Hình xăm và đẳng cấp thứ bậc trong giới giang hồ

Xăm mình từng được xem là một nét văn hoá, thể hiện quan niệm khác nhau của từng vùng, miền về hoa văn và màu sắc. Vậy nhưng khi nói đến hình xăm, người ta lại liên tưởng ngay đến thế giới của những tay anh chị, những kẻ lấy lề phố làm nhà.

Trùm giang hồ khiến Năm Cam năm lần bảy lượt chiêu mộ bất thành
Trùm giang hồ cả gan chém đàn em Năm Cam may 16 mũi là ai?

Khởi thuỷ, xăm mình chỉ là một thứ biểu hiện của tín ngưỡng dân gian. Sách “Đại Việt sử ký toàn thư”của Sử thần Ngô Sĩ Liên chép: “Bấy giờ (thời Hùng Vương – NV) dân ở rừng núi thấy cá tôm thường tụ họp ở sông ngòi, rủ nhau bắt cá để ăn, thường bị thuồng luồng làm hại.

Bạch với vua, vua nói rằng: “Giống người Man ở núi có khác loài thuỷ tộc, loài ấy ưa cùng loài mà ghét khác loài, cho nên có tai nạn ấy”. Vua bèn sai mọi người lấy mực vẽ hình thuỷ quái ở mình. Từ đấy giống thuồng luồng trông thấy không cắn hại nữa. Tục người Bách Việt vẽ mình bắt đầu từ đấy”.

Ứng Thiệu, nhà chú giải sách Sử ký của Trung Quốc vào thế kỷ II cũng giải thích tục vẽ mình của người Việt rằng: “Vì ở trong nước nên người ta cạo tóc xăm mình cho giống giao long nên không bị giao long hại nữa”. Không ít nhà sử học cho rằng chính vì tục xăm mình nên quốc hiệu đầu tiên của nước ta mới được gọi là Văn Lang.

yakura
Một số thành viên của nhóm Yakuza hiện tại

Từ đời Tần, ở Trung Quốc, những tội nhân bị phát vãng lưu đày đều bị thích lên má hoặc lên trán mấy chữ “tội”, “phạm” hoặc “tù”.

Thời Trung cổ, phụ nữ Châu Âu ngoại tình thường bị giới quí tộc bắt buộc xăm một bông hoa huệ lên vai trái, xem đó như một dấu ấn của sự ô nhục. Tại Nhật Bản, những hình xăm kín khắp thân mình cùng với những ngón tay cụt đốt là dấu hiệu đặc trưng của giới Yakuza, những tên tội phạm chuyên nghiệp.

Thông thường, mỗi hình xăm hay vết thích đều mang một ý nghĩa nhất định biểu thị ý chí hoặc ước nguyện của người mang nó.

Ở Miền trung Việt Nam, cách đây chỉ vài ba thập kỷ, dấu thập thích trên trán những bé trai vẫn phổ biến như một dấu hiệu chỉ những đứa trẻ khó nuôi, thuộc loại “con cầu tự”. Còn nếu hình xăm trên vai là một chiếc quan tài với ba ngọn nến, chắc chắn người mang nó phải là một anh lính Việt Nam Công hoà bị bắt quân dịch, luôn nhìn tương lai với đôi mắt mịt mờ, vô định và nơm nớp lo mạng sống không biết sẽ bị tước đoạt lúc nào.

Khi ý thức xã hội tiến dần về phía văn minh thì những hình xăm cũng dần biến mất.  Từ đời vua Trần Anh Tông, tục xăm mình (bắt buộc) của người Việt đã chính thức được bãi bỏ.

Ngày nay, hình xăm đã trở thành một thứ dấu vết chứng tỏ sự non kém, thiếu văn hoá, may ra chỉ còn những kẻ học đòi hay giới giang hồ là vẫn còn duy trì và ưa chuộng.

Với những kẻ liên quan đến giới giang hồ, hình xăm có ý nghĩa riêng biệt thể hiện đẳng cấp và thứ bậc trong thế giới đó.

Đám đầu bò đầu bướu quen càn quấy thời nào cũng khoái hai thứ: hoặc đầu cọp nhe nanh hoặc cánh đại bàng giang rộng. Hai hình xăm này ám chỉ một sự phô trương sức mạnh hoặc một khao khát trở thành chúa tể trong một thế giới đầy rẫy sự đua chen, lừa lọc. “Dân chơi” tập tễnh thì khoái xăm trái tim bị mũi tên xuyên thủng – chỉ một mối thất tình, hay một cánh buồm lẻ loi, ngầm ý oán cuộc đời vô định. Hình xăm không quên đi kèm những câu slogan sặc mùi rẻ tiền như “Hận đời đen bạc”, “Đời là bể khổ, tình là dây oan” v.v…

