Giai đoạn đầu của người mới bắt đầu tập Vĩnh Xuân

Một số bạn thường hỏi tôi “Phải bắt đầu tập Vĩnh Xuân như thế nào?”. Câu hỏi này tôi cũng muốn giải đáp từ rất lâu rồi, nhưng cần phải có thêm một số kiến thức nữa thì hôm nay tôi mới có thể viết ra để thỏa đáng sự tò mò các bạn.

>>> Xem màn bịt mắt niêm thủ ấn tượng của Vĩnh Xuân nước ngoài

>>> Bài Thủ Đầu quyền cho người mới tập Vịnh Xuân

4220xtylnipman4
Không bước đi thì không bao giờ hết đường…

Phàm khi làm việc gì, khó khăn nhất là lúc bắt đầu, rất nhiều thứ cần phải thực hiện mà bạn lại không chắc chắn về những gì mình đã có, bạn mơ hồ trong một đống kiến thức của mình và không biết sắp xếp sao cho hợp lý. Bạn rụt rè trong việc thực hiện và bỏ bê nó trong một khoảng thời gian dài sau…, thì đó là vấn đề của bạn, và bạn cần phải khắc phục vấn đề đó để có thể bước tiếp trong công việc của mình được suôn sẻ và thành công.

Đối với Vĩnh Xuân Quyền cũng không ngoại lệ, với những bạn đã trải qua quá trình luyện tập trước đó rồi thì việc nghiên cứu và rèn luyện Vĩnh Xuân Quyền tương đối dễ dàng hơn so với những bạn hoàn toàn mới trong việc luyện tập môn võ này. Các bạn mới thường hay băn khoăn, liệu tập một mình và không có thầy hướng dẫn thì có tập được đúng không? Và nếu tập sai thì có vấn đề gì không?

Đương nhiên, mình vẫn luôn đề cao việc bạn đến một võ đường hay một sân tập nào đó, có thầy và bạn bè cùng luyện tập. Điều này là tốt nhất cho bạn. Nhưng nếu bạn ở trong hoàn cảnh không đủ điều kiện để có thể được học và luyện tập trung với mọi người, bạn vẫn có thể tập một mình được.

Bản thân tôi vẫn thường xuyên luyện tập một mình và đôi lúc có sự hướng dẫn, hỗ trợ từ phía thầy giáo và các bạn cùng luyện tập. Nhưng để có được như thế, tôi cũng phải trải qua một thời gian dài rất lâu trong việc tự luyện tập. Không gì là không thể làm được.

Những điều cần chuẩn bị cho người mới tập

Điều đầu tiên tôi muốn khuyên các bạn mới bắt đầu vào tập, hãy xác định niềm đam mê của mình có thật sự lớn hay không hay chỉ là thú vui nhất thời mà hào hứng luyện tập. Nếu những bạn có suy nghĩ như thế thì tốt nhất nên ngừng luôn việc tìm và nghiên cứu Vĩnh Xuân Quyền vì chỉ phí thời gian thôi. Tôi có một số bạn chia sẻ rất thích môn võ này, nhưng chỉ có thể tập được 2 tháng là nghỉ, vì họ thực sự chỉ thích trong 2 tháng thôi.

images
Sau khi đã tìm hiểu về Vĩnh Xuân, hãy tìm hiểu chính bản thân mình.

Điều thứ 2 mà các bạn cần là nghiên cứu lịch sử, nguồn gốc ra đời và sự phát triển của môn võ Vĩnh Xuân Quyền. Không gì chắc chắn bằng một nền tảng kiến thức sâu và vững vàng. Càng hiểu rõ về môn võ này bao nhiêu, bạn càng dễ dàng tiếp thu tinh hoa và phương pháp luyện tập của Vĩnh Xuân Quyền bấy nhiêu. Đừng chỉ nên chăm chú vào mỗi việc luyện tập mà quên rằng cái lý do tại sao môn võ này ra đời.

