Đại chiến Yi Long – Buakaw: “Máu nhuộm” thành Nam Kinh

Yi Long – Buakaw, hai tên tuổi lớn trong làng võ thuật châu Á đủ để gợi cho người hâm mộ nghĩ về một cuộc đại chiến thú vị.

Cận cảnh buổi tập luyện của Buakaw trước trậu tái đấu Yi Long
Những cách luyện công “bá đạo” của võ sư Thiếu Lâm Yi Long

Sau nhiều lần tạm hoãn, cuộc đối đầu đầy duyên nợ giữa “Đệ nhất Thiếu Lâm” Yi Long và “Ông hoàng Muay Thai” Buakaw được ấn định diễn ra vào tối ngày 5/11 tới đây. Giới võ thuật châu Á đã chờ đợi hơn một năm để chuẩn bị chứng kiến trận đấu đáng xem nhất trong năm 2016.

ĐẠI CHIẾN CỦA NIỀM KÊU HÃNH

Năm ngoái, Yi Long thất bại trước Buakaw đã làm tổn thương nghiêm trọng đến hình ảnh võ thuật Thiếu Lâm. Với người Trung Quốc, họ xem Thiếu Lâm như cái nôi của võ thuật châu Á. Người dân nước này vẫn tự vỗ ngực dương oai, họ luôn tự hào về võ nền võ học nước nhà. Tuy nhiên, thất bại trước Muay Thai đã làm tổn thương đến danh dự của đất nước hơn 1,4 tỷ dân.

Xét về bề dày lịch sử, Thiếu Lâm Tự “nhỉnh” hơn Muay Thai. Trải qua hàng nghìn năm biến động, Thiếu Lâm được cho là nơi lưu giữ nhiều tuyệt học võ công đã trở thành huyền thoại. Cái tên Thiếu Lâm thất thập nhị huyền công đã trở thành thương hiệu. Với cộng đồng võ thuật, những tuyệt kỹ như: Thập Bát Đồng Nhân trận, Nhất chỉ thiền công, Thiết đầu công, Điếu tử công… đã trở nên quá quen thuộc.

4

Dù có nhiều quan điểm cho rằng võ thuật Thiếu Lâm chỉ đẹp chứ không mang nặng tính thực chiến nhưng thực tế cũng chưa phải đúng hoàn toàn. Trên các võ đài, việc thi đấu theo luật lệ hiện đại đã hạn chế đi nhiều thế mạnh của võ thuật truyền thống như Thiếu Lâm (vốn mạnh về những pha ra đòn hiểm). Yi Long là võ sĩ hoàn toàn khác. Nhiều năm liền đi chinh chiến khắp nơi trên thế giới đã giúp anh rèn luyện được kỹ thuật toàn diện của bản thân. Chưa kể, võ sư Thiếu Lâm sở hữu nhiều tuyệt kỹ nội công rất đáng nể.

Muay Thai sinh sau đẻ muộn hơn so với tượng đài võ học của Trung Quốc nhưng nói về tính tàn bạo, nó “nhỉnh” hơn đối phương một bậc. Hệ thống chiến đấu của Muay được cho là toàn diện nhất thế giới hiện nay. Trong khi nhiều môn võ khác ở các nước trong khu vực vốn bị ảnh hưởng ít nhiều từ nguồn gốc của Thiếu Lâm Tự thì người dân Thái Lan tự hào rằng võ thuật của họ không bị ảnh hưởng bởi điều đó.

Muay Thai có xuất xứ từ thế kỷ 14 (nhưng cũng có sách ghi là thế kỷ 16) khi quân đội Thái Lan xây dựng kỹ năng chiến đấu. Từ đó, người Thái đã tập môn võ mang tính chiến đấu rất cao này, sau đó trải qua hàng trăm năm chiến đấu thực tế, bổ sung sở trường – loại bớt sở đoản, các cao đồ của Muay Thái đã khắc khổ nghiên cứu luyện tập, dần dần biến thành một loại võ đánh trên võ đài mang tính “hủy diệt” như ngày nay.

5

Ở Thái Lan, Buakaw được xem là “thánh” là “đứa con của quỷ” bởi những chiến tích khủng khiếp của anh trên đấu trường thế giới. Dù ở bất kỳ hoàn cảnh nào, họ vẫn luôn tự hào về môn võ của mình, luôn đặt niềm tin tuyệt đối vào ông hoàng Muay Thai. Có thể đất nước Thái Lan đang trải qua cơn đau buồn nhất trong lịch sử khi quốc vương vừa qua đời, nhưng chắc chắn điều đó sẽ không làm giảm đi sự quan tâm của họ đối với cuộc đại chiến sắp tới.

