Việt – Thái so tài hữu nghị trên sàn Thách Đấu Muay

Trận Thách đấu Muay Thái ngày 29/8 của hai võ sĩ Nguyễn Thanh Tùng (CLB Muay TP.HCM) và Malanon Anuwat (Thái Lan) được đánh giá là một trong những cuộc đối đầu thú vị nhất mùa giải Let’s Viet 2015 tính tới thời điểm này.

Thanh Tùng – Anuwat: Lửa thử vàng, gian nan thử sức

Thanh Tùng – Anh Chiến: Sân khấu của…người thua cuộc

Cơ hội “trời cho”

Tuy các võ sĩ Muay Việt Nam đã và đang dần khẳng định vị thế trang các võ đài khu vực và quốc tế, thê snhưng việc chào đón một võ sĩ đúng chất “máu Thái, cơm Thái, đánh võ Thái” đến thăm và thi đấu ngay trên sân nhà vẫn là một cơ hội không thể bỏ lỡ cho các võ sĩ Muay Việt, đặc biệt là những tên tuổi non trẻ nhưng đầy tiềm năng như Nguyễn Thanh Tùng – chàng trai sinh năm 1996 đang nắm giữ chiếc HCV Giải Tp.HCM mở rộng 2015.

Võ sĩ Nguyễn Thanh Tùng (đỏ) là lựa chọn phfu hợp nhất để tiếp đón người bạn Thái Lan trên sàn Muay
Võ sĩ Nguyễn Thanh Tùng (đỏ) là lựa chọn phfu hợp nhất để tiếp đón người bạn Thái Lan trên sàn Muay

Từng thi đấu một cách đầy máu lửa trên sàn Let’s Viet (ngày 26/7) nhưng sau đó phải ngậm ngùi thua cuộc vì chấn thương rách mí mắt, Nguyễn Thanh Tùng sớm được BTC cân nhắc đến khi mời Malanon – chàng võ sĩ tuy còn rất trẻ (20 tuổi) nhưng đã có kinh nghiệm 35 trận đấu trước đây. Hơn bất cứ ai, Thanh Tùng cần một cơ họi để chứng tỏ bản thân trong một trận đấu 3 hiệp thực thụ. Vả lại, xét về cả tuổi đời, hạng cân, bản lĩnh, Thanh Tùng chính là “quả cân” thích hợp cho người bạn – đối thủ đến từ xứ sở Chùa Vàng, cũng là đất tổ Muay Thái.

Với kinh nghiệm luyện tập ngay tại môi trường võ thuật Thái Lan khắc nghiệt, cộng thêm bề dày “chiến tích” thi đấu tại các giải sinh viên, Malanon Anuwat ngay từ đầu đã được “đặt cược” sẽ thắng Thanh Tùng. Thế nhưng, đối với chàng võ sĩ Muay trẻ mang dòng máu Việt, chuyện thắng thua không phải là vấn đề có thể cản bước anh trên sàn đấu – đánh để học hỏi, đánh để trưởng thành. Nhất là khi trận đấu này có thể xem như là “món quà trời cho”

Những đòn chân tầm xa sở trường của Thanh Tùng luôn được sử dụng triệt để
Những đòn chân tầm xa sở trường của Thanh Tùng luôn được sử dụng triệt để

Không diễn mà đẹp

Đúng như nhiều người dự đoán, Malanon đã có lợi thế và giành chiến thắng. Thế nhưng, cách mà trận đấu diễn ra – điều đó nổi bật và đáng nhớ đến mức kết quả của cuộc so tài Việt – Thái này đã chẳng còn là vấn đề quan trọng.

Nguyễn Thanh Tùng – chàng võ sĩ từng được Let’s Viet gọi tên “Vị giám khảo đeo găng” khi giành được nhiều chiến thắng thuyết phục trong sự nghiệp đã chiến đấu không chỉ bằng những gì anh sẵn có, mà còn là sự tiến bộ không ngừng, kể từ lần cuối ta nhìn thấy anh trên sàn Thách đấu – ngày 25/7. Đối mặt người anh (đúng nghĩa, nếu tính cả tuổi đời lẫn tuổi võ), lại là một võ sĩ sinh trưởng ngay trên “thánh địa” Muay, Thanh Tùng hiển nhiên tồn tại nỗi dè chừng nhất định. Nhưng chính anh đập tan nỗi sợ đó bằng tất cả những gì anh có, đủ mọi đòn thế đa dạng – từ các đòn tấn công tầm xa sở trường cho đến những pha chỏ gối cận chiến. Thậm chí, đã có lúc anh gần như quật ngã được Malanon – nếu như đối thủ xứ Chùa Vàng này thiếu đi một chút kinh nghiệm và sự bình tĩnh.

7
Tuy không máu lửa như sàn Muay Thái bản địa, nhưng trận đấu này vẫn luôn có những khoảnh khắc mãn nhãn

Bản thân Malanon, tuy không chiến đấu theo lối băm bổ máu lửa thường thấy của các võ sĩ Muay bản địa, nhưng anh cũng thực hiện đúng vai trò của mình, không chỉ là một võ sĩ trên sàn Thách đấu, mà còn là lời chào, là thông điệp giao lưu và hữu nghị đến cộng đồng võ thuật Việt. Không chủ động tìm kiếm cơ hội “hạ màn”, nhưng Malanon lì lợm đánh trả lại từng đòn thế mà chính Thanh Tùng thử sử dụng để triệt hạ anh – như một lời thách thức ngầm.

Càng về sau, cán cân thế trận càng nghiêng về Malanon  nhưng Thanh Tùng vẫn gan lì chịu đựng và duy trì thể lực, kể cả khi vết thương rách mí mắt – chấn thương “định mệnh” của anh lại tái diễn. Anh tiếp tục chiến đấu với vệt máu lăn dài trên mắt, như một sự tôn trọng với chính đối thủ đã vượt hơn ngàn cây số để đến với trận đấu này.

