‘Thần cước’ làng võ Việt hội ngộ đồng môn

Cuộc gặp gỡ là dịp để những lão võ sư cùng thời với võ sư Lê Thanh Tùng ôn lại chuyện đời, chuyện nghề; cũng là dịp để những võ sĩ hậu bối thổi bùng lên trong lòng mình ngọn lửa võ thuật…

Võ sư Lê Thanh Tùng, người được làng võ miền Nam Việt Nam ngày xưa mệnh danh là “võ sĩ huyền thoại”, “độc cô cầu bại”, “thần cước”, đã có cuộc hội ngộ với các lão võ sư, võ sư và võ sĩ của làng võ miền Trung – Tây Nguyên tại TP Quy Nhơn (Bình Định), sau gần nửa thập niên vắng bóng.

Cuộc gặp gỡ là dịp để những lão võ sư cùng thời với võ sư Lê Thanh Tùng ôn lại chuyện đời, chuyện nghề; cũng là dịp để những võ sĩ hậu bối thổi bùng lên trong lòng mình ngọn lửa võ thuật trên chặng đường tiếp bước cha anh giữ gìn và phát huy những tinh hoa của võ Việt.

Ngoài ra còn có những tên tuổi lừng danh trong làng võ cách đây gần nửa thập kỷ, như: Đại võ sư Tân Tạo (Gia Lai), đại lão võ sư “rồng đen” Phi Long (tên thật là Trần Quốc Long), lớp đàn anh của võ sư Lê Thanh Tùng, lão võ sư Nguyễn Đình Thơ (Bình Định) cùng nhiều võ sư danh tiếng lẫy lừng khác ở Bình Định, Gia Lai, Phú Yên, Sài Gòn.

Ông Đinh Khắc Diện, Chủ tịch Liên Đoàn Võ Thuật tỉnh Bình Định, võ sư Vũ Lê Cang, nguyên ủy viên BCH Liên đoàn Võ thuật Bình Định, cũng góp mặt.

Võ sư Lê Thanh Tùng ôn lại những kỷ niệm của chặng đời võ nghiệp

Vào thập niên 70 của thế kỷ 20, bầu trời võ thuật ở miền Nam, miền Trung – Tây Nguyên (Việt Nam) đã sáng lên “ngôi sao” mang tên Lê Thanh Tùng. Liên tiếp hàng chục trận đấu ông đã đánh bại các đối thủ bằng những đòn cước vi diệu của mình trong chớp nhoáng, hầu hết ông đều thắng nốc ao hoặc đối thủ bỏ cuộc trong 1 – 2 hiệp đầu trận đấu.

Võ sư Lê Thanh Tùng sinh năm 1950, tại quận Phú Nhuận, TP.HCM. Ông bắt đầu học võ năm 6 tuổi, do cha ông là Đại võ sư Lê Đại Hoan truyền dạy. Năm 15 tuổi, ông chính thức luyện tập Boxing, do HLV Thomson (Hawai, Mỹ) và Tám Denis (người Việt gốc Pháp) huấn luyện. Năm 1968 (18 tuổi) được phong tặng danh hiệu “Võ sĩ trẻ triển vọng nhất”; năm 1970, ông đoạt chức Vô địch Võ tự do toàn miền Nam. Trong sự nghiệp thi đấu của mình, từ năm 1966 – 1973, ông đã thượng đài trên 50 trận ở cả 2 môn Boxing và Võ tự do tại miền Nam và các tỉnh miền Trung – Tây Nguyên. Hầu hết các trận đấu, ông đều thắng đối thủ bằng đo ván hay đối thủ bỏ cuộc trong 1 đến 2 hiệp.

Quang cảnh cuộc hội ngộ

Năm 1970, ông đã có trận thắng trước nhà Vô địch MuayThai – Mai Hồng Sơn, tại Tinh Võ, Chợ Lớn. Năm 1971, tại thị xã Pleiku (nay TP Pleiku), tỉnh Gia Lai, ông đã thi đấu Boxing vì danh dự của võ thuật Việt với võ sĩ Mỹ đã thách đấu (đó là 1 viên cố vấn quân sự người Mỹ tên John). Trận này ông đã hạ võ sĩ Mỹ ngay ở hiệp thứ 2, trước sự vỡ òa của người hâm mộ Pleiku (Gia Lai)… Năm 1972, tại Bình Định, ông đã đấu và hạ võ sĩ Thạch Danh, 1 võ sĩ tiếng tăm lựng lẫy người gốc Campuchia ngay ở hiệp 1. Tên tuổi của ông đã trở thành huyền thoại trong làng võ.

Năm 21 tuổi ông chính thức mở phòng tập “Lê Thanh huynh đệ”. Năm 24 tuổi ông được cử làm huấn luyện viên phái đoàn võ sĩ miền Nam đi thi đấu quốc tế tại Campuchia”, ông Đinh Khắc Diện, chủ tịch Liên đoàn võ thuật Bình Định, cho biết.

Võ sư Lê Thanh Tùng chụp ảnh kỷ niệm với võ sư, võ sĩ

Đối với làng võ Bình Định, trong những năm 1971 – 1973, ông như luồng gió mới làm thay đổi nhận thức về võ học ngay trên đất võ. Bởi, ông có lối đánh sáng tạo, đòn của ông ra trông rất “hiền” nhưng lại rất “độc”, đối thủ dính đòn khó gượng, nhất là đòn cước và những đòn phối hợp liên hoàn cước – gối – chỏ. Học trò của ông phần lớn là người cùng trang lứa, tiêu biểu như cố Đại võ sư Nguyễn Lê Thanh và võ sư Vũ Lê Cang, là những người có những đóng góp lớn lao cho phong trào võ thuật Bình Định.

Sau 46 năm vắng bóng, võ sĩ huyền thoại Lê Thanh Tùng đã trở lại đất võ Bình Định để hội ngộ những đồng môn, bằng hữu… Họ ngồi lại trò chuyện, chia sẻ những kỷ niệm của 1 thời “dọc ngang” trên sàn đài. “Thần cước” Lê Thanh Tùng cho biết, năm 1978 ông chuyển sang California (Mỹ) định cư. Từ đó ông kêu gọi những võ sĩ, võ sư cộng đồng người Việt cùng đam mê tiếp tục giao lưu, thành lập hội võ thuật để truyền bá võ thuật Việt ở nước ngoài, góp phần vào việc bảo vệ văn hóa bản sắc dân tộc cho đến ngày về định cư tại TX Sông Cầu, tỉnh Phú Yên (Việt Nam).

Sau 46 năm, trở lại Bình Định tôi cảm tưởng như mình là người con của miền đất võ. Từ khi sang đất khách lập nghiệp, tôi luôn luôn hướng về quê hương, đặc biệt là vùng đất địa linh nhân kiệt này”, “thần cước” Võ Thanh Tùng chia sẻ.

Anh Thư (T.H) – Theo Vũ Đình Thung