Võ cổ truyền – Kỹ thuật “hốt ngựa” độc đáo của người xưa

Tại tỉnh Quảng Nam cách nay chưa đến 80 năm, trên các võ đài Võ Tự do (tên thường gọi trong một giai đoạn ở giữa thế kỷ XX của Võ Ta, tiền thân của Võ thuật cổ truyền Việt Nam ngày nay), người ta thường thấy diễn ra một “ngón nghề” đặc thù, khá độc đáo, làm say mê khán giả, ngón nghề đó là một thế võ có tên là “Hốt ngựa”.

Võ cổ truyền Việt Nam – Đôi điều về Võ Y

Võ đạo của võ cổ truyền Bình Định

Kỹ thuật hốt ngựa của người xưa gắn liền với cách thi đấu “bắt bông, bỏ bộ” (Tay múa quyền, chân di chuyển “ngựa tứ bình”) rất đặc thù của Võ Ta trong một thời gian rất dài và chỉ chấm dứt khi xuất hiện “ngựa hồng mao” trên võ đài tự do.

Cần phân biệt giữa “Hốt ngựa” và “Bắt ngựa” vì đây là hai thế võ, mới xem thì thấy giống nhau nhưng thực sự thì khác nhau rất cơ bản.

Hốt ngựa và Bắt ngựa giống nhau ở cùng một điểm đều là những thế võ có động tác ôm chân đối thủ để đánh ngã đối thủ nhưng lại khác nhau ở những điểm:

  1. Hốt ngựa là thế ôm chân đối thủ trong tư thế rùn thấp xuống gần sát đất hoặc từ xa lặn vào nhập nội còn Bắt ngựa là thế ôm chân đối thủ trong tư thế đứng.
  2. Hốt ngựa là thế võ có thể “đánh tiên” hoặc “đánh rước” còn Bắt ngựa là thế võ chỉ dùng khi “đánh rước”. “Đánh tiên” và “đánh “rước” là nói theo ngôn ngữ thường dùng trong giới Võ Ta ngày xưa. “Đánh tiên” là chủ động tấn công trước còn “đánh rước” là đợi đối thủ tấn công rồi dựa thế mà phá đòn, phản công.
  3. CONGVINH 6_2-1

Trong thực tế chiến đấu thì bắt ngựa của đối thủ dễ hơn còn hốt ngựa của đối thủ thì rất khó nên rất hiếm có những võ sĩ thực hiện được thế võ hốt ngựa.

Ở Quảng Nam, vào những năm từ 1935 đến 1940, có võ sĩ Hồ Cưu là người ở làng Châu Bí, huyện Điện Bàn được xem là “dị nhân” với tuyệt chiêu “hốt ngựa” vô tiền khoáng hậu, không thể nhầm lẫn với bất cứ chiêu thức của ai khác.

Theo những vị cao niên tám, chín mươi tuổi thường đi xem Hồ Cưu đánh võ đài kể lại thì đêm nào có Hồ Cưu thi đấu, sân bãi đều chật ních khán giả. Khi Hồ Cưu đã nổi tiếng, ông thường được sắp xếp đánh ở độ then chốt, tức là trận cuối cùng đã về khuya. Và dù khuya đến mấy, khán giả vẫn đứng giữa sương đêm, gió lạnh để chờ xem Hồ Cưu hốt ngựa. Những võ sĩ thi đấu với Hồ Cưu gần như ai cũng biết ông sẽ “hốt ngựa” nên hết sức cảnh giác, tránh né khi Hồ Cưu hụp xuống, lặn vào nhập nội. Nhưng rồi … chính vì luôn luôn cảnh giác mà các đối thủ của Hồ Cưu rơi vào thế bị động. Khi tấn công thì họ không đủ quyết tâm, khi phòng thủ thì họ quá co cụm làm mất sự linh hoạt để trở thành mục tiêu cố định cho Hồ Cưu thực hiện một cách “gọn ghẽ” tuyệt chiêu của mình. Thường thì sau khi tung ra một số đòn giả như thật, Hồ Cưu liền hụp xuống và chớp nhoáng nhập nội gắn liền với kỹ thuật ra đòn chính xác. Chỉ trong chớp mắt, Hồ Cưu đã dùng đôi cánh tay “song câu” như móc sắt ôm gọn hai chân đối thủ, nhấc bổng đối thủ lên và đi vòng quanh võ đài… Đã hàng mươi lần, thấy Hồ Cưu “hốt ngựa” như thế, nhưng lần nào khán giả cũng sững sờ vì mọi diễn biến xảy ra quá nhanh chóng, tưởng chừng như Hồ Cưu chỉ là một cỗ máy lạnh lùng.

