Taekwondo Việt Nam: Đâu chỉ 20 năm!

Liên Đoàn Taekwondo Việt Nam (VTF) được thành lập từ tháng 12/1996., nhiều sự kiện lớn đã được tổ chức tại TP.HCM nhân kỷ niệm 20 năm thành lập VTF. Thật ra hoạt động Taekwondo VN không chỉ mới có 20 năm, môn võ này đã có mặt tại Việt Nam từ đầu thập niên 1960 với sự góp công của rất nhiều võ sư, HLV và VĐV âm thầm gắn bó và phát triển phong trào.

Thêm hy vọng vàng cho Taekwondo VN trên đấu trường quốc tế
Taekwondo Việt Nam: “Đi tìm huy chương đối kháng”

NHỮNG NỖ LỰC BUỔI BAN ĐẦU

Taekwondo là môn võ thuật có nguồn gốc từ Hàn Quốc, phát triển thành môn thể thao Olympic từ năm 2000. Năm 1959 – khi một đoàn võ sư Taekwondo Hàn Quốc do ông Choi Hong Hi thực hiện chuyến lưu diễn đến nhiều nước châu Á – Việt Nam là một trong những điểm đến của đoàn, trong đó sân Tao Đàn (Sài Gòn) là nơi được người hâm mộ đón nhận đầu tiên.

ta2
Taekwondo Việt Nam ở giai đoạn mới thành lập.

Ba năm sau chuyến lưu diễn trên, từ đầu tháng 12/1962, khóa đào tạo HLV Taekwondo đầu tiên cho người VN được tổ chức tại Thủ Đức do võ sư 7 đẳng Nam Tae Hi hướng dẫn cho 63 khóa sinh. Kết thúc khoá học có 9 người đạt đai đen nhất đẳng, trong đó có ông Khúc Văn Bón (thủ khoa khóa học) và Nguyễn Long Vân, những người gắn bó với môn Taekwondo trọn cuộc đời. Hai ông cũng chính là những người có công đầu trong việc gầy dựng và phát triển môn Taekwondo tại TPHCM sau ngày đất nước thống nhất.

Tháng 2/1966, Tổng cuộc Thái Cực Đạo (tên gọi trước đây của Taekwondo) được thành lập và đến năm 1968 có số người tập luyện ở miền Nam khoảng 108.000 người trong các lực lượng quân đội, trường học và các võ đường tư nhân. Ngay kỳ tranh tài quốc tế đầu tiên tại giải Vô địch châu Á lần 1 (tại Hồng Kông trong tháng 9/1969), 8 VĐV đoàn Taekwondo VN đã giành được 12 huy chương (7V, 2B, 3Đ); giải lần 2 tại Malaysia, VN tiếp tục giành được 9 huy chương (4V, 3B, 2Đ).

Sau khi đất nước thống nhất (năm 1975), những ngày đầu do tình hình an ninh còn phức tạp nên hoạt động của các môn võ tạm thời chưa được phép hoạt động. Đến năm 1976, những hoạt động mang tính võ thuật ở TP.HCM được khơi dậy từ nhóm võ sư gồm các ông Nguyễn Long Vân, Nguyễn Hữu Huy, Nguyễn Quốc Tâm, Lê Duy Khiêm, Trần Minh Chánh, bà Nguyễn Thị Ngọc Chi… là những người có nhiều đóng góp cho hoạt động võ thuật trước đây. Nhóm võ sư này đã soạn ra một chương trình huấn luyện tổng hợp “Võ tự vệ chiến đấu” được huấn luyện đầu tiên tại Phòng TDTT quận Bình Thạnh. Sau đó một năm, chương trình biễu diễn Taekwondo do các võ sư có tên tuổi tổ chức tại Nhà thi đấu Phan Đình Phùng (TP.HCM) đã tạo nhiều ấn tượng đẹp với các cấp lãnh đạo và những người hâm mộ.

