Không chỉ vang danh là bậc thầy võ thuật thế giới, Lý Tiểu Long còn là cha đẻ của nhiều tư tưởng triết học vận động với những châm ngôn bất hủ.

Những tiếng hô vang và cú đá sấm sét từ trên cao, khả năng ra đòn đẹp như múa của bậc thầy kungfu Lý Tiểu Long đã in sâu vào tâm trí của khán giả thế giới. Có lẽ chìa khóa giúp huyền thoại Lý Tiểu Long vươn đến đỉnh cao chính là quan điểm triết học vận động do chính ông tạo ra trong quá trình sáng tạo võ phái Tiệt quyền đạo.

Tiệt quyền đạo – tiền đề của võ tự do tương lai

Đã hơn 50 năm trôi qua kể từ ngày Lý Tiểu Long sáng tạo ra Tiệt quyền đạo – phái quyền kết hợp tinh hoa nhiều môn võ trên thế giới. Đây là quyền phái chú trọng tính hiệu quả và ứng dụng thực tế, tiêu biểu như đòn Nhất thốn quyền với khả năng tấn công đối thủ trong cự ly cực gần.

Cốt lõi của Tiệt quyền đạo là Vịnh Xuân quyền. Những bước chân như phỏng theo cách di chuyển của môn quyền anh, đòn thọc mắt tương tự Vịnh Xuân quyền và sử dụng những cú đá như taekwondo. Cách trình diễn cũng giống màn nhảy điệu Cha cha cha uyển chuyển.

Lý Tiểu Long là người sáng tạo ra Tiệt quyền đạo.

Lý Tiểu Long muốn người tập võ phải dựa vào trực giác bản năng để có phản xạ nhanh nhất. Ông thường dùng nước để mô tả sự linh hoạt mà một môn võ cần đạt được qua những danh ngôn để đời: “Nước vô cùng linh hoạt, trong suốt và có thể nhìn xuyên thấu, nhưng đôi khi có thể che khuất tầm nhìn”, “Nước có thể tách thành hai dòng, bỏ qua vật cản và hợp thành một dòng ở phía bên kia”, “Nước đủ nhẹ để làm sạch. Nhưng nó cũng rất mạnh, có thể đánh sập núi và cây cối”.

Lý Tiểu Long đưa ra nhiều triết lý cho người học võ.

Võ thuật là hành trình phát triển bản thân

Ít ai biết rằng Lý Tiểu Long đã trải qua nhiều thăng trầm trong đời sống tinh thần. Năm 1970, khi 30 tuổi, Lý Tiểu Long bị thương nặng ở lưng và đứng trước nguy cơ ngừng tập võ. Không đầu hàng số phận, ông chống chọi với vết thương và bắt đầu viết về phương pháp luyện tập của mình, chứng nghiệm từ chính bản thân cho môn võ Tiệt quyền đạo đồng thời phát triển triết học vận động. Trọng tâm của triết lý này là giải phóng tinh thần bằng việc tự nhận thức bản thân.

Triết lý của Lý Tiểu Long được truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác, gồm những châm ngôn bất hủ: “Tôi không sợ những người đàn ông đã tập 10.000 cú đá 1 lần, nhưng tôi sợ người đàn ông đã tập một cú đá 10.000 lần”, “Không có cách dùng nào như cách dùng nào, không có giới hạn nào giống giới hạn nào”… Điều cốt lõi mà Lý Tiểu Long muốn truyền tải là người lĩnh hội tự tìm ra giá trị của bản thân, từ đó bứt phá giới hạn và chạm đến cảnh giới.

Lý Tiểu Long mong muốn người học võ biết cách tận dụng sức mạnh nội tại để vượt qua giới hạn.

Lý Tiểu Long từng viết trong một tác phẩm rằng: “Hồi kết của con người là hành động mà không phải là tư duy, dù tư duy cao quý nhất”. Ông đưa ra những triết lý vận động với mục tiêu cuối cùng là hành động và quay vào trong tìm kiếm sức mạnh nội tại. Như vậy, bậc thầy Lý Tiểu Long xem võ thuật không đơn thuần là vũ khí, mà còn là một hệ tư tưởng nhân văn đẹp đẽ.

Theo Zing.vn

Nguồn: giaitri.thoibaovhnt.com.vn | Copy Link