Tài năng thực sự của Hoàng Phi Hồng

Là một nhân vật có thật, thế nhưng cuộc đời và sự nghiệp Hoàng Phi Hồng đã bị cải biên, bóp méo đi nhiều qua các tác phẩm điện ảnh. Những gì ta có thể chắc chắn về sự thật của ông đa phần đến từ các ấn phẩm báo chí sau này.

Hoàng Phi Hồng thực sự là ai?

5 bộ phim võ thuật đặc sắc về Hoàng Phi Hồng

Võ thuật

Theo báo chí chính thống Trung Quốc, cha của Hoàng Phi Hồng là Hoàng Kỳ Anh, là đệ tử đắc ý của với thiền sư Lục A Thái nổi tiếng trong chi phái Thiếu Lâm miền nam Trung Quốc (còn được gọi là Thiếu Lâm nam quyền).

Công phu do Kỳ Anh truyền lại cho Phi Hồng chú trọng nhiều đến quyền pháp, đúng như giới võ thuật Trung Quốc xưa thường nói: nam quyền, bắc cước.

Diễn viên Lý Liên Kiệt với tạo hình Hoàng Phi Hồng

Theo cha từ năm 5 tuổi tập võ nghệ, năm 13 tuổi, Hoàng Phi Hồng cùng cha đi đến Quảng Châu – Phật Sơn để biểu diễn võ thuật và bán thuốc.

Quãng đời này về sau thường bị đem ra làm trò bêu riếu của các võ sư khác khi muốn hạ thấp tên tuổi Hoàng Phi Hồng.

Trên đường lưu lạc giang hồ, Hoàng Phi Hồng đã học thêm nhiều danh sư các môn võ khác nhau, do đó tài nghệ của ông còn nổi trội hơn cha mình.

Những tuyệt kỹ nổi tiếng võ lâm của Hoàng Phi Hồng là: Hổ Hạc song hình quyền, Thiết tuyến quyền, Cung Tự Phục Hổ quyền, Vô Ảnh cước, Tử Mẫu đao, Đơn song hổ trảo,Tứ Lượng Tiêu Long côn, Song phi đà, La Hán bào.

Trong đó, hai tuyệt kỹ thường được lên phim ảnh nhất là Hổ Hạc song hình quyền (quyền pháp mô phỏng thế tấn công, phòng thủ của Hổ và Hạc) và Vô ảnh cước.

Nhưng có một điều thường hay bị nhầm lẫn, Hoàng Phi Hồng không phải là một trong Quảng Đông thập hổ (10 con hổ Quảng Đông), chỉ có cha ông là Hoàng Kỳ Anh được xếp trong số đó.

Y thuật

Báo chí Hong Kong nói Hoàng Phi Hồng khi còn sống không chỉ nổi tiếng với võ thuật xuất chúng, vô số lần đánh bại các cao thủ đến từ Trung Quốc, Nhật Bản, phương Tây.

Hình ảnh Hoàng Phi Hồng tái hiện qua tài diễn xuất của Triệu Văn Trác

Ông còn có một tuyệt kỹ khác, điều quan trọng làm nên tên tuổi và tiền bạc, đó là tài chữa bệnh bằng phương pháp cổ truyền.

“Thời ấy, trên từ văn quan võ tướng, dưới từ học trò, nông dân, ai cũng bị bệnh cũng muốn được Hoàng sư phụ đích thân chẩn trị”, báo chí Hong Kong dẫn lời các nhân chứng sống cùng thời Hoàng Phi Hồng.

Một viên tướng nổi tiếng thời bấy giờ là Lưu Vĩnh Phúc (từng cầm quân Cờ đen đánh Pháp ở Việt Nam) viết tặng hiệu thuốc của Hoàng bốn chữ: Kỹ nghệ giai tinh (giỏi cả võ lẫn y thuật).

Hoàng Phi Hồng để lại cho hậu thế một bài thuốc chữa bong gân, trật khớp khá nổi tiếng được giới y học Trung Quốc công nhận, nhưng nhiều bài thuốc khác của ông được cho là đã thất truyền.

Đặc biệt, những bài thuốc để luyện chưởng (giúp tay trở nên cứng cáp, chịu được lực tiếp xúc mạnh) giờ đây rất hiếm người được thấy.

Giới võ thuật ở Phật Sơn nói những bài thuốc đó giá trị không kém những tuyệt kỹ bí truyền, chỉ những cao thủ trong Hồng gia quyền (môn phái do Hoàng Phi Hồng sáng lập) mới được biết và dùng tới.

Theo Khám phá võ thuật