5 điều phụ huynh cần biết khi cho con em học võ

Võ thuật là một trong những món quà tuyệt vời nhất bạn có thể dành cho những đứa trẻ của mình. Dẫu vậy, bạn đã gửi tặng món quà đó đúng cách? Hãy đọc bài viết này, chiêm nghiệm 5 nỗi trăn trở hàng đầu của các HLV võ thuật để trở thành một phụ huynh thực sự sáng suốt trong quyết định cho con em học võ.

LÒ VÕ KHÔNG PHẢI NHÀ TRẺ, LÀM ƠN HIỂU ĐIỀU NÀY!

Hãy nhớ lò võ là nơi để con bạn bộc lộ những điểm yếu tinh thần và thể chất, để rồi các HLV và môn võ sẽ tìm cách loại bỏ điều đó. Trên hết, những điểm yếu cần phải được BỘC LỘ chứ không phải nuôi dưỡng.

Hầu hết phụ huynh sẽ làm ầm nên nếu như con cái trở về nhà với vết bầm, thậm chí kể cả khi “đứa bé” đó đã học cấp 3 rồi. Tính cách của người Việt lại càng ưu tiên bảo bọc con cái thay vì để chúng thực sự va chạm.

Đưa con đi tập võ, đây là điều đầu tiên bạn phải làm: quán triệt tư duy của chính mình trước. Bạn đang gửi con đến nơi tập võ chứ không phải gửi đi nhà trẻ, và có một số điều bạn phải chấp nhận, chẳng hạn như những vết trầy xước hoặc con than đau nhức bắp chân khi trở về nhà. Đã từng có rất nhiều phụ huynh than trách thầy dạy võ một cách quá đáng về những tổn hại nhỏ mà con họ phải chịu, trong khi họ không biết rằng bên trong đứa trẻ đó đang có những phần bản lĩnh lớn dần nhờ công ơn của người dạy.

LÒ VÕ CŨNG KHÔNG PHẢI LỚP GIÁO DỤC CÔNG DÂN NHÉ!

Giảng dạy võ thuật cũng phải đi kèm với giảng dạy đạo đức – hay tối thiểu là cách hành xử đúng mực một khi đã sở hữu những kỹ năng đặc biệt nhạy cảm đó là tổn thương người khác. Đồng ý! Nhưng hãy nhớ điều này, con cái bạn ở trường 8 tiếng đồng hồ hằng ngày, từ năm chúng 4 tuổi tới khi bước ra đời. Lớp võ thì sao? Bạn không cho con đi học võ hằng ngày, không quá 2 tiếng mỗi buổi và cũng chưa chắc bạn cho con học võ lâu như học trên trường. Toàn bộ thời gian còn lại của các con bạn là ở cạnh gia đình.

Lớp võ tác động rất lớn đến những đứa trẻ và cũng chịu trách nhiệm phần nào về hành vi của những đứa trẻ khi chúng lớn lên, nhưng điều đó không có nghĩa là bạn đưa lớp võ lên trên đầu thứ tự ưu tiên khi đổ thừa về việc đứa con của bạn bị phàn nàn về việc bắt nạt người khác. Nếu bạn làm vậy thì chẳng khác nào chứng minh rằng ngôi trường các con bạn đang học, và chính mái nhà chúng đang ở cũng là những môi trường giáo dục thất bại.

BẠN ĐANG CHO CON CÁI VÀ CHO CHÍNH MÌNH MÓN QUÀ TUYỆT VỜI NHẤT

Nói ngắn gọn thôi, vì vấn đề này nói nhiều rồi: võ thuật sẽ loại bỏ những điểm yếu trong tinh thần và thể chất của con bạn, thay vào đó là sự mạnh mẽ, trưởng thành, tự tin, quyết đoán, khả năng kiểm soát căng thẳng cũng như tâm lý tiêu cực. Trên hết, lớp võ sẽ là gia đình thứ 3 (sau mái nhà và mái trường) của mỗi đứa trẻ, cho chúng thêm nhiều bạn bè, nhiều kỷ niệm, nhiều cơ hội để rèn luyện kỹ năng giao tiếp xã hội – một trong những yếu tố then chốt quyết định sự thành công của một người thanh niên sau này.

Về phía các phụ huynh, việc cho con em đi học võ cũng là một khoản “đầu tư” hết sức nghiêm túc. Các bạn không ở cạnh con cái 24h mỗi ngày và 365 ngày mỗi năm được, sẽ có lúc chúng phải tự đối đầu với nguy hiểm và thoát khỏi sự nguy hiểm đó. Chúng ta đều nhận thấy rằng nếu gia đình có vài tỉ, chúng ta cần một cái két sắt, nếu có một chiếc xe hơi thì cái nhà cần cổng chắc tường cao. Vậy tại sao đứa con vàng con ngọc của chúng ta không xứng đáng với một khoản đầu tư bảo vệ tự giác là một lớp tập võ (thứ vốn đã bao hàm rất nhiều lợi ích khác?)

QUAN SÁT VÀ CHO CON ĐỔI BỘ MÔN TẬP LUYỆN NẾU CẦN

Hãy nhớ, độ tuổi của con bạn là độ tuổi khám phá và định hình cách chúng nhìn nhận thế giới xung quanh. Hãy quan sát thái độ của con bạn với lớp võ. Nếu chúng tỏ ý không hứng thú hay không thể kết nối với tập thể sau một thời gian dài tập luyện, hãy thử cho con đổi một môn võ khác. Rồi sẽ có lúc con bạn tìm được phong cách võ thuật phù hợp với tính cách của chúng.

Nếu bạn phát hiện con bạn thực sự có tình cảm với bộ môn và lớp tập, hãy khuyến khích chúng tập luyện lâu dài. Chẳng có lý do gì để chúng ta phải chấm dứt một quyết định đầy lợi ích như việc chúng ta cho con em học võ cả.

TỰ TRANG BỊ KIẾN THỨC Y TẾ

Các HLV võ thuật luôn có kiến thức y tế tùy theo bộ môn nhưng không phải lúc nào họ cũng có thể chăm sóc hết cho tất cả các võ sinh nhí của mình. Bạn mới là người chăm sóc và dạy dỗ con mình nên đừng đổ hết trách nhiệm cho nhà trường và lớp võ, và như từ đầu bài viết đã đề cập, bạn chấp nhận gửi con vào lớp võ chứ không phải nhà trẻ, vậy hãy sẵn sàng cho một ngày nào đó bạn phải rửa vết thương hay chườm đá máu bầm cho con mình.

Đã có không ít trường hợp trẻ nhỏ bị bầm dập ở lớp võ, các phụ huynh thiếu hiểu biết dùng dầu nóng xoa cho con và hôm sau họ “thu hoạch” được vết tụ máu còn lớn hơn vậy. Xin nhắc lại, chính các bạn mới là người thực sự chăm sóc con của mình.

https://youtu.be/D9Lb9rTQkbA

V.K