Với giang hồ thứ thiệt, nhất là với những kẻ từng vào tù ra khám nhiều lần, hình xăm đích thị là một thứ dấu hiệu để nhận biết xuất xứ và đẳng cấp. Chiếc tàu có ba cánh buồm là của những kẻ từng ngồi trại Đồng Phú, con hổ vờn là “khách” của trại Bố Lá, cái mỏ neo là kẻ đã từng đậu ở “bến” Chí Hoà, con Kỳ Lân là kẻ từng dạo gót ở trại Đồng Hoà, K6 – Tống Lê Chân…

xam

Thậm chí ngay cả những biểu tượng đã trở nên phổ biến thì việc xăm trổ cũng không được phép tuỳ tiện. Giang hồ gốc miền Nam, có xăm hình đại bàng thì cái đầu con chim cũng dứt khoát trông nghiêng. Ngược lại, đại bàng nhìn thẳng hoặc toà lâu đài, giới tội phạm nhìn là biết ngay một gã dân chơi Baker (giang hồ gốc Bắc). Đám tù “con rạ” (đi tù nhiều lần) chẳng dại gì phạm vào những điều cỏn con nhưng tối kỵ ấy, bởi chẳng tên nào muốn vô tù còn bị lãnh đòn hội chợ vì “tội” tự xếp “lộn chuồng”!

Cũng xuất phát từ những trại tù, các loại hình xăm mang ý nghĩa phân phong đẳng cấp đã xuất hiện. Tù tứ cố vô thân, bị xếp vào loại “âm binh mất ma”, xuất thân từ cô nhi viện nên chẳng khi nào có giỏ thăm nuôi được xăm hoa hồng trên vai trái. Cũng vị trí đó, nhưng những tên phạm tội giết người hay đám sát thủ chuyên đâm thuê chém mướn, hình xăm sẽ là một chữ “binh” viết bằng chữ Hán.

Trong bàn cờ tướng, cùng với chữ “tốt”, chữ “binh” cũng được gọi là chốt, nghĩa là loại chỉ biết “thí mạng cùi”, chỉ đâu đánh đó, đã “qua sông” (dấn thân vào giang hồ) là chỉ thẳng tiến, không bao giờ biết (hay được phép) quay trở lại. Hầu hết những kẻ được thích chữ “binh” tính khí đều hung dữ, liều mạng. Loại này được dân giang hồ đánh giá cao về “phẩm chất tội phạm” nhưng lại không được coi trọng về vai vế, trước sau cũng chỉ là những kẻ tay sai.

Chữ “nhẫn” – trên bộ “đao”, dưới bộ “tâm”, diễn nôm là sự mạnh mẽ, nguy hiểm giấu trong tấm lòng. Kẻ mang chữ “nhẫn”, ngoài đời phải là một đàn anh khét tiếng, giàu “chiến tích” bất hảo, đàn em đông đảo và có ân có uy, được giang hồ thừa nhận.

Ẩn sâu trong một hình xăm mang tính ước lệ đẳng cấp còn có cả một chút màu sắc triết lý. Đó chính là câu lạc khoản cho chữ “nhẫn” viết dưới dạng đại tự: “nhẫn nhất thời phong bình lãng tĩnh”, nghĩa là “nhịn nhục một lần (thì có thể) gió yên sóng lặng”, triết lý “trung dung “ nhất của bậc cao nhân trong cách xử thế.

Minh triết của bậc thánh hiền đã bị biến thành “cảnh giới tối thượng” của lối sống giang hồ. Ai bảo giang hồ chỉ là một tập hợp  toàn những tên vô học? Té ra, cũng có lúc đám giang hồ tỏ ra “thâm nho” ra phết!

Theo hiểu biết mà chúng tôi không đoán chắc là đầy đủ, từ trước đến nay, trên toàn miền Nam chỉ có 4 tay giang hồ được quyền mang chữ “nhẫn”. Một trong số này là một tướng cướp chuyên ăn bay hàng PX (hàng quân tiếp vụ của Mỹ), đã bị quân cảnh Mỹ bắn hạ trên xa lộ Đại Hàn từ trước 1975. Tên thứ hai sau năm 1975 hoàn toàn mất tích, không ai biết còn sống hay đã chết.

Kẻ thứ ba là Ba Huệ, hiện nay là Việt kiều định cư tại Canada. Nhân vật này nguyên là một giang hồ xuất thân lính thuỷ quân lục chiến và cũng khét tiếng trong nghề ăn bay hàng PX, thường đi đi về về Việt Nam – Canada.

Ba Huệ năm nay khoảng 66 tuổi. Ông ta chỉ rời hẳn khỏi Việt Nam cùng với một cô vợ nhỏ hơn 32 tuổi từ sau khi Năm Cam bị bắt. Trước đó, Ba Huệ từng khuyên Năm Cam:”Tay mày đã nhúng máu quá nhiều, nên rửa tay gác kiếm, “tu” đi may ra mới tránh được nghiệp chứng giang hồ”.

Người thứ tư là một nhân vật từ 1975 đến nay đã ba lần ngồi tù với tổng cộng hơn 20 năm, đi qua hơn một chục trại giam trên cả nước, hiện vẫn đang sinh sống tại TP. HCM. Lần cuối cùng, anh ta lĩnh án 7 năm tù vì tội tàng trữ vũ khí quân dụng trái phép, được tha tù trong đợt đặc đầu tháng 9 – 2002. Thụ án tại trại giam Tiền Giang, chữ “nhẫn” thích trên vai anh ta đã bị bắt buộc phải phá, để lại một vết sẹo lồi to tướng.

Theo Người đưa tin