20 tôn chỉ của tổ sư Karate có ích cho mọi võ sĩ

(VoThuat.vn) – Khi bạn nghe đến những huyền thoại võ thuật như Jigoro Kano, Morihei Ueshiba hay Lý Tiểu Long, bạn sẽ ngay lập tức nhận ra và giành sự tôn trọng to lớn dành cho họ. Bởi vì những bậc thầy này đã cách mạng hóa cách chúng ta nhìn nhận võ thuật và thay đổi cách chúng ta luyện võ.

Cùng với việc hệ thống hóa các kỹ thuật môn võ của mình, những biểu tượng võ thuật này đã thành công trong việc ghi lại các lợi ích tinh thần trong suốt quá trình đào tạo cho các thế hệ sau này. Tuy nhiên, không ai có thể làm điều này tốt hơn Gichin Funakoshi. Ông biết rằng học trò của mình sẽ không thể trở thành những võ sĩ thực thụ nếu không học được những quy tắc sống cơ bản.

Để đạt được điều đó, Gichin Funakoshi đã tạo ra 20 Tôn chỉ của Karate như một bộ hướng dẫn để đảm bảo rằng các võ sinh sử dụng thời gian luyện võ một cách khôn ngoan. Hiện tại thì, ngay cả ở thời điểm mà nhiều người đang bào vụn nguồn gốc trường phái võ thuật của mình, những tôn chỉ ấy vẫn có thể được áp dụng. Chúng không chỉ dành riêng cho môn võ Shotokan Karate mà còn có ảnh hướng đến tất cả các môn võ thuật.

Tổ sư Shotokan Karate, Gichin Funakoshi

1. Karate bắt đầu và kết thúc với sự nhã nhặn

Trong thời đại mà thể thao, trường học và cuộc sống dường như đang thiếu đi sự tôn trọng, tính nhã nhặn và biết cách cư xử, võ thuật được cần đến hơn bao giờ hết. Nó có thể giải quyết vấn đề trong cuộc sống của chúng ta và truyền tải sự tôn trọng tới người khác.

2. Karate không bao giờ có đòn tấn công đầu tiên

Trong một xã hội đầy áp lực, sự bực bội có thể bùng nổ dễ dàng và các vụ kiện tụng thì nhan nhản. Sự điềm đạm của một võ sĩ thực thụ có thể giúp chúng ta giải quyết các trường hợp mà không cần tới bạo lực trừ khi thực sự cần thiết.

3. Karate là phương tiện của công lý

Các báo cáo của FBI cho thấy hoạt động băng nhóm và bạo lực gia tăng từ nội thành tới các vùng nông thôn ở Mỹ. Những người dân tôn trọng luật pháp biết tự vệ có thể ngăn chặn tội phạm.

4. Biết tự chủ trước khi muốn kiểm soát người khác

Những tin tức gần đây đã nhắc đến những đứa trẻ tố cáo cha mẹ mình với chính quyền vì hành vi sử dụng ma tuý. Võ thuật khuyến khích hành động này vì chúng ta phải biết kiểm soát bản thân mình trước khi muốn người khác làm theo ý mình.

5. Nhất tâm nhì thuật

Thiếu đi các yếu tố tinh thần thì Karate sẽ chỉ được ví như aerobic. Dù nó có là Kata, một trận đấu Kickboxing hay một trận MMA, nó phải được thực hiện bằng trái tim, tâm hồn và cả linh hồn. Nếu không thì, chấn thương nghiêm trọng là điều sẽ xảy ra.

6. Luôn sẵn sàng để giải phóng tâm trí

Lý Tiểu Long và các võ sư khác luôn lặp lại tư tưởng này. Chúng ta cần được tự do để lắng nghe và học hỏi — mà không bị đè nặng bởi tâm trí của chính mình. Với một tư tưởng bảo thủ, mối quan hệ giữa trường phái và võ sinh trở nên trì trệ và không đi đến đâu cả. Ngôi sao “Long Tranh Hổ Đấu” liên tục đọc sách và học nhiều thứ mới, nhờ vậy mà tâm trí của anh luôn tự do.

7. Tai nạn xuất phát từ sự cẩu thả

Võ thuật sẽ không an toàn và thú vị trừ khi có sự chú ý luyện tập cẩn thận. Điều này có liên quan tới thời hiện đại không? Hãy hỏi bất kỳ công ty bảo hiểm nào đang bảo hộ cho các võ đường.

8. Không được nghĩ rằng chỉ luyện võ Karate trong võ đường

Chúng ta cần đưa việc luyện võ ra khỏi võ đường. Ở hiện tại hơn hết, chúng ta cần phải đưa tất cả các khía cạnh của võ thuật vào đời sống thường nhật. Sự tự tin, kỷ luật và lòng tự trọng không thể đạt được chỉ trong một giờ chúng ta dành ra trong các võ đường. Chúng ta cần cả ngày dài để phát triển.

9. Cần một đời người để học Karate

Mặc dù chúng ta sống trong một xã hội “mì ăn liền”, chúng ta không nên nghĩ rằng việc luyện võ sẽ có hồi kết. Võ thuật có thể dạy chúng ta về sự kiên nhẫn và tinh thần không bỏ cuộc, điều luôn bị thiếu trong thời đại của những thay đổi nghề nghiệp, vợ chồng và nhà cửa.