Đến năm 1979, khi biên giới Tây Nam và biên giới phía Bắc có biến động, cùng với phong trào rèn luyện thể thao quốc phòng được đẩy mạnh, các môn Taekwondo, Judo, Võ Cổ truyền, Vovinam… bắt đầu nhen nhóm mở lớp với danh nghĩa “Võ tự vệ, Võ dân tộc”. Hoạt động võ thuật tại TP.HCM nói chung và Taekwondo nói riêng được hồi sinh để phục vụ cho công tác bảo vệ an ninh và tạo sân chơi lành mạnh cho giới trẻ, sinh viên học sinh.

ta1
Từ năm 1980, hàng loạt CLB Taekwondo được thành lập tại TP.HCM.

Từ một CLB Taekwondo đầu tiên ở quận Bình Thạnh, hàng loạt CLB Taekwondo khác được thành lập khắp TP.HCM; phong trào ngày càng phát triển mạnh, số CLB cũng như lượng võ sinh tập luyện ngày càng nhiều nên Sở TDTT TPHCM thành lập Ban chuyên môn Taekwondo vào năm 1980 (gồm các ông Khúc Văn Bón, Nguyễn Long Vân, Nguyễn Quốc Tâm, Lê Trung Liêm, Trần Công Lý, Đào Phúc Thế…) để đưa hoạt động đi vào nền nếp và phát triển đúng hướng. Từ TP.HCM, phong trào tập luyện lan rộng đến nhiều tỉnh thành khác như Vĩnh Long, Đồng Tháp, Lâm Đồng, Đồng Nai, Vũng Tàu… với lực lượng HLV và hướng dẫn viên hầu hết là những võ sư có đai đẳng từ trước năm 1975.

Năm 1989, Liên đoàn võ thuật TP.HCM ra đời với 8 Hội võ (Taekwondo, Judo, Karatedo,Aikido, Vovinam, Võ Cổ truyền, Quyền Anh và Vật tự do) do Võ sư Khúc Văn Bón làm Chủ tịch Liên đoàn nhiệm kỳ đầu tiên (1989 – 1991) và Trưởng bộ môn Võ vật Sở TDTT TP.HCM Trương Ngọc Để làm Tổng thư ký.

Ngày 27/12/1989, giải vô địch Taekwondo mở rộng toàn quốc mang tính thể nghiệm được tổ chức tại Nhà thi đấu Phan Đình Phùng (TP.HCM) với sự tham dự của 20 đơn vị đến từ các tỉnh, thành phố và ngành trên cả nước, được xem như một cột mốc quan trọng cho việc công nhận môn Taekwondo là môn thể thao chính thống tại Việt Nam. Kể từ đó, giải Vô địch Taekwondo TPHCM toàn quốc được tổ chức hàng năm. Đến năm 1991, giải Vô địch Quốc gia đầu tiên được tổ chức, và đó chính là tiền đề thuận lợi cho việc thành lập Liên đoàn Taekwondo Việt Nam sau này.

NGẨNG CAO ĐẦU VỚI THẾ GIỚI

Từ năm 1990, Taekwondo VN đã có những hoạt động giao lưu với quốc tế. Nhiều giải Taekwondo được tổ chức tại Hà Nội và TP.HCM với sự tham dự của những nước có phong trào mạnh như Hàn Quốc, Đài Loan, Singapore, Thái Lan, Úc, Philippines, Lào, Campuchia…

t2
Thế hệ Vàng của Taekwondo Việt Nam. Từ phải sang: Nguyễn Đăng Khánh, Hồ Nhất Thống, Nguyễn Thị Huyền Diệu, Trần Hiếu Ngân, Trần Quang Hạ, Nguyễn Văn Hùng.