Kết quả chung cuộc, Malanon thắng điểm tuyệt đối, sau 3 hiệp thi đấu mà cả hai võ sĩ đều không tìm được cơ hội knock out đối phương.

Một pha đòn tuyệt vời của Malanon - anh gần như "tung hứng" Thanh Tùng trước khi quật cả người đối thủ xuống sàn. Trong suốt trận đấu, Malanon còn liên tục quật ngã được Thanh Tùng nhiều lần như thế.
Một pha đòn tuyệt vời của Malanon – anh gần như “tung hứng” Thanh Tùng trước khi quật cả người đối thủ xuống sàn. Trong suốt trận đấu, Malanon còn liên tục quật ngã được Thanh Tùng nhiều lần như thế.

Theo dõi trận đấu, những người yêu mến bộ môn Muay Thái dễ dàng liên tưởng tới những trận “Exhibition” – các trận đấu hay thấy tại Thái Lan, nơi các võ sĩ có dàn xếp với nhau, bước lên sàn không phải để hạ gục nhau, mà để cống hiến cho khán giả những khoảnh khắc đẹp nhất của Muay Thái.

Tuy trận Thách đấu Muay Thái này không phải là trò biểu diễn, nhưng độ gan lì, tỉnh táo và trình độ của cả hai võ sĩ đã thực sự đem đến cho khán giả những phút giây mãn nhãn nhất, đem lại những trải nghiệm thực thụ của Muay Thái. Malanon chạm tay chúc mừng đối thủ như một lời chào cảm ơn đến đất nước đã yêu chuộng và tập luyện bộ môn võ thuật xứ Chùa Vàng, còn Thanh Tùng hoàn thành được ước nguyện chiến đấu đủ 3 hiệp trên sàn Let’s Viet – trước một đối thủ mà chính anh cũng đánh giá rất cao, bất kể giọt máu tràn dọc xuống mặt.

Và điều đáng nói nhất, chính là khán giả – những người đã tận hưởng trọn vẹn cảm xúc và mọi khoảnh khắc từ trận Thách đấu Muay Thái tuần này.

Thanh Tùng và vết cắt trên chân mày trái (đã được cầm máu). Các chấn thương rách da mặt có lẽ là điều "ám ảnh" sự nghiệp chàng trai sinh năm 1996 này.
Thanh Tùng và vết cắt trên chân mày trái (đã được cầm máu). Các chấn thương rách da mặt có lẽ là điều “ám ảnh” sự nghiệp chàng trai sinh năm 1996 này.

Nét văn hóa thượng võ Việt – Thái bên ngoài trận đấu

Nhắc đến Hữu nghị, người ta thường nghĩ đến những sự kiện quan trọng mang tầm cỡ quốc gia. Thế nhưng, sự thật rằng Hữu nghị là điều vô cùng gần gũi, điển hình như trận Thách đấu Muay Thái này.

Nguyễn Thanh Tùng chưa phải võ sĩ Muay tài năng nhất Việt Nam. Malanon Anuwat cũng không phải là “sứ giả” của võ thuật xứ Chùa Vàng. Thế nhưng, bằng tất cả tài năng họ có, bằng mọi sự tôn trọng họ dành cho nhau, họ cho đối phương thấy được người Việt đang dần luyện tập Muay như thế nào, và người Thái đã mang văn hóa võ thuật đến như thế nào.

Malanon Anuwat chụp ảnh cùng người hâm mộ Việt Nam
Malanon Anuwat chụp ảnh cùng các nữ võ sĩ Muay Việt

Người Thái đặc biệt yêu thích võ thuật, và coi những người bạn võ thuật như anh em. Đến với Let’s Viet như một võ sĩ được mời, thế nhưng Malanon – bất chấp rào cản ngôn ngữ, ngay sau trận đấu đã trở thành những người bạn không chỉ của Thanh Tùng, mà là của cộng đồng Muay Việt. Được biết trong những ngày tới anh sẽ tham gia huấn luyện và giới thiệu cho các bạn trẻ về Muay Thái bản địa. Thế nhưng, như lời những võ sĩ Muay Việt đã tiếp đón Malanon từ khi máy bay đáp cánh: “Không chỉ là tập võ đâu, còn ăn cùng bữa cơm, cùng rong ruổi trên những con đường Sài Gòn nữa”.

Trận đấu đã bắt đầu, và cũng đã kết thúc. Thế nhưng những nét đẹp của tinh thần võ thuật Thái Lan, những nụ cười và cái bắt tay hữu nghị mà Malanon mang đến, những buổi tập cùng đổ mồ hôi, cùng thở dốc mệt mỏi với các võ sĩ Muay Việt, đó sẽ còn là những câu chuyện nối tiếp – và được nhớ mãi.

Malanon (quần xanh trắng) giao lưu kỹ thuật với các võ sĩ Muay Việt
Malanon (quần xanh trắng) giao lưu kỹ thuật với các võ sĩ Muay Việt

Một lần nữa, cảm ơn Malanon Anuwat – chàng võ sĩ Muay trẻ đã mang đến cho khán giả Let’s Viet một trận đấu thú vị, và nhiều hơn thế nữa. Bên cạnh đó, Nguyễn Thanh Tùng cũng là cái tên đáng được nhắc đến – chàng võ sĩ không ngại khó, không sợ thua, một bản lĩnh còn chứa đựng nhiều tiềm năng tiến bộ – người đã làm nên một nửa còn lại của trận Thách đấu Muay Thái đầy cảm xúc này.

Video clip trận đấu:

[jwplayer player=”1″ mediaid=”67435″]

Y.N