Điều thứ 3, sau khi đã tìm hiểu về Vĩnh Xuân, hãy tìm hiểu chính bản thân mình. Chỉ có mình mới hiểu rõ nhất về bản thân mình. Hãy khẳng định chắc chắn rằng mình có thể tập được nó. Và dù bạn sinh ra là một người to lớn, khoẻ mạnh hay chỉ là một gã yếu đuối, rụt rè thì tất cả chúng ta đều sở hữu một sức mạnh tiềm tàng, hãy tìm cách điều khiển được nó.

Điều thứ 4, hãy chuẩn bị cho mình những thứ tốt nhất để có thể luyện tập như: dụng cụ, sân bãi… Hãy chú rằng, Vĩnh Xuân Quyền tập luyện không cần phải ở chỗ rộng rãi, không cần phải bay nhảy. Các dụng cụ cho người mới tập cũng chỉ nên đơn giản, theo tôi chỉ cần một chiếc vòng mây (để tập khuôn khổ), một bao cát nhỏ treo tường (để tập phát lực), một đoạn dây nhảy (để tập thể lực). Côn gậy, Bát trảm đao (thường thì là một đoạn gỗ ngắn tựa tựa vậy), Mộc nhân (nếu có điều kiện) có thể sau một năm luyện tập bạn hãy nghĩ tới cũng được.

Bước vào con đường luyện tập

Phần này sẽ rất ngắn thôi.

Chân là gốc rễ của mọi vận động, chân không chắc thì người không vững, lực không mạnh. Hãy tập cho đôi chân của mình trở thành vững chắc hơn bằng các bài tập đứng tấn (xuyên suốt trong mọi quá trình luyện tập). Ban đầu tập đứng tấn ở nơi thăng bằng, sau chuyển sang đứng tấn ở những vị trí chông chênh.

vothuat.local.dev/wp
Đừng quá gò bó, khuôn khổ, hãy tự tạo cho mình một thời khóa biểu riêng và quan sát sự thay đổi của bản thân mình.

Bộ pháp: dù mọi đòn đánh có mạnh mẽ bao nhiêu nếu không trúng đích cũng chỉ là vô ích. Đỡ một đòn không bằng né tránh nó. Tập luyện bộ pháp thành thạo không những giúp tránh né nhanh nhẹn mà còn phát huy được uy lực của những đòn đánh. Hãy luôn luôn nghĩ trong đầu mình là luôn luôn cần tới sự di chuyển nhưng cảnh giới cao nhất của Vĩnh Xuân lại là có thể đứng một chỗ tiếp đòn đánh của đối thủ.

Đấm: đòn thẳng luôn là đòn nhanh nhất có thể trúng đích, gây chấn thương cho đối thủ và khắc chế những đòn tấn công. Hãy tập cho mình một cú đấm có uy lực.

Tiểu Niệm Đầu là bài tập đầu tiên cho những người mới tập Vĩnh Xuân. Không gì có thể tốt bằng một bài tập ngắn gọn và xúc tích như thế. Ngày xưa Lý Tiểu Long cũng chỉ có tập duy nhất một bài này thôi. Những yếu tố trong bài Tiểu Niệm Đầu tạo nên một nền tảng Vĩnh Xuân vững chắc và phát triển về sau.

Mềm lỏng nhưng đầy uy lực, Vĩnh Xuân Quyền là một môn võ “chí nhu chí cương”. Cơ thể có mềm dẻo thì đòn đánh mới nhanh, mới sâu được.

Cuối bài viết này, tôi rất mong nó có thể giúp ích được cho những bạn mới bước vào con đường luyện tập. Đó không phải là những vấn đề cao siêu gì, huyền bí gì mà rất đơn giản thôi, và tôi vẫn luôn coi Vĩnh Xuân Quyền như là một môn thể thao mà tôi có thể chơi hằng ngày. Đừng quá gò bó, khuôn khổ, hãy tự tạo cho mình một thời khóa biểu riêng và quan sát sự thay đổi của bản thân mình các bạn nhé.

Chúc các bạn thành công!

Trích Lophocvinhxuan.com