Nhân SEA Games 16 tổ chức tại Philippines năm 1991, Taekwondo VN chính thức có mặt trên đấu trường quốc tế và ngay lần ra mắt đầu tiên này đã tạo được ấn tượng khi đoạt 3 huy chương: HCV của Trần Quang Hạ, HCB của Lê Thị Kim Hương và HCĐ của Nguyễn Đăng Khánh. Ba năm sau, cũng chính Trần Quang Hạ làm rạng danh Taekwondo VN trên đấu trường châu Á với chiếc HCV tại Asian Games Hiroshima năm 1994. Đến năm 1998 là thành tích tương tự của Hồ Nhất Thống tại Asian Games 15 Bangkok càng thêm khẳng định sự lớn mạnh của Taekwondo Việt Nam trên các đấu trường châu lục. Tuy nhiên, đến khi Trần Hiếu Ngân đoạt chiếc huy chương bạc Olympic Sydney 2000 thì Taekwondo VN mới có dịp ngẩng cao đầu trên đấu trường thế giới. Tiếp theo, chiếc HCV của Hoàng Hà Giang đoạt được tại giải VĐTG trẻ năm 2006 tổ chức tại TPHCM càng khiến làng Taekwondo thế giới thêm trân trọng sức vươn lên của Taekwondo VN, báo hiệu sự trở lại nhiều hứa hẹn với phong trào Taekwondo quốc tế.

Taekwondo trở thành một trong những môn mũi nhọn của thể thao VN, được ngành TDTT các cấp quan tâm và đầu tư. Rất nhiều tỉnh, thành đã đưa bộ môn này vào trường Nghiệp vụ, đội tuyển quốc gia được sang Hàn Quốc và Đài Loan tập huấn 1 đến 2 lần/năm, tuyến trẻ của Hà Nội và TP.HCM được dự các giải quốc tế và học hỏi ở nước ngoài.

Đội ngũ HLV, trọng tài cũng được nâng cao trình độ. Từ đó, Taekwondo Việt Nam đã giành được nhiều kết quả quan trọng trong các kỳ tranh tài quốc tế. Ngoài rất nhiều HCV tại các kỳ SEA Games và  Giải vô địch Đông Nam Á, Taekwondo Việt Nam còn chiếm được 2 HCV ASIAD (Trần Quang Hạ – 1994, Hồ Nhất Thống – 1998), 1 HCV châu Á (Trần Hiếu Ngân – 1998), 3 HCĐ thế giới (Trần Quang Hạ, Trần Thị Mỹ Linh, Hồ Nhất Thống), 2 nữ võ sĩ Nguyễn Thị Xuân Mai, Trần Hiếu Ngân đoạt được vé đến Olympic năm 2000 và Hiếu Ngân đoạt HCB Olympic đầu tiên cho lịch sử thể thao Việt Nam.

Tháng 12/1996, Liên Đoàn Taekwondo Việt Nam (VTF) được thành lập và bầu Ban Chấp hành nhiệm kỳ I (1996 – 2000) gồm 17 thành viên: Chủ tịch là Thứ trưởng Bộ Nội vụ Đặng Quốc Tiến, các Phó chủ tịch gồm ông Hà Văn Dũng (Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư TPHCM), Nguyễn Long Vân (Chủ tịch Hội Taekwondo TPHCM); riêng Tổng Thư ký Liên đoàn Võ thuật TP.HCM Trương Ngọc Để được tín nhiệm vào chức vụ Phó Chủ Tịch kiêm Tổng thư ký VTF.

Liên đoàn ngày càng phát huy tác dụng của một tổ chức xã hội về thể thao, góp phần rất quan trọng vào việc củng cố và đưa phong trào, thành tích của Taekwondo VN thành một cường quốc của khu vực và châu lục với khoảng 80.000 võ sinh thường xuyên tập luyện trên phạm vi toàn quốc. Nhiều đơn vị có phong trào mạnh như TP.HCM, Hà Nội, Bà Rịa-Vũng Tàu, Đồng Nai, Bình Thuận, Khánh Hòa, Đà Nẵng, Phú Yên, Lâm Đồng, An Giang, Tiền Giang, Cà Mau, Quân Đội…

t1
Các HLV, VĐV Taekwondo Việt Nam tại lễ kỷ niệm 20 năm thành lập.