Không đơn thuần là một cuộc chiến bình thường, Yi Long – Buakaw chính là biểu tượng của hai trường phái võ thuật lớn nhất châu Á lúc này. Người Trung Quốc rất ưa chuộng võ thuật, họ đặt niềm tin rất lớn vào võ sư Thiếu Lâm ở trận đấu sắp tới; họ vẫn luôn quan niệm rằng đây là “cuộc đại chiến của niềm kiêu hãnh”. Lần trước Yi Long đã thua và lần này tất cả người dân nước này không muốn điều đó tiếp tục lặp lại trên đất Nam Kinh.

“MÁU NHUỘM” THÀNH NAM

Tính từ trận thua năm ngoái đến nay, Yi Long chưa để thua thêm một trận đấu nào nữa. Võ sĩ Trung Quốc đã trải qua 9 trận đấu bất bại. Anh có những chiến thắng ấn tượng trước các võ sĩ sừng sỏ như: Koizumi (Nhật), Raul Rodriguez (Mỹ), Issa (Iran), Enriko Kehl (Đức), Frans Sanchez (Australia)… Ở trận tái đấu gần đây nhất trước võ sĩ Masato Uchiyama của Nhật Bản, Yi Long đã thi đấu lấn át đối thủ và giành chiến thắng thuyết phục.

Trong một năm qua, Yi Long tiến bộ rõ rệt. Ngoài việc thắng như chẻ tre, anh còn rèn luyện nhiều nội công đáng sợ. Còn nhớ hồi cuối năm ngoái, anh khoe treo cổ luyện công không sợ tắt thở. Trong Thiếu Lâm Tự, đó được gọi là Điếu tử công. Có rất ít người dám luyện môn nội công này nhưng Yi Long lại làm được điều đó khiến nhiều người thán phục. Thời gian gần đây, người ta thường thấy anh tung lên mạng nhiều clip đá chân, đấm vào cột điện sắt thép để rèn độ cứng cho chân và tay. Chứng kiến nhiều màn luyện công của Yi Long, người hâm mộ cũng phần nào có niềm tin hơn để đặt cược một chiến thắng cho anh ở trận tái đấu sắp tới.

6

Tuy nhiên, đối thủ của Yi Long là “người thép” Buakaw. Nổi tiếng với thân hình sắt đá cùng nền tảng thể lực tuyệt vời, Buakaw chắc chắn không dễ dàng bị lép vế. Nếu có điều gì để chỉ ra sự yếu thế của Buakaw so với đối thủ thì đó hẳn là tuổi tác. Buakaw lớn tuổi hơn, do đó trong thời gian gần đây anh thường xuyên thực hiện các bài tập thể lực. Đấu với một người có khả năng chịu đòn giỏi như Yi Long thì việc giữ thể lực trong suốt trận đấu là điều cực kỳ quan trọng. Hơn ai hết, Buakaw hiểu rõ đối thủ của mình nhất, chắc chắn anh sẽ có những tính toán cho riêng mình ở trận đấu sắp tới.

Việc thi đấu theo luật kickboxing được cho là yếu tố quan trọng để đẩy kịch tính trận đấu lên cao. Đã gặp nhau một lần và hiểu rõ về nhau nên giới chuyên môn dự đoán cả hai võ sĩ sẽ không ngần ngại chơi tấn công. Một trận đấu lớn luôn mang nhiều ý nghĩa, ở đó là cái tôi, là danh dự của bản thân, là niềm tự hào của môn võ, là niềm kêu hãnh của một dân tộc, vì thế nó hứa hẹn là cuộc đấu nảy lửa và có thể sẽ có máu rơi.

Với một chiến binh thép như Buakaw, anh quá quen thuộc với những trận chiến đẫm máu, không ít lần anh bị đối phương đánh rách mặt, toét đầu nhưng vẫn chiến thắng bằng sự quả cảm. Đất Nam Kinh vào đêm 5/11 tới đây có lẽ sẽ không ngoại lệ. Dù máu có “nhuộm” đỏ sàn đài thành Nam Kinh thì người hâm mộ cũng sẽ háo hức chờ đợi. Hơn 1 năm cho một cuộc đại chiến, thời gian đó không quá dài nhưng nó đủ để người ta biết cảm giác lâu như thế nào để chứng kiến trận đấu mà người Trung Quốc gọi là “chiến tranh thế giới lần thứ 2”.

Võ Đạt – VoThuat.vn

https://youtu.be/7Y4ZR8Vpy68