Về các thế võ “hốt ngựa” có hốt ngựa trước, hốt ngựa sau và hốt cả hai ngựa (từ “ngựa” ở đây được dùng để nói đến chân của đối thủ).

Khi “hốt ngựa trước”, người ta tìm cách áp sát đối thủ và lót chân trước vào sau chân cùng bên đang đứng trước của đối thủ. Khi áp sát, hai tay thủ chắc trước ngực và lấn thân trên tới trước. Đối thủ bị “kẹt” vì chân trước bị lót không thể rút lui, thân trên thì bị lấn phải ngã người ra sau. Ở tư thế này, chân trước của đối thủ bị dở lên khỏi mặt đất và đối thủ bị mất thăng bằng, ngửa người. Lúc đó, người ta ngồi thấp xuống và dùng cánh tay phải móc dưới chân trước của đối thủ, ép vai phải vào sát mông của đối thủ, gánh chân đối thủ lên còn cánh tay trái vòng ra sau ôm ngang thắt lưng đối thủ rồi đứng mạnh lên làm cả hai chân của đối thủ bị rời khỏi mặt đất.

Còn một cách “hốt ngựa trước” thứ hai là người ta tìm cách áp sát đối thủ và tiến chân sau lên lót vào sau chân khác bên đang đứng trước của đối thủ. Khi áp sát, hai tay thủ chắc trước ngực và lấn thân trên tới trước. Đối thủ bị “kẹt” vì chân trước bị lót không thể rút lui, thân trên thì bị lấn phải ngã người ra sau. Ở tư thế này, chân trước của đối thủ bị dở lên khỏi mặt đất và đối thủ bị mất thăng bằng, ngửa người. Lúc đó, người ta ngồi thấp xuống và dùng cánh tay phải móc dưới chân trước của đối thủ, ép vai phải vào sát mông của đối thủ, gánh chân đối thủ lên còn cánh tay trái vòng ra sau ôm ngang thắt lưng đối thủ rồi đứng mạnh lên làm cả hai chân của đối thủ bị rời khỏi mặt đất.

Khi “hốt ngựa sau”, người ta thường chớp thời cơ khi đối thủ đá ngang ngực, bụng, bèn hụp xuống rồi “lặn”, chân sau tiến lên áp sát đối thủ, hai tay cùng ôm chân sau đối thủ, kê vai dưới mông đối thủ rồi đứng mạnh lên làm cả hai chân của đối thủ rời mặt đất.

Khi “hốt cả hai ngựa” người ta thường chớp thời cơ khi đối thủ đá cao, bèn hụp xuống rồi “lặn”, chân sau tiến lên áp sát đối thủ và dùng cả hai cánh tay ôm sau hai khớp gối của hai chân đối thủ, đứng mạnh lên.

Như vậy, hốt ngựa trước là thế “đánh tiên” còn hốt ngựa sau và hốt cả hai ngựa là những thế “đánh rước”.

Với những kỹ thuật được mô tả như trên, có thể nói rằng không phải ai luyện thế hốt ngựa cũng thành công. Muốn thành công, ngoài điều kiện tập luyện các đòn hụp và lặn tinh xảo đến mức “xuất quỉ nhập thần”, người luyện thế hốt ngựa còn phải hết sức dũng cảm. Đức tính dũng cảm sẽ quyết định sự thành công khi nhập nội, ra đòn hốt ngựa một cách dứt khoác.

congvinh-7

Nhân đây, cũng cần tìm hiểu các kỹ thuật hụp và lặn của lối chiến đấu, thi đấu đặc thù ngày xưa.

“Hụp” là động tác ngồi thấp xuống tại chỗ trên hai chân ở tư thế gập đều (trung bình tấn thấp) để tránh chân của đối thủ đá ngang trên đầu.

“Lặn” là động tác ngồi thấp xuống tại chỗ trên một chân gập và một chân duỗi để tránh chân của đối thủ đá ngang trên đầu rồi lập tức cúi xuống cho đầu hạ thấp gần sát đất và chuyển chân duỗi thành chân gập, tiến chân gập lên áp sát đối thủ.

Với hình thức và luật thi đấu như hiện nay, các đòn “hụp” thỉnh thoảng còn có tác dụng nhưng đòn “lặn” hầu như không thể thực hiện được, do đó hốt ngựa không còn phát huy được hiệu quả.

Tuy nhiên, để phục vụ cho công việc nghiên cứu, bảo tồn Võ Ta, những thế võ đặc thù như “hốt ngựa” rất cần được tìm hiểu, phân tích một cách đầy đủ.

 Võ sư Trần Xuân Mẫn