Cà Phê Võ Thuật: “Xin chào, Olympian!”

Đây là tập Cà Phê Võ Thuật đầu tiên sau một thời gian rất dài chuyên mục này bị “bỏ rơi”. Thực tế, nó không dừng lại. Nó chỉ đi xa hơn và lâu hơn, tìm những câu chuyện thú vị hơn cho quý độc giả. Câu chuyện lần này cũng vậy, một câu chuyện thật.

Cà Phê Võ Thuật: Câu chuyện võ sĩ (Kỳ 4) – Thất bại mới là đỉnh cao

Cà Phê Võ Thuật: Bàn tay chữ Nhất

Tôi có tham gia một chuyến giao lưu – học tập văn hóa võ thuật ở Hàn Quốc. Cùng đi với tôi là 9 người bạn, đến từ 7 quốc gia khác nhau, 7 nền văn hóa khác nhau. Trong số đó, người đặc biệt và được đáng chú ý nhất là Bineta Diedhiou, VĐV từng đoạt HCĐ Taekwondo Olympic 2005, người giữ cờ đại diện cho đoàn thể thao quốc gia Senegal tại Olympic 2008. Ngay từ giây phút đầu tiên nhìn thẳng vào đôi mắt đen láy của cô gái châu Phi ấy, tôi nhìn thấy sự kiêu hãnh bùng cháy trong đó.

Bineta Diedhiou (phải), thành viên đặc biệt nhất trong đoàn CPI.
Bineta Diedhiou trên đấu trường Olympic.

“Hụt” vé tham dự Olympic 2016, cô được nhà nước cử tham gia chuyến đi lần này, một chuyến “về nguồn” Taekwondo. Gọi là “về nguồn” bởi lẽ bộ môn mà cô luôn hằng tự hào về bản thân mình vốn có phần nhiều gốc gác với Taekkyeon – môn võ thuật có 5 ngàn năm tuổi, môn võ duy nhất của người Hàn được UNESCO công nhận di sản văn hóa phi vật thể. Và nơi đây, miền đại ngàn Chungju này chính là nơi được xem như thánh địa, trái tim và suối nguồn tâm linh của Taekkyeon.

Với thói quen của một người làm báo – hay nói đơn giản hơn là một người tò mò về mọi thứ, ngay ngày đầu tiên tôi đã hỏi thăm tiểu sử của từng người trong đoàn.

Diedhiou tập luyện Taekkyeon tại Học viện Taekkyeon Chungju.
Diedhiou tập luyện Taekkyeon tại Học viện Taekkyeon Chungju.

Khoảng vài ngày sau, một việc thú vị xảy đến. Tôi định gọi tên Diedhiou (đang đứng trong đám đông) nhưng lại quên mất tên cô ấy. Thoáng vài giây, tôi gọi lớn “Này! Olympian!” (Olympian là từ dùng để gọi các VĐV từng thi đấu Olympic). Diedhiou quay lại nhìn tôi như thể giật mình, và bất ngờ nhoẻn miệng cười, nụ cười tôi chưa từng được thấy trước đó.

Từ đó, tôi nói chuyện với Diedhiou nhiều hơn. Cô vốn lớn hơn tôi nhiều tuổi, lại mang tác phong của một VĐV chuyên nghiệp nên trông già dặn hơn rất nhiều. Từng tấm hình tôi chụp và gửi về cho group tin nhắn của đội trên Facebook đều được cô chọn lại cẩn thận trước khi đăng. Có những hôm cả đội có thời gian ngồi uống bia với nhau, cô luôn bỏ cốc của mình xuống bàn khi có người chụp hình. Thực ra cốc bia đó cũng chỉ được rót ra để xã giao, và có lẽ bạn cũng hiểu lý do. Với tư cách một VĐV chuyên nghiệp, cô ấy bị cấm đụng vào những thứ tưởng chừng bình thường này. Ở Senegal, vị thế và hình ảnh của Diedhiou có lẽ cũng ngang ngửa những VĐV hàng đầu ở Việt Nam như Hoàng Xuân Vinh, Châu Tuyết Vân, Lê Thị Bằng… “Tôi phải luôn giữ hình ảnh của mình vì Taekwondo là một trong những môn võ phát triển nhất của Senegal, và nhiệm vụ của tôi là xây dựng hình tượng võ sĩ thành thần tượng của trẻ em, thanh niên”. Sinh ra trong một gia đình có truyền thống võ thuật, dường như Diedhiou luôn thoải mái với việc chấp nhận số mệnh của cô là hi sinh cả đời mình cho bộ môn Taekwondo.

Rong ruổi cùng đồng đội trên các đấu trường luôn là sở thích của cô gái sinh ra trong gia đình VĐV Taekwondo này.
Rong ruổi cùng đồng đội trên các đấu trường luôn là sở thích của cô gái sinh ra trong gia đình VĐV Taekwondo này.