Điều khiến các quan chức Taekwondo châu lục và thế giới xem trọng Taekwondo VN không chỉ là thành tích của VĐV mà còn là năng lực tổ chức các giải đấu. Trong 20 năm hoạt động, VTF đã tổ chức thành công nhiều giải đấu chính thức thuộc cấp độ khu vực, châu lục, cũng như thế giới. Không chỉ nhiều lần nhận đăng cai các Giải Vô địch Đông Nam Á, Taekwondo Việt Nam còn nhận đăng cai các giải lớn như Giải Vô địch châu Á (năm 1998 và 2012), World Cup năm 2001, Giải Vô địch trẻ thế giới năm 2006, Giải tuyển chọn vòng loại Olympic 2007 khu vực châu Á… khẳng định được khả năng đăng cai tổ chức các giải thi đấu quốc tế, tạo được uy tín và sự tin tưởng đối với WTF, ATU, ATF và các nước. Tuy nhiên, việc hủy bỏ không đăng cai tổ chức Giải vô địch quyền Taekwondo thế giới lần thứ 10 năm 2015 có làm ảnh hưởng đến vị thế và hình ảnh của Taekwondo VN.

NỘI  DUNG QUYỀN LẤY LẠI UY DANH

Sau các thành công của Trần Quang Hạ, Hồ Nhất Thống, Trần Hiếu Ngân, Hoàng Hà Giang… Taekwondo VN chững lại về thành tích ở nội dung đối kháng, dù sau đó xuất hiện những võ sĩ mới có tài năng như: Nguyễn Văn Hùng, Nguyễn Thị Huyền Diệu, Nguyễn Duy Khương, Lê Huỳnh Châu, Nguyễn Trọng Cường, Nguyễn Thị Hoài Thu, Dương Thanh Tâm, Nguyễn Văn Duy, Hà Thị Nguyên, Trương Thị Kim Tuyền, Phạm Thị Thu Hiền…. Lứa võ sĩ mới này tuy vẫn giữ vững thành tích cho Taekwondo VN ở đấu trường SEA Games nhưng tất cả đều không thể lặp lại thành tích của đàn anh, đàn chị ở các đấu trường Asian Games và Olympic.

t7
Châu Tuyết Vân (ngoài cùng bên trái) và các đồng đội và các đồng đội tại ĐT quyền Taekwondo Việt Nam.

Các võ sĩ Việt Nam tiếp tục đoạt huy chương ở các kỳ Asian Games 2002, 2006, 2010 nhưng thành tích cao nhất cũng chỉ là HCB (các VĐV Nguyễn Thị Huyền Diệu, Đinh Vương Duy, Phan Tấn Đạt, Nguyễn Văn Hùng, Hoàng Hà Giang, Nguyễn Thị Hoài Thu) và ASIAD lần thứ 17 Incheon 2014 chỉ có 2 HCĐ (Phạm Thị Thu Hiền, Hà Thị Nguyên). Tương tự, các võ sĩ Việt Nam tiếp tục đoạt vé dự các kỳ Olympic Athens 2004, Bắc Kinh 2008, London 2012 nhưng cho đến nay vẫn không ai có thể khoác lá cờ Việt Nam bước lên bục huy chương như Trần Hiếu Ngân tại Sydney đã làm được năm 2000. Đỉnh điểm là thất bại nặng nề: không đoạt được vé nào đến Olympic Rio 2016.