10. Hãy dành thời gian cho Karate, bạn sẽ tìm thấy bí mật

Có phải Gichin Funakoshi vừa nhắc tới sự khai sáng hay sự hiểu về “đòn chí tử”? Tất nhiên là không rồi. Ông muốn chúng ta đưa võ thuật vào cuộc sống của mình để chúng ta có thể hưởng lợi từ việc đạt được sự hài hòa của tâm trí, cơ thể và an bình nội tại — điều mà thế giới luôn cần đến nhiều hơn.

11. Karate giống như đun nước: Nếu không được làm nóng liên tục thì nó sẽ nguội đi

Chúng ta cần nhớ rằng võ thuật lẽ ra cần được hưởng thụ như một trong số ít những hoạt động suốt đời có giá trị đối với mỗi con người. Ngay cả khi đã quá tuổi 50, Bill Wallace tiếp tục tỏa sáng bởi nghị lực “hâm nóng” tinh thần và việc luyện võ của mình. Trong khi đó, hàng triệu võ sinh trên toàn thế giới đã bắt đầu luyện võ và khi Wallace dừng những việc mình đang làm lại và biến mất thì họ cũng bỏ cuộc theo. Nói chung thì, chúng ta cảm thấy chán quá nhanh. Điều chúng ta cần làm là giữ tinh thần sảng khoái và luyện tập liên tục.

12. Đừng than vãn, đừng bỏ cuộc

Những môn võ hiện đại thường tập trung vào võ sinh đứng đầu và xa lánh số còn lại. Trẻ em khó tiếp thu và yếu ớt, đều cần được chào đón đến với những trường luyện võ bởi các môn võ nhấn mạnh không chỉ vào việc ngưng than vãn mà còn về việc không bao giờ thua cuộc hay bỏ cuộc. Không một võ sĩ nào cảm thấy mình là kẻ thua cuộc cả.

13. Chiến thắng phụ thuộc vào khả năng nhận ra điểm yếu và điểm mạnh của bản thân

Bởi vì Gichin Funakoshi là một người thông thái, hẳn sẽ là một điều đáng nghi ngờ nếu ông chỉ áp dụng tôn chỉ này cho võ thuật. Những thành công trong cuộc sống, sự nghiệp và mối quan hệ gia đình sẽ đến nếu chúng ta hiểu điểm yếu và điểm mạnh của người khác cũng như chính bản thân mình.

14. Biết cách di chuyển khi có và khi không có sự đề phòng

Gichin Funakoshi đã đi trước thời đại khi ông ủng hộ cách di chuyển dựa theo cách di chuyển của đối thủ. Nguyên tắc này áp dụng vào luyện tập đối kháng của Karate, Kickboxing, võ thực chiến và hầu như tất cả các thể loại võ thuật khác. Suy nghĩ rộng ra một chút, thì nó còn có thể áp dụng với tính cạnh tranh trong doanh nghiệp và phát triển sự nghiệp.

15. Hãy xem đôi tay và chân như những thanh kiếm

Gichin Funakoshi muốn tất cả các võ sinh của các môn võ nhìn nhận bản thân họ như những vũ khí  — không chỉ để hiểu những thiệt hại họ có thể giáng lên đối phương, mà còn để hiểu rằng họ nên có sự cẩn trọng và sự kiềm chế để tránh vô tình làm tổn thương người khác.

16. Mỗi khi rời khỏi nhà, có vô số nguy hiểm đang chờ bạn

Funakoshi đã dạy rằng chính hành vi của chúng ta sẽ gây nên những phiền hà. Ông nhận ra điều này từ thực tế cuộc sống và ông muốn tất cả mọi người cũng vậy.

17. Những người mới cần thông thạo tư thế đứng thấp, tư thế cơ thể tự nhiên là dành cho người ở trình độ cao

Gần như mọi môn võ đều dạy những người mới bắt đầu sự kiên nhẫn và để cho cơ thể của họ học cách kiểm soát trọng tâm và cân bằng. Chỉ khi họ đã làm hoàn thành điều đó thì họ mới có thể tiếp tục đi lên trình độ nâng cao hơn.

18. Luyện tập Kata là một chuyện, thực chiến là một chuyện khác

Đối với các môn võ hiện đại, luyện tập quyền thế thôi là không đủ và một vài bài thực chiến rất cần thiết cho tự vệ. May mắn là, hiện tại càng ngày càng nhiều trường võ chấp nhận điều này hơn thời điểm những năm 1970 và 1980.

19. Học đúng cách về sự căng và giãn cơ, sự chậm rãi và tốc độ của kỹ thuật

Nếu tôn chỉ này có mất đi ảnh hưởng thì quả thật đáng nghi ngờ. Kỹ năng nhẹ nhàng mà chết người của một bậc thầy Kung fu, đòn siết của một chuyên gia Jujitsu và cú đá hoàn hảo của một nhà vô địch Taekwondo là minh chứng cho sự quan trọng của những nguyên liệu trên như thế nào đối với thành công.

20. Hãy đưa những tôn chỉ này vào cuộc sống hằng ngày

Cái tên của tôn chỉ cuối cùng này đã nói lên tất cả rồi.

Ngọc Phương