Tôi nói chuyện với Diedhiou nhiều hơn, và đó cũng là lần đầu tiên tôi có dịp tiếp xúc với một võ sĩ đẳng cấp thế giới nhiều đến vậy. Cô kể về những khó khăn trong nghề – nghiệp võ, những vinh quang và cả tủi nhục. Cô kể về một đất nước quật cường ở lục địa đen, nơi võ thuật phải oằn mình gánh chịu tác động của sự nghèo đói, cố gắng tồn tại và phát triển. Và dĩ nhiên, trong những câu chuyện của người võ sĩ, thành tựu luôn là điều đáng tự hào nhất. Là một trong số rất ít VĐV thể thao Senegal thành danh tại đấu trường Olympic, cô luôn xem Thế vận hội là niềm kiêu hãnh lớn nhất đời mình. Miệt mài trên con đường quay lại giải đấu danh giá đó, Diedhiou trở nên nghiêm khắc hơn với chính bản thân mình, và đôi khi nghĩ đến nỗi sợ thất bại. Tôi, trong một khoảnh khắc vô tình đã chạm đến niềm kiêu hãnh đó, như lục lại một tấm huy chương đã phủ bụi trong góc tủ, vô tình lau sáng nó.

Lúc thì vui vẻ náo nhiệt với chất giọng Pháp (phần đông người Senegal nói tiếng Pháp), lúc lại trầm lắng với vai trò người hỗ trợ đồng đội bên ngoài thảm đấu...
Lúc thì vui vẻ náo nhiệt với chất giọng Pháp (phần đông người Senegal nói tiếng Pháp), lúc lại trầm lắng với vai trò người hỗ trợ đồng đội bên ngoài thảm đấu…

“Olympian”, một tiếng gọi vô tình đã khiến người nữ VĐV ấy trở thành một trong những người đồng đội thân thiết nhất với tôi suốt chuyến đi. Người võ là thế. Có những niềm kiêu hãnh thẳm sâu trong tâm hồn mà họ luôn muốn hét vang lên để cả thế giới nghe thấy nhưng rồi lại gói ghém vào lòng, trong sự khiêm tốn và tự trọng.

Có một lần, cả đội tập một bài diễn khó. Trong nhiều tháng, chúng tôi đã cùng tập Taekkyeon với tư cách những người khách tại quê nhà môn võ này, bây giờ là lúc để chúng tôi thực hiện một món quà đáp lễ. Là VĐV tài năng nhất trong đội, Diedhiou được giao một đoạn trình diễn tương đối khó. Cô từ chối, lui về một góc.

Trong khi nhiều người cố gắng thuyết phục Diedhiou nhận đoạn diễn, một số người nói nhỏ điều gì đó. Có lẽ họ cảm thấy không thích Diedhiou, có thể họ nghĩ cô “chảnh”, có thể thôi. Nhưng chắc chắn rằng việc cô từ chối việc mà cô làm giỏi nhất khiến mọi người không vui.

Diedhiou (trái) tham gia thi đấu giao lưu vật Ssireum (vật cổ truyền Hàn Quốc).
Diedhiou (trái) tham gia thi đấu giao lưu vật Ssireum (vật cổ truyền Hàn Quốc).

Tôi là người duy nhất nghĩ và nói điều ngược lại. “Sức khỏe của Diedhiou không phải của riêng cô ấy. Diedhiou là tài sản của Senegal, là một thiên tài được ngẫu nhiên được sinh ra trong nhà nòi và lớn lên với hàng chục năm tập luyện, thi đấu, với kinh nghiệm ở những đấu trường lớn. Cô ấy đã lỡ một kỳ Olympic vì chấn thương, và chấn thương đó vẫn chưa lành. Tôi tin Diedhiou cũng muốn tham gia cùng mọi người, nhưng cô ấy có một sứ mệnh lớn hơn cho quê nhà. Chúng ta cũng gần về rồi. Tôi có thể về với một cái chân gãy, dù sao tôi cũng làm việc trong văn phòng chứ không phải thảm tập. Nhưng Diedhiou thì khác”.

Mọi người gật đầu và quay đi, còn Diedhiou nhìn tôi với ánh mắt của sự cảm kích.

Thực tế thì tôi không dám nói chắc rằng bài viết này đang tập trung nói về điều gì. Nó giống như những mảnh kỷ niệm vụn vặt nhiều hơn là một câu chuyện liền mạch. Tuy nhiên, với tôi thì nó là những mảnh ghép đẹp của tâm hồn người võ, một câu chuyện mà tôi vô tình bắt gặp được trên hành trình tìm kiếm những câu chuyện phục vụ độc giả.

Tôi tin rằng bất cứ ai, dù là Olympian hay không, chúng ta cũng có một tâm hồn “võ” khi chúng ta đeo đuổi võ. Trong tâm hồn đó, chúng ta nhìn thấy một “chúng ta” rất khác. Một con người đã bị võ thay đổi theo chiều hướng tích cực. Một cách sống, một lối hành xử mang dáng dấp của võ thuật.

Nếu có cảm tình với người VĐV mà tôi kể trên đây, quý độc giả có thể xem thêm các hình ảnh thú vị sau đây:

img_0137
Bù với những giờ tập căng thẳng, các VĐV ngoài đời thực thường là những người thú vị, sôi nổi. Diedhiou cũng không phải ngoại lệ.
img_5544
Người đội trưởng Taekwondo quốc gia Senegal cùng đồng đội tại Hàn Quốc tham gia các trò chơi dân gian.
img_5375
Diedhiou luôn biết cách níu chân cả đội mỗi khi dạo phố và đi ngang những nơi có… cà phê.
img_2576
Khoảnh khắc đẹp tại Học viện Taekkyeon Chungju giữa Diedhiou và các đồng đội được cử đến từ Iran và Campuchia.

Có thể bạn quan tâm: Màn đồng diễn võ nhạc của đội tuyển quyền Taekwondo TP.HCM 

https://www.youtube.com/watch?v=NeG1OUczefE

Hồ Võ