Khi thành tích nội dung thi đấu đối kháng đi xuống  thì các VĐV quyền Việt Nam đã lấy lại uy danh cho  Taekwondo VN ở các nội dung đấu quyền. Sau khi Liên đoàn Taekwondo Thế giới hình thành riêng biệt giải thi đấu đối kháng và giải vô địch thế giới đấu quyền, VĐV chúng ta luôn đạt thành tích cao nội dung đấu quyền,. Không kể đến những chiếc huy chương vàng tại các kỳ SEA Games và giải Vô địch châu Á, đội tuyển VN đã 3 lần liên tiếp xếp hạng nhì toàn đoàn tại các Giải Vô địch thế giới Quyền vào các năm 2009, 2010, 2011 với những chiếc HCV của Nguyễn Đình Toàn, Nguyễn Minh Tú. Lê Trung Anh, Nguyễn Thị Thu Ngân, Nguyễn Thi Lệ Kim, Châu Tuyết Vân, Nguyễn Thùy Xuân Linh, Lê Thanh Trung, Nguyễn Thiên Phụng, Lê Hiếu Nghĩa, Nguyễn Quốc Minh, Liên Thị Tuyết Mai.

Tháng 10/2016 vừa qua, trong giải đấu lớn nhất thế giới với sự tham dự của hơn 50 quốc gia và vùng lãnh thổ, các VĐV Việt Nam vẫn thi đấu tự tin ở 15 nội dung quyền tiêu chuẩn và 8 nội dung quyền sáng tạo. Các VĐV Nguyễn Thị Kim Hà, Lê Trần Kim Uyên, Trần Hồ Duy, Trần Đăng Khoa, Nguyễn Ngọc Minh Hy, Nguyễn Quang Trí đăng quang nội dung đồng đội quyền sáng tạo dưới 17 tuổi, còn 3 cô gái trẻ còn đang ở độ tuổi 12-13 là Hamizah, Nguyễn Kim Phương, Lê Ngọc Hân lần đầu bước lên đỉnh vinh quang nội dung quyền tiêu chuẩn thiếu niên. Nếu như Phương và Hamizah là những VĐV của TP.HCM thì Lê Ngọc Hân là VĐV của đơn vị Vĩnh Long, mới lên tập trung đội tuyển chưa lâu nhưng đã thích ứng rất nhanh và đáp ứng được các bài tập đòi hỏi kỹ thuật cao. Thành tích từ sân chơi lớn như giải VĐTG tại Peru vừa rồi là tín hiệu lạc quan cho quyền Taekwondo Việt Nam, nhất là khi nội dung quyền sẽ có mặt trong chương trình thi đấu chính thức của Asiad 2018 tại Indonesia.

Làm sao để Taekwondo Việt Nam tiếp nối được thành tích của Quang Hạ, Nhất Thống, Hiếu Ngân, Hà Giang ở nội dung thi đấu đối kháng vẫn luôn là nỗi niềm của những người có trách nhiệm với phong trào Taekwondo nước nhà. Phong trào vẫn phát triển đều khắp, số lượng người tập luyện vẫn không giảm sút, hệ thống các giải trong nước vẫn được tổ chức đều đặn, thậm chí quan tâm đến việc tổ chức giải ở các địa phương xa xôi để gầy dựng phong trào tập luyện và phát hiện nhân tố mới, các tuyển thủ vẫn được tạo cơ hội đi tập huấn nước ngoài đều đặn, chế độ ưu đãi cho HLV, VĐV được cải thiện. Thế thì tại sao, Taekwondo Việt Nam vẫn không thể vượt ngưỡng như đã từng làm được trong những năm cuối thế kỷ trước. Còn điều gì bất cập dẫn đến tình trạng này? Đó là câu hỏi mà Bộ môn và BCH Liên đoàn Taekwondo Việt Nam đang quyết tâm tìm ra lời đáp để mang Taekwondo Việt Nam trở lại đỉnh cao trước đây, đáp ứng đúng kỳ vọng của mọi người.


CHU NGỌC (Tổng hợp)