểu xã hội đen?

Biểu diễn như thế là giới thiệu nét đẹp của võ thuật với khán giả hay là thọc lét khán giả theo kiểu diễn “Tài Tiếu Tuyệt” mà các diễn viên hài đã từng đưa “hình ảnh” võ thuật lên màn ảnh truyền hình.

Ở đây, tôi không phê phán tác giả tiểu phẩm và các diễn viên hài đưa võ thuật lên màn ảnh nhỏ trong chương trình Tài Tiếu Tuyệt, vì mục đích của họ không phải là giới thiệu võ thuật, võ thuật chỉ là cái cớ để họ nói đến một vấn đề khác với khán giả bằng hình thức diễn hài.

Việc cần nói là có những người huấn luyện viên Võ Việt đã giới thiệu võ thuật của dân tộc mình qua hình thức biểu diễn như một trò hề thọc lét thiên hạ.

Xem biểu diễn võ thuật như thế, khán giả hiểu gì về đặc trưng của môn võ chúng ta? hiểu gì về giá trị kỹ thuật đòn, thế? và nghĩ gì về tư cách, năng lực của những người đang giảng dạy môn võ dân tộc chúng ta, cho dù là môn võ truyền thống đã có từ ngàn xưa hay là môn võ mới được sáng lập trong vài mươi năm trở lại đây.

Nhân đây, tôi xin phép tác giả Trần thị Huyền Trang của loạt bài viết mang tên chung là “Bình Định – Một vùng đất võ” để chia sẻ những ý tưởng cao đẹp, những nhận xét sâu sắc, những kiến thức thâm hậu của tác giả, bằng cách trích vài đoạn trong những bài viết ấy, đăng lên đây cho nhiều người cùng đọc và suy ngẫm:

“… Võ là một cái gì đó vô hình. Thấy roi, xích, cung, tên, gươm, đao, giáo, mác, bảo đấy là võ ư? Không phải, đấy chỉ là binh khí, vũ khí, tức là khí cụ của võ. Nó là một số tín hiệu, phương tiện của nghề võ dưới dạng vật thể. Võ tồn tại trong những con người bằng xương bằng thịt. Vô thể biến thành hữu thể, khi con người vào cuộc, lâm thế, phải đối đầu, phải xuất chiêu, phải đánh trả hoặc tập luyện, truyền dạy. Vậy khi con người không diễn võ thì võ mất ư? Không phải, võ vẫn tồn tại trong tâm trí, nội lực của họ, có điều kiện là bộc lộ. Nói võ là văn hóa phi vật thể, chính là do tính chất tiềm ẩn, vô hình, biến ảo này vậy”.

“Người Bình Định xưa ít nói đến trăng khi thề thốt, ít nói đến hoa khi hò hẹn yêu đương. Cái mà người Bình Định xưa thường vận đến như một vật chứng thiêng liêng là lưỡi gươm vàng.

Hình ảnh lưỡi gươm vàng vừa khẳng định một tư thế tồn tại quyết liệt vừa giàu chất xả thân. Ở những nơi quá phẳng lặng, chưa từng đối mặt với gian nguy tột bậc, chưa gặp tình huống phải lấy mạng sống để đảm bảo, thì người ta không nhắc tới gươm giáo một cách đau đáu, tin cậy, đầy sự tín chấp như vậy. Điều ấy không thể giải thích đơn thuần vì lý do thẩm mỹ, mà phải đi từ đặc điểm hoàn cảnh, đặc điểm lịch sử. Trong đó, con người phải trả lời các thử thách quyết liệt bằng nhân cách, bằng sinh mệnh”.



“Nói đến võ thuật, là nói đến sự tổng hòa giữa sức mạnh và vẻ đẹp cơ thể, giữa trí lực và thần sắc, kết quả của sự lựa chọn, sàng lọc để duy trì tinh hoa nghề võ”.
Võ sư Trần Xuân Mẫn
Video clip: Đoàn Bình Định đồng diễn tại quốc tế Võ Cổ Truyền 2015
[jwplayer player=”1″ mediaid